Chuyển hướng nuôi cá trong lồng nhựa HDPE ở xã Tam Quang
(QNO) - Thời gian gần đây, ngư dân xã Tam Quang (Núi Thành) đã triển khai mô hình nuôi trồng thủy sản bằng lồng nhựa HDPE. Mô hình này đã góp phần khắc phục được những hạn chế của lồng nuôi truyền thống và mang lại hiệu quả cao.
Anh Phạm Hồng Sơn (thôn An Hải Đông, xã Tam Quang) đã cùng với người chú của mình triển khai mô hình này từ năm 2021. Hiện nay anh đã đầu tư 4 lồng HDPE với chi phí mỗi lồng khoảng 130 triệu đồng.
“Ban đầu nhiều người hoài nghi về việc lồng HDPE có phù hợp với mặt nước và địa hình cửa biển hay không, vì đây là nơi có nhiều tàu thuyền qua lại cộng với thời tiết xấu làm cho sóng vỗ rất mạnh. Tuy nhiên, đến nay thì hiệu quả của lồng nhựa HDPE mang lại ngoài sự mong đợi, vì thế tôi đã phát triển lên thành 4 lồng nuôi với hơn 5.000 con cá” - anh Sơn cho hay.
Được biết, lồng nhựa HDPE có đường kính 12m, nằm độc lập nên vùng nuôi thông thoáng hơn khiến cá phát triển nhanh hơn. Ngoài ra, nhựa HDPE được đánh giá thân thiện với môi trường, có độ bền cao hơn so với lồng truyền thống.
Tại cảng cá Tam Quang (Núi Thành), ông Nguyễn Duy Văn là người có nhiều lồng bè nuôi cá nhất với 6 lồng nhựa HDPE và 4 lồng bằng gỗ truyền thống. Ông Văn cho biết, nhờ chống chịu tốt hơn với sóng gió, lồng HDPE có thể đặt nuôi tại cửa biển điều này giúp đàn cá nuôi sinh trưởng và phát triển tốt hơn, từ đó nâng cao được tỷ lệ cá sống.
“So với nuôi trong lồng cá truyền thống, thì nuôi trong lồng nhựa HDPE cá phát triển nhanh hơn và thời gian bán ra sớm hơn 2 tháng. Với 9 tháng nuôi, cá bán ra có trọng lượng trung bình 5kg/con, giá bán trung bình 180 nghìn đồng/kg. Sau vụ này, tôi sẽ từng bước chuyển đổi tất cả các lồng bè truyền thống thành nhựa HDPE” - ông Văn nói.
Hiện nay, ngư dân xã Tam Quang chủ yếu nuôi các loài cá như: cá bớp, cá khế, cá mú... Đây là xã ven biển nằm trong vùng có tần suất bão, áp thấp nhiệt đới cao nên chính quyền khuyến khích ngư dân chuyển từ lồng bè gỗ sang lồng nhựa HDPE.
Theo ông Phan Vĩnh Tiến - Chủ tịch UBND xã Tam Quang, đây là mô hình mang tính tự phát của ngư dân, song không thể phủ nhận được sự hiệu quả mà mô hình này mang lại. Một trong những ưu điểm lớn nhất của mô hình này là khả năng tối ưu hoá sử dụng không gian nuôi, giúp tăng năng suất và lợi nhuận, bên cạnh đó còn giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực lên môi trường.
“Trong tương lai, mô hình nuôi trồng thủy sản bằng lồng HDPE sẽ tiếp tục phát triển và được áp dụng rộng rãi tại xã Tam Quang. Việc tối ưu hoá sản xuất, bảo vệ môi trường và tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho ngư dân là mục tiêu quan trọng mà địa phương luôn hướng tới” - ông Tiến khẳng định.
[VIDEO] - Mô hình nuôi cá bằng lồng HDPE tại xã Tam Quang: