Nhìn xa và nhìn gần
Có một tầm nhìn xa hoạch định cả con đường phát triển của Quảng Nam trên nền quy hoạch mới công bố.
Ở đó có những phác lộ thênh thang cho các hành lang chiến lược. Có những trung tâm công nghiệp kỳ vọng thu hút các dự án tỷ đô.
Có hạ tầng tân tiến kết nối đồng bộ các vùng.
Có chuỗi đô thị ven biển, ven sông, ven đồng, ven núi…
Và rồi cái lõi của mọi chiến lược hướng tới là để có môi trường đáng sống, nơi mà “chỉ số phát triển con người và thu nhập của người dân ở mức cao, đời sống hạnh phúc”.
Nhìn xa là vậy nhưng với đời sống thường nhật cũng cần nhìn gần để giải quyết các khúc mắc hiện hữu. Vì rằng dẫu có ước mơ lớn, tầm nhìn xa nhưng những đòi hỏi cần kíp xung quanh ta không tháo gỡ được sẽ cản trở sự đồng tâm, đồng thuận, đồng hướng về tương lai.
Chẳng hạn các vấn đề đô thị hiện tại đang đối mặt phải cởi được nút thắt. Là tình trạng ngập úng ngày càng nặng chỉ sau vài đợt mưa to, là nỗi lo thường trực của người dân trong các vùng lõm bì bõm.
Là những đường cụt, ngõ cụt, nhà không số, phố không tên khiến người dân trở thành “vô danh” trong mối liên hệ cộng đồng. Là bảo tồn nhà cổ, di tích cổ trong xô bồ cuộc sống đòi hỏi tiện ích, tiện nghi hiện đại và sinh kế thương mại.
Chẳng hạn là vấn đề về xóa đói giảm nghèo khi số hộ nghèo còn nhiều, nguy cơ tái nghèo còn treo lơ lửng, nhất là ở các xã ở vùng đặc biệt khó khăn.
Thống kê đầu năm 2024 có tới 89 xã rớt chuẩn nông thôn mới, và thách thức trước mắt với các xã miền núi cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn, khi đạt chuẩn nông thôn mới từ xã khu vực III xuống khu vực I sẽ cắt hết các chế độ hỗ trợ an sinh xã hội (bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên...).
Chẳng hạn là chuyện doanh nghiệp vừa và nhỏ, không được quan tâm hỗ trợ như doanh nghiệp to, nên lắc lư chao đảo, phá sản, giải thể.
Trong khi họ không dự phần vào những dự án với vốn đầu tư lớn nhưng vẫn là một “bè thuyền thúng” cơ động linh hoạt giải quyết một bộ phận lao động nông thôn, người yếu thế tìm sinh kế.
Chuyện chuyển đổi kinh tế nông nghiệp cũng đáng bàn, khi mà liên kết chuỗi sản xuất còn ít và yếu, tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa còn bấp bênh.
Nêu lên một số ví dụ đơn cử để thấy rằng việc gần trước mắt cũng cần có giải pháp xử lý, giải quyết. Nhìn gần là thấy cuộc mưu sinh bộn bề lo toan.
Không gian phát triển rộng mở ở thì tương lai, nhưng các vấn đề đang là hiện hữu sinh tồn chưa được tháo nút thắt thì con mắt cũng sẽ ảnh hưởng tầm nhìn.
Có điều vui với Quảng Nam là trong khi công bố quy hoạch thì các kế hoạch phát triển ngắn hạn cũng được quan tâm.
Như với kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Quảng Nam đặt ra mục tiêu giảm hơn 3% hộ nghèo vùng này trong năm 2024. Theo đó sẽ dành hơn 883,7 tỷ đồng phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Dĩ nhiên số tiền là không lớn khi mà rất nhiều hạng mục cần đầu tư, từ quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi bức thiết, đến giải quyết chuyện cấp bách là thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, rồi hỗ trợ bảo vệ rừng.
Xa hơn chút nữa là các dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch…
Quy hoạch tỉnh là chuyện lớn, tầm nhìn xa, nhưng sau lễ công bố sẽ là việc cụ thể ra các kế hoạch phát triển, theo từng chặng đường. Và việc thường niên vẫn phải giải quyết, nhất là tháo các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, xã hội.
Muốn đến đích xa phải chạy qua từng tiêu điểm gần!