Ấn Độ ra mắt vắc xin ngừa vi rút HPV giá rẻ
(QNO) - Nhiễm vi rút HPV là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung, cũng là nguyên gây tử vong do ung thư lớn thứ hai ở phụ nữ ở Ấn Độ.
Sau 18 năm nghiên cứu và thử nghiệm, Ấn Độ chính thức sản xuất vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung (hay ngừa vi rút HPV) có tên Cervavac, là phiên bản giá cả phải chăng, mở ra cơ hội tiếp cận cho nhiều phụ nữ tại Ấn Độ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ trên thế giới. Khoảng 90% số ca tử vong do căn bệnh này xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Riêng tại Ấn Độ, vi rút HPV khiến 70 nghìn người tử vong mỗi năm.
Vắc xin ngừa HPV làm giảm đáng kể số ca mắc bệnh, nhưng khả năng tiếp cận vắc xin này ở Ấn Độ cực kỳ hạn chế vì vắc xin hiện có (trước vắc xin Cervavac) do các công ty dược phẩm nước ngoài Merck và GSK sản xuất và có giá thành rất cao.
WHO khuyến nghị phụ nữ trên 30 tuổi nên tham gia sàng lọc ung thư cổ tử cung 5 đến 10 năm một lần, nhưng chưa đến 2% phụ nữ ở Ấn Độ từ 30 đến 49 tuổi tham gia sàng lọc.
Các chuyên gia y tế cho biết, gần như tất cả bệnh ung thư cổ tử cung đều do nguyên nhân lây nhiễm một số chủng vi rút HPV và bệnh sẽ âm thầm tiến triển trong vòng 15 - 20 năm.
Vắc xin Cervavac ra đời theo sáng kiến chung giữa chính phủ Ấn Độ và Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) - nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới tính theo liều lượng. Cervavac cũng là loại vắc xin nội địa đầu tiên nhận được sự chấp thuận của Tổng cục kiểm soát thuốc Ấn Độ.
Theo tờ The Guardian (Anh), trong tháng 2 vừa qua, vắc xin Cervavac chỉ cung cấp ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe tư nhân với giá 2.000 rupee (600 nghìn đồng) cho 3 liều tiêm.
Nhưng từ ngày 8/3 vừa qua, vắc xin Cervavac có mặt tại các bệnh viện với mức giá 1.500 rupee cho những người đăng ký trước.
Ông Adar Poonawalla - Giám đốc điều hành của SII cho biết Cervavac sẽ được cung cấp cho chính phủ vào tháng 12 tới với giá từ 300 đến 400 rupee một liều (từ 90 nghìn đồng đến 120 nghìn đồng).
Sneha (14 tuổi) và mẹ của cô - bà Sonia cho biết rất vui vì Sneha vừa được tiêm vắc xin Cervavac. Sonia nói: "Nếu vắc xin được sản xuất ở Ấn Độ, chúng tôi sẽ có nhiều niềm tin hơn".
SII, có trụ sở tại thành phố Pune, bangMaharashtra và hiện có thể sản xuất 70 triệu liều vắc xin Cervavac hằng năm nhưng đặt mục tiêu tăng ít nhất gấp đôi con số đó vào năm 2026. Khoảng 25 triệu trẻ em được sinh ra ở Ấn Độ mỗi năm.
Người đứng đầu SII cho biết, sau khi đáp ứng nhu cầu tại Ấn Độ, vắc xin Cervavac hướng tới xuất khẩu đến các quốc gia khác trên thế giới như châu Phi, Nam Mỹ...