Quy hoạch - Đầu tư

Định hình chiến lược phát triển Chu Lai

TRỊNH DŨNG 15/03/2024 06:42

Ngày mai 16/3, diễn ra hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tỉnh đã định hình rõ nét khung chiến lược phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai.

z5251733017259_9eeb999d009476d97bec9a7ff373b1f7.jpg
Cảng biển sẽ được nạo vét, mở rộng đón tàu 5 vạn tấn vào ra.

Thành công trong vai trò một “khu công nghiệp bậc cao”

Kế hoạch xây dựng một khu kinh tế mở (KTM) với hạt nhân khu thương mại tự do, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thí điểm các chính sách kinh tế mới trong 20 năm qua đã không thành hiện thực.

Lý do chính được đưa ra tại nhiều hội nghị, hội thảo, báo cáo của cơ quan chức năng là thể chế, cơ chế phát triển không hiệu quả; chưa có những ưu đãi đầu tư vượt trội; nguồn lực tài chính hạn hẹp...

Trong bối cảnh đó, kết quả đạt được của Khu KTM Chu Lai đến thời điểm này chủ yếu phụ thuộc vào sự nỗ lực của địa phương và tập đoàn Trường Hải.

Những cuộc hội thảo mở nhiều năm qua, từ Trung ương đến địa phương cũng xác nhận sự thành công của khu vực này chỉ như một “khu công nghiệp bậc cao”, hơn là sự thành công trong vai trò của một khu KTM trên bình diện quốc gia như mong đợi.

Con số gần 160 dự án đầu tư đang hoạt động với tổng vốn đăng ký hơn 4,5 tỷ USD sau 20 năm của Khu KTM Chu Lai dường như quá ít so với tiềm lực được đánh giá của khu vực này.

Quảng Nam phải tự mò mẫm cách làm, tự xin cơ chế, kể cả không có chính sách gì đột phá cho khu thương mại tự do nên không thể triển khai trên thực tế.

Thành công được biết đến của Khu KTM Chu Lai là đã góp phần lớn đưa Quảng Nam từ một tỉnh nghèo đến một địa phương có thể tự cân đối ngân sách, điều tiết về Trung ương 10% kể từ năm 2017 (hiện đã lên 18%). Con sếu đầu đàn Thaco dẫn dắt tăng trưởng.

Nhiều dự án đầu tư và lượng doanh nghiệp tại khu vực này đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế và GRDP Quảng Nam, đưa tỷ lệ công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ đến 88% cơ cấu kinh tế địa phương, hơn 80% tổng thu ngân sách, tạo tiền đề cho sản phẩm Quảng Nam tham gia thị trường và chuỗi giá trị toàn cầu.

Quy hoạch chung xây dựng Khu KTM Chu Lai được điều chỉnh hồi tháng 12/2018 chưa thực sự phát huy tác dụng khi những đề xuất quy hoạch của các nhà đầu tư đều không thể thực hiện.

Trong vòng 5 năm qua, số lượng lớn dự án đầu tư đăng ký vào khu vực này hầu hết không triển khai trên thực tế. Các dự án đầu tư công lẫn tư tại khu vực này không vướng về quy hoạch, thủ tục thì cũng gặp khó liên quan đến thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất rừng hay trồng rừng thay thế.

Thaco đã xây dựng thành công một trung tâm cơ khí ô tô, mở cửa ngõ ra biển Đông của vùng Đông Bắc Á, nhưng chưa thể đưa cảng Chu Lai trở thành trung tâm giao nhận (logistics) vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu quốc tế với sản lượng lớn đúng nghĩa khi các tuyến giao thông 14D, 14E vẫn còn là những điểm nghẽn, không dễ tháo gỡ trong ngày một ngày hai.

Cơ hội rộng mở

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam sắp được công bố, Khu KTM Chu Lai sẽ trở thành khu kinh tế động lực của vùng và quốc gia. Sẽ trở thành hạt nhân, trung tâm phát triển lớn của vùng và cả nước.

z5251733549938_85432f18bf89ef54730cbb03f6f3a73b.jpg
Khu KTM Chu Lai định hướng tương lai sẽ trở thành trung tâm cơ khí.

Kinh tế khu vực này sẽ phát triển theo định hướng kinh tế tuần hoàn, chuyên môn hóa, tự động hóa cao, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, trở thành trụ cột chính của nền kinh tế địa phương.

Khu vực này sẽ thành cứ điểm công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, cơ khí, điện, điện tử. Sẽ hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia, phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với dịch vụ hậu cầu, logistics, cảng biển, sân bay, đường sắt.

Thúc đẩy phát triển dự án Trung tâm điện khí miền Trung gắn với các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng và sản phẩm sau khí. Một khi những dự án này triển khai trên diện rộng, khu kinh tế này sẽ là xung lực phát triển mới cho Quảng Nam và miền Trung.

Quy hoạch tỉnh lần này, Khu KTM được xác định sẽ hình thành nên các trung tâm mang tầm quốc gia. Từ cảng biển, sân bay, dịch vụ hàng không, điện khí, silica, công nghiệp hỗ trợ đến dược liệu... Các nhà hoạch định kinh tế dự đoán Khu KTM sẽ không còn loay hoay tìm đường phát triển trong tấm áo cũ đã quá chật, có đủ cơ hội “bùng nổ đầu tư”.

Một thỏa thuận chủ trương đầu tư giữa UBND tỉnh Quảng Nam và Hyosung Advanced Materials (Hàn Quốc) về đầu tư xây dựng cụm nhà máy công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí tại Khu KTM Chu Lai đã được ký kết. Chính quyền đang xem xét, thẩm định dự án của Tập đoàn Vidaxl (Hà Lan), Karcher (Đức), Công ty Điện khí Quốc Quang (Trung Quốc)…

Công ty Parsons Brinckerhoff (Hoa Kỳ) tại Việt Nam, Thiên Tân Group - Quảng Ngãi, Tập đoàn Jk & D Intrernational, Ltd (Hoa Kỳ), Liên danh Tư vấn Tedi (Việt Nam) và OCG (Nhật Bản), Vietjet Air… đã từng đề xuất tìm nguồn đầu tư, nâng cấp mở rộng sân bay quốc tế Chu Lai có thể sẽ trở lại tìm cơ hội nghiên cứu đầu tư trong thời gian tới.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói, thông qua các cuộc gặp gỡ, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào Quảng Nam. Nhất là cuộc gặp gỡ trực tuyến EU hồi tháng 6/2022 và phiên gặp đoàn California ngày 3/8/2023, hy vọng sẽ đón làn sóng đầu tư từ cộng đồng doanh nghiệp Âu, Mỹ, Á...vào khu vực này.

Sau khi quy hoạch tỉnh được công bố, tất cả quy hoạch bên dưới, trong đó có quy hoạch Khu KTM Chu Lai sẽ phải rà soát, điều chỉnh phù hợp với quy hoạch tỉnh để bảo đảm hiệu quả, chất lượng hơn!

Khu KTM Chu Lai vẫn được đánh giá là một trong những khu kinh tế hiệu quả nhất Việt Nam. Khu vực này vẫn còn khá nhiều sức hấp dẫn, vẫn là lựa chọn số một của các nhà đầu tư khi tìm đến Quảng Nam để đặt cược vào những cuộc làm ăn.

Quảng Nam sẽ tìm mọi cách để đột phá đúng kế hoạch, tầm vóc của một khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực. Bài toán đặt ra trong lúc này làm sao có thể hiện thực hóa quy hoạch cũng là phép thử cho sự năng động của Quảng Nam có thực sự “mở” đúng nghĩa và khát vọng của Khu KTM Chu Lai.



TRỊNH DŨNG