Tìm chỗ đứng cho du lịch nông thôn Quảng Nam
Du lịch nông thôn Quảng Nam được khai phá từ lâu nhưng chưa có chiều sâu để duy trì thương hiệu bền vững.
Bề dày từ vốn bản địa
Du lịch Quảng Nam in đậm dấu ấn trong lòng du khách với thương hiệu du lịch di sản. Trên thực tế, du lịch nông nghiệp - nông thôn Quảng Nam đã hình thành từ lâu với nhiều sản phẩm được du khách yêu thích.
Các sản phẩm như một ngày làm nông dân hay “cooking class” - lớp học nấu ăn xuất phát từ Hội An và được nhiều điểm đến trên cả nước tham khảo, áp dụng rộng rãi.
PGS.TS Phạm Trung Lương - Phó Chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam cho hay: “Quảng Nam có những sản phẩm du lịch nông thôn rất tốt mà cả nước phải học tập. Người làm du lịch ở đây có nhiều sáng kiến từ nét văn hóa bình dị.
Ngoài giá trị di sản, giá trị làng quê Việt rất đặc sắc, tưởng như rất đời thường nhưng cuốn hút với khách quốc tế. Bản thân tôi cũng thường đưa mô hình du lịch nông thôn tại Hội An vào các bài giảng như một điển hình về phát triển du lịch”.
Theo thời gian, các địa phương và doanh nghiệp du lịch Quảng Nam đã có những mô hình du lịch nông nghiệp được du khách trong nước và quốc tế đánh giá cao như: trải nghiệm làng rau Trà Quế, rừng dừa Bảy Mẫu, điểm đến lò gạch cũ, làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu…
Một làn gió mới từ các điểm đến nông thôn vừa hình thành hoặc cải tạo lại, mang đến trải nghiệm mới mẻ cho du khách. Đó có thể là các ngôi làng ven sông như du lịch cộng đồng Cẩm Kim, Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú (Điện Bàn)... hay làng ven biển như Cửa Khe (Thăng Bình)...
Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, thời gian qua Quảng Nam đã ban hành, triển khai nhiều kế hoạch về phát triển du lịch nông nghiệp. Địa phương ghi nhận du lịch mang lại sự phát triển mạnh mẽ, sắc thái mới, sức sống mới ở khu vực nông thôn.
Nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo, chất lượng đã được khai thác một cách bài bản, có định hướng, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách theo các nhóm mục tiêu khác nhau.
Hình thành dễ, duy trì khó
Du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn là lĩnh vực được Quảng Nam quan tâm lớn, thể hiện trong quy hoạch tỉnh. Theo đó, đối với các khu, điểm du lịch mà sản phẩm chủ yếu là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng hoặc du lịch dựa vào tự nhiên, Quảng Nam xác định chú trọng phát triển hệ thống nhà nghỉ sinh thái (ecolodge), lưu trú trong dân (homestay)…
Quy hoạch tỉnh cũng xác định phía nam là không gian ưu tiên tập trung thu hút đầu tư, phát triển du lịch nhằm giảm tải cho khu vực di sản. Định hướng tại khu vực này sẽ phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, thủ công truyền thống gắn với du lịch tìm hiểu lịch sử văn hóa cách mạng.
Trong khi đó, phía tây tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp với các di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan... để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, khám phá.
Tuy nhiên, vài năm qua, nhiều điểm đến du lịch nông thôn Quảng Nam nổi lên thành hiện tượng nhưng không duy trì được sức hút. Trong khi lại có một số điểm đến vận hành thời gian đầu rất tốt nhưng dần mất cân đối do áp lực về lượng khách cũng như không định hướng tốt về thị trường.
Sở VH-TT&DL nhìn nhận, du lịch nông nghiệp, nông thôn Quảng Nam thời gian qua vẫn chưa thật sự có chiều sâu. Phần lớn sản phẩm du lịch do cộng đồng đầu tư, khai thác mới chỉ đáp ứng nhu cầu ở mức đơn giản của du khách.
Nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm đến phần lớn được lồng ghép từ các nguồn tài chính khác nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch.
PGS.TS Phạm Trung Lương nhận định, nguyên tắc hàng đầu của du lịch bền vững là chia sẻ lợi ích hài hòa. Ở đó, Nhà nước - doanh nghiệp - người dân - khách du lịch đều phải có lợi thì du lịch nông thôn mới tồn tại được lâu dài.
Trong khi ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch - dịch vụ Hoa Hồng cho rằng, có những điểm đến du lịch nông thôn dù được đầu tư nhiều nhưng không đáp ứng mong đợi của du khách cũng như định hướng quản lý nhà nước về du lịch.
“Yếu tố con người để điều phối và tổ chức rất quan trọng với du lịch nông thôn. Họ phải là người địa phương, là người tham gia trực tiếp trong chuỗi cung ứng dịch vụ. Làm du lịch nông thôn rất khó, phải kiên trì. Ngoài ra, cần xem xét “cởi trói” chính sách về đất đai để du lịch nông thôn có hành lang pháp lý mạnh từ đó doanh nghiệp mới có cơ sở đầu tư thúc đẩy loại hình này”, ông Dũng nói