Quy hoạch - Đầu tư

“Mắt xích” phát triển vùng liên huyện

HỒ QUÂN - CÔNG TÚ 15/03/2024 06:30

(QNO) – Hạ tầng giao thông đang đầu tư khớp nối đồng bộ, các không gian phát triển được định hình rõ nét,… là tiền đề để các cấp, ngành, địa phương xây dựng các kế hoạch thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh vừa được Thủ tướng phê duyệt.

45(1).jpg

Liền mạch dải liên kết vùng Đông

Đường Võ Chí Công – hành lang ven biển

Vùng Đông của tỉnh được xác định là vùng động lực phát triển của toàn tỉnh. Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, vùng Đông sẽ gồm các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển, với chủ lực là kinh tế biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch. Đây sẽ là khu vực tập trung các đô thị lớn, trung tâm hành chính, chính trị mang tính quyết định đến sự phát triển của tỉnh.

6.jpg
Sông, biển ở phía đông là lợi thế để thực hiện quy hoạch. Ảnh: Q.T
5.jpg
Cầu Cửa Đại nối Duy Xuyên với Hội An. Ảnh: Q.T
4.jpg
Hạ tầng đô thị ven sông đang được hình thành. Ảnh: Q.T
3.jpg
KInh tế biển là lợi thế của Quảng Nam. Ảnh: Q.T
2(1).jpg
Phát triển du lịch sinh thái gắn với sông. Trong ảnh: Phát triển du lịch tại rừng dừa Bảy Mẫu (TP.Hội An). Ảnh: Q.T
1.jpg
Các KCN được quy hoạch ở phía đông. Arnhh: Q.T

Với việc quy hoạch bám biển, bám các sông Cổ Cò, Trường Giang chảy theo hướng bắc – nam, vùng Đông đang chuyển mình mạnh mẽ. Nổi bật là đầu tư các dự án giao thông động lực, kết nối nội vùng và liên vùng. Trong đó phải kể đến dự án đường ven biển Việt Nam đoạn qua Quảng Nam mang tên đường Võ Chí Công, dài 69km từ TP.Hội An đến sân bay Chu Lai.

Tháng 3/2022, tuyến đường này đã kết nối thông suốt toàn tuyến từ cầu Cửa Đại đến sân bay Chu Lai. Đến tháng 9/2023, đường đôi từ cầu Cửa Đại đến nút giao quốc lộ 40B (xã Tam Phú, Tam Kỳ) đã hoàn thành toàn bộ theo quy hoạch. Và đầu tháng 1/2024, Dự án thành phần 1 hoàn thiện đường Võ Chí Công có chiều dài 26,5km đi qua xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) và các xã Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Hiệp, thị trấn Núi Thành, Tam Giang, Tam Nghĩa, Tam Quang (Núi Thành) chính thức khởi công, dự kiến sẽ hoàn thiện vào năm 2025.

vo-chi-cong.png
Tuyết đường ven biển Võ Chí Công đóng vai trò quan trọng trong phát triển vùng đông của tỉnh. Ảnh: Q.T

Đây không chỉ là tuyến giao thông huyết mạch của các địa phương ven biển, mà còn kết nối liên vùng giữa Đà Nẵng, Quảng Nam và KCN Dung Quất (Quảng Ngãi). Ông Nguyễn Tri Ấn – Bí thư Huyện ủy Núi Thành cho rằng đây là tuyến đường đẹp nhất tỉnh và có vai trò quan trọng trong việc phát triển hạ tầng vùng Đông.

18.jpg

Khi chưa có tuyến đường Võ Chí Công, đời sống, đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Gần đây, tuyến đường dù chỉ mới hoàn thiện 1 phần, song diện mạo Núi Thành thay đổi nhanh, đời sống người dân bắt đầu phát triển. Hoạt động giao thương với các địa phương khác đã thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Tri Ấn – Bí thư Huyện ủy Núi Thành

[VIDEO] - Diện mạo tuyến đường Võ Chí Công hôm nay:

Những dự án động lực

Bên cạnh tuyến đường ven biển Võ Chí Công, sự phát triển vùng Đông có vai trò quan trọng của hệ thống các sông Cổ Cò, Trường Giang, hạ lưu sông Thu Bồn… Các dự án động lực đang và sẽ triển khai như Dự án nạo vét, thoát lũ sông Cổ Cò, Nạo vét sông Trường Giang,… sẽ thúc đẩy giao thông đường thủy, hình thành các đô thị, phát triển loại hình du lịch ven sông, ven biển và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

11.jpg
Cầu ông Điền bắc qua sông Cổ Cò. Ảnh: Q.T

Trong đó, sông Cổ Cò kết nối TP.Hội An, thị xã Điện Bàn với TP.Đà Nẵng. Việc khơi thông toàn tuyến sẽ tạo ra phát triển đô thị mới xuyên suốt từ Đà Nẵng đến Hội An. Trên tuyến sông này, năm 2022, Quảng Nam đã khánh thành cầu Ông Điền bắc qua sông Cổ Cò nối TP.Hội An và thị xã Điện Bàn. Một số cây cầu khác bắc qua dòng sông này đang tiếp tục được đầu tư.

chu-lai.png
Khu kinh tế mở Chu Lai. Ảnh: Q.T

Cùng với hạ tầng giao thông, các dự án du lịch, khu công nghiệp tại vùng Đông đã và đang được triển khai xây dựng. Điển hình như Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, quần thể Vinpearl Nam Hội An và nhiều dự án công nghiệp trong Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu công nghiệp Tam Thăng.

17.jpg
Tập đoàn Hyosung tại KCN Tam Thăng. Ảnh: Q.T

Ông Park Chan – Tổng Giám đốc Công ty Hyosung - KCN Tam Thăng cho biết, hạ tầng KCN từng bước đầu tư đã tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp.

[VIDEO] - Khu kinh tế mở Chu Lai đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh:

Mở đường về vùng Tây

Trục kết nối đông – tây

Theo quy hoạch tỉnh, vùng Tây gồm các huyện miền núi của tỉnh, là vùng bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, phát triển vùng nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia. Đồng thời phát triển kinh tế vườn, trang trại, chăn nuôi; khai thác thủy điện, khoáng sản.

20.jpg
Đô thị Khâm Đức (Phước Sơn). Ảnh: Q.T
19.jpg
Đô thị Thạch Mỹ (Nam Giang). Ảnh: Q.T

Đô thị Khâm Đức (Phước Sơn) và Thạnh Mỹ (Nam Giang) là các đô thị chuyển tiếp, kết nối, giao lưu phát triển giữa khu vực đồng bằng tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng với Tây Nguyên và các nước trên Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Để tạo đà phát triển cho khu vực này, các trục liên kết vùng Đông với vùng Tây sẽ được đầu tư, để nối cảng hàng không, cảng biển với Cửa khẩu quốc tế Nam Giang và khu vực Tây Nguyên, các nước trong khu vực. Quy hoạch tỉnh đã lên phương án nâng cấp, mở rộng các trục 14D, 14B, 14G, 14H, 40B, 24C và hoàn thiện hành lang Bắc – Nam.

22-14d.jpg
Quốc lộ 14D. Ảnh: Q.T
23-14g.jpg
Quốc lộ 14G. Ảnh: Q.T
24-14b.jpg
Quốc lộ 14B. Ảnh: Q.T
25-14h(1).jpg
Quốc lộ 14H. Ảnh: Q.T

Theo ông Văn Anh Tuấn – Giám đốc Sở GT-VT, các tuyến trục ngang này đóng vai trò vô cùng quan trọng, song hầu hết chưa đạt quy mô quy hoạch. Trong đó, quốc lộ 14G, 14D đầu tư xây dựng từ năm 2004 đến nay xuống cấp, chưa được nâng cấp, tu sửa không đáp ứng nhu cầu vận tải. Quốc lộ14H còn nhiều công trình cầu yếu. Quốc lộ 40B đoạn qua Nam Trà My mặt đường đang xuống cấp.

Ông Tuấn cho biết, Sở GT-VT sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục đề nghị Trung ương sớm bố trí nguồn vốn đầu tư các dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung mở rộng các quốc lộ 14D,14G. Đồng thời rà soát, lựa chọn các danh mục công trình giao thông theo quy hoạch tỉnh đến năm 2030 để đề nghị HĐND tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030.

21.jpg
Cửa khẩu quốc tế Nam Giang. Ảnh: Q.T

Cùng với trục phát triển đông – tây, hành lang dọc đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh cũng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển vùng Tây. Trong quy hoạch tỉnh, dọc hành lang này sẽ tập trung phát triển công nghiệp thủy điện, khai thác, chế biến khoáng sản, nông, lâm nghiệp; là cửa ngõ giao thương với các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Khởi động các dự án trọng điểm

Hiện nay, Bộ GT-VT đang triển khai 2 dự án hạ tầng liên quan đến trục đông – tây, đó là xây dựng 2 cầu thuộc quốc lộ 40B; mở rộng, nâng cấp quốc lộ 14E. Trong đó, quốc lộ 14E có tổng chiều dài khoảng 90km. Thời gian qua, tuyến đường mới được đầu tư nâng cấp đoạn Km0 đến Km15. Năm 2023, Bộ GT-VT khởi công Dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ tuyến còn lại, từ Km15+270 đến Km89+700, có chiều dài 74km đi qua 3 huyện Phước Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức.

14e.jpg
Quốc lộ 14E đoạn qua huyện Thăng Bình và Hiệp Đức đang thi công. Ảnh: Q.T

Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng cho rằng quốc lộ 14E là hành lang vận tải đường bộ quan trọng, phục vụ đi lại, vận chuyển hàng hóa từ Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Dung Quất sang nước bạn Lào thông qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang và ngược lại.

[VIDEO] - Sôi động trên công trường thi công quốc lộ 14E:

Cùng với các dự án do Bộ GT-VT triển khai, Quảng Nam cũng quan tâm đầu tư một số dự án liên vùng, khớp nối với các tuyến quốc lộ lên vùng Tây. Nổi bật là Dự án liên kết vùng miền Trung, đi qua 5 địa phương gồm Thăng Bình, Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước và Bắc Trà My với chiều dài toàn tuyến hơn 31,8km.

Dự án hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới kết nối giao thông khu vực miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên, thông qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y sang nước Lào, kết nối thông suốt với cảng biển Kỳ Hà, cảng hàng không quốc tế Chu Lai, Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Dung Quất.

lien-ket-vung.png
Dự án liên kết vùng đoạn qua huyện Tiên Phước đang được thi công. Ảnh: Q.T

Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Hồng Quang cho biết, sau khi dự án được đầu tư hoàn thiện, cùng với dự án Nâng cấp quốc lộ 40B đã hoàn thành sẽ hình thành trục động lực kết nối đông - tây phía nam của tỉnh.

[VIDEO] - Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết kiểm tra tiến độ thi công dự án đường Liên kết vùng miền Trung

Tạo sức bật cho 2 cụm động lực

Một trong những điểm nhấn trong quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2033, tầm nhìn đến 2050 là hình thành 2 cụm động lực, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển 2 cực phía bắc và phía nam của tỉnh.

Hoàn thiện khung hạ tầng phía Bắc

Cụm động lực phía bắc bao gồm các địa phương Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc. Khu vực này sẽ kết nối với các không gian kinh tế của TP.Đà Nẵng. Đồng thời hình thành chuỗi đô thị ven sông, ven biển thông qua các tuyến đường bộ và hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn, Cổ Cò; phát triển hành lang du lịch dựa trên tuyến giao thông đường thủy.

36-dt603b.jpg
Tuyến ĐT603B nối Hội An và Điện Bàn. Ảnh: Q.T

Là trung tâm của cụm động lực, hạ tầng giao thông từ thị xã Điện Bàn kết nối với 2 TP.Hội An và Đại Lộc được tập trung đầu tư, hoàn thiện. Trong đó, đô thị Điện Bàn sẽ là không gian mở rộng về phía bắc của đô thị cổ Hội An. Hai địa phương này có nhiều lợi thế kết nối liên vùng, như các trục giao thông ven biển, dọc sông Cổ Cò, cùng các tuyến huyết mạch ĐT607, ĐT603B, ĐT608…

van-ly.png
Dự án cầu Văn Ly và đường dẫn sẽ tạo bước đột phá trong liên kết 2 vùng huyện Đại Lộc và Điện Bàn. Ảnh: Q.T

Trong khi đó, trục liên kết chính giữa Điện Bàn với Đại Lộc lâu nay là tuyến ĐT609 nối từ phường Vĩnh Điện (Điện Bàn) lên thị trấn Ái Nghĩa và các xã vùng tây Đại Lộc. Một bước ngoặt mới cho việc liên kết giữa 2 địa phương này chính là dự án cầu Văn Ly và đường dẫn vừa khởi công năm 2023. Dự án sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông phía bắc, kết nối hai bờ sông Thu Bồn.

Ông Lê Đỗ Tuấn Khương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc nói, dự án cầu Văn Ly và đường dẫn cùng với tuyến đường nối từ quốc lộ 14H đến 14B, bao gồm cầu Sông Thu vượt sông Thu Bồn và cầu An Bình vượt sông Vu Gia đang triển khai thi công, ĐT609B qua cầu Giao Thủy và các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trong vùng đã đầu tư hoàn chỉnh, góp phần hình thành hạ tầng khung cho huyện.

Trong quy hoạch vùng huyện Đại Lộc chúng tôi đã tích hợp hạ tầng khung giao thông vào để tạo tiền đề phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch địa phương lên tầm cao mới.

Ông Lê Đỗ Tuấn Khương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc

[VIDEO] - Ông Lê Đỗ Tuấn Khương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc đánh giá về vai trò của các dự án liên kết vùng đang triển khai tại địa phương:

Hạ tầng đồng bộ ở phía bắc đang mang đến kỳ vọng nâng cao chất lượng KCN Điện Nam - Điện Ngọc và các cụm công nghiệp tại Điện Bàn. Đồng thời điều chỉnh các cụm công nghiệp trên trục quốc lộ 14B theo hướng kết nối, mở rộng thành các KCN với hạ tầng đồng bộ, môi trường đảm bảo.

[VIDEO] - Dự án cầu Văn Ly và đường dẫn đang gấp rút thi công:

Tập trung nguồn lực cho đô thị Tam Kỳ

Cực tăng trưởng phía Nam sẽ bao gồm 3 địa phương Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh. Đây sẽ là khu vực phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ logistics cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển, y tế, giáo dục - đào tạo, đô thị thông minh. Trong đó sáp nhập huyện Núi Thành với TP.Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại I.

do-thi-tam-ky-nui-thanh.png
Thế mạnh của đô thị mới Tam Kỳ - Núi Thành. Ảnh: Q.T

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, để tránh dàn trải nguồn lực, 3 xã vùng tây Núi Thành sẽ sáp nhập vào huyện Phú Ninh. Đồng thời tập trung nguồn lực đầu tư cho vùng đông của đô thị Tam Kỳ - Núi Thành. Tương lai, đây sẽ là đô thị mang tầm vóc lớn, hội tụ đầy đủ các yếu tố hạ tầng chiến lược gồm sân bay, cảng biển, đường thủy nội địa và có các trục cao tốc, quốc lộ 1, đường ven biển, đường sắt Bắc – Nam đi qua.

le-tri-thanh.jpg

Đô thị Tam Kỳ - Núi Thành sẽ là trung tâm chính trị, hành chính mới của tỉnh, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi đô thị miền Trung. Quảng Nam sẽ tập trung phân bổ nguồn lực, xây dựng kế hoạch đầu tư theo hướng phát triển thành đô thị loại I

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh

[VIDEO] - Cơ khí ô tô là ngành công nghiệp mũi nhọn của Chu Lai:

HỒ QUÂN - CÔNG TÚ