Vì một Quảng Nam giàu có đa dạng sinh học...
Quảng Nam là địa phương đăng cai tổ chức hàng loạt hoạt động năm 2024 về “Phục hồi đa dạng sinh học”. Quảng Nam cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước đăng ký triển khai thực hiện phục hồi đa dạng sinh học, hưởng ứng “Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên” của Liên hợp quốc.
Một xứ sở giàu có đa dạng sinh học và đang tiếp tục được vun bồi để giữ những “di sản” của thiên nhiên.
Bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng là để có một tương lai phát triển bền vững. Nhận chân sự vô giá của hệ sinh thái tự nhiên, cũng là lúc cần thiết phải hành động.
Quảng Nam là địa phương đăng cai tổ chức hàng loạt hoạt động năm 2024 về “Phục hồi đa dạng sinh học”. Quảng Nam cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước đăng ký triển khai thực hiện phục hồi đa dạng sinh học, hưởng ứng “Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên” của Liên hợp quốc.
Để hiện thực hóa nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, Quảng Nam cần những hành động cụ thể hơn. Từ người quản lý, chuyên gia, các tổ chức nước ngoài hay thậm chí, là một người dân đang quay về trồng rừng... Họ đã cùng lên tiếng vì một Quảng Nam giàu có về đa dạng sinh học...
PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH HỒ QUANG BỬU: Thay đổi nhận thức là mục tiêu quan trọng
Quảng Nam có vị trí địa lý quan trọng và điều kiện tự nhiên đa dạng, phong phú với nhiều hệ sinh thái tốt. Thực tế chứng minh, khi công tác bảo vệ đa dạng sinh học (ĐDSH) được quan tâm sẽ đem lại nguồn lợi rất lớn cho con người, xã hội và môi trường sống.
Điển hình như việc bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Nhờ bảo vệ tốt rạn san hô, các loài động thực vật dưới nước đem lại nguồn lợi quý cho môi trường và người dân sinh sống ở đó.
Sự nỗ lực của Quảng Nam trong công tác bảo tồn ĐDSH thể hiện rõ ở sự quyết tâm của lãnh đạo từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Đặc biệt là ở định hướng phát triển kinh tế khi ưu tiên phát triển công nghiệp sinh thái, du lịch xanh, nông nghiệp hữu cơ, quan tâm bảo tồn ĐDSH lưu vực Vu Gia - Thu Bồn, bảo vệ rừng, động vật quý hiếm…
Năm 2024, Quảng Nam được Chính phủ cho phép tổ chức “Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia”. Đây là bước khởi đầu quan trọng với công tác bảo tồn ĐDSH không chỉ với Quảng Nam mà cho cả quốc gia; là sự khởi đầu để những năm tiếp theo Quảng Nam làm tốt hơn.
Mục tiêu của chuỗi hoạt động này nhằm tạo chuyển biến nhận thức về công tác bảo vệ thiên nhiên, ĐDSH. Vấn đề quan trọng, cốt lõi của công tác này là nâng cao nhận thức. Khi có bước chuyển về nhận thức thì hành động sẽ chuyển theo.
Bên cạnh kết quả, những thách thức với công tác bảo tồn ĐDSH cũng rất lớn. Từ nhận thức của cộng đồng đến ảnh hưởng thiên tai, khí hậu, áp lực phát triển kinh tế tác động đến môi trường... Việc bảo tồn, phục hồi ĐDSH tại Việt Nam, trong đó có Quảng Nam hiện nay đang có nhiều thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn xã hội trong công tác ngăn chặn suy giảm ĐDSH, bảo đảm duy trì các dịch vụ hệ sinh thái, phát triển bền vững.
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ về phương án bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH. Việc ban hành quy hoạch rất quan trọng vì mọi vấn đề phải bắt đầu từ đây. Theo quy hoạch, Quảng Nam phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch xanh, sinh thái; rồi quy hoạch bảo vệ rừng, phát triển dược liệu… Những vấn đề này sẽ tác động đến công tác bảo tồn ĐDSH trong tương lai.
Để làm tốt công tác này phải có nguồn vốn tương xứng, có kinh phí, cũng như đòi hỏi sự chung tay của Nhà nước, các tổ chức và cộng đồng. Nếu chỉ nhà nước hay đơn lẻ tổ chức nào làm cũng sẽ vô ích nếu người dân, cộng đồng không đồng tâm, nỗ lực.
Muốn cộng đồng chung tay thì phải làm sao để câu chuyện bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH mang lại nguồn lợi, thu nhập cho người dân. Tôi tin khi người dân nhìn thấy quyền lợi của mình, nhận thức cộng đồng cũng sẽ thay đổi. Họ sẽ cùng chính quyền, các tổ chức nỗ lực vì một vùng đất ĐDSH bền vững...
TÂM ĐAN (ghi)
ÔNG VĂN NGỌC THỊNH – TỔNG GIÁM ĐỐC WWF VIỆT NAM:
Xây dựng mô hình bảo tồn đa dạng sinh học ở Quảng Nam trở thành hình mẫu
WWF - Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, nhiều năm nay lựa chọn Quảng Nam là điểm đầu tư, triển khai các dự án bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng, tạo sinh kế cho người dân.
WWF xác định, Quảng Nam là vùng ưu tiên về đa dạng sinh học ở miền Trung Việt Nam và nằm trong top 200 vùng sinh thái được ghi nhận trên toàn thế giới. Đây là tiền đề để những chương trình hợp tác giữa WWF và Việt Nam được triển khai hơn 20 năm qua.
Tính đến nay, đã và đang có 6 dự án phi chính phủ của WWF triển khai tại Quảng Nam liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng, cải thiện sinh kế người dân… Tổng kinh phí thực hiện ước tính khoảng 95,8 tỷ đồng.
Những dự án này góp phần cùng Quảng Nam tạo nên một số kết quả tích cực trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Đó là nhiều loại thú quý hiếm quay trở lại rừng sau nhiều năm “vắng bóng”, độ che phủ rừng ngày càng tăng, nhất là rừng tự nhiên. WWF hy vọng, những thành quả đạt được sẽ nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan trong việc duy trì đa dạng sinh học, bảo vệ rừng bền vững, hướng tới tín chỉ các bon rừng và nâng cao sinh kế dưới tán rừng cho người dân.
Để mô hình bảo tồn đa dạng sinh học ở Quảng Nam trở thành hình mẫu, được nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới biết đến, WWF đã thực hiện đánh giá các dự án trong 25 năm triển khai tại Quảng Nam.
Từ đây, WWF hướng tới các dự án chiến lược mang tính dài hạn. Điển hình như dự án Phục hồi rừng và phát triển sinh kế huyện Tây Giang do Velux tài trợ, đang xin chủ trương phê duyệt tại Quảng Nam. Dự án triển khai 2 giai đoạn 2023 - 2024 và 2025 – 2045, với kinh phí thực hiện trong giai đoạn đầu tiên ước tính khoảng 2 triệu USD. Mục tiêu dự án hướng đến là phục hồi, quản lý tốt gần 75.800ha rừng tự nhiên tại Tây Giang và nâng cao ý thức giữ rừng của người dân.
Cạnh đó, WWF đang lên kế hoạch thực hiện một chương trình có tầm nhìn 35 năm tại vùng Trung Trường Sơn mang tên Thuận thiên. Chương trình nằm trong cam kết giữa WWF và Bộ NN&PTNT. Và Quảng Nam là một trong các địa phương trọng điểm trong chương trình này.
Thuận thiên sẽ có sự cam kết đồng hành của nhiều nhà tài trợ là các tập đoàn lớn trên thế giới đang và sẽ đầu tư tại Việt Nam như Apple, International, Lego… Đây là xu hướng trên thế giới, khi các doanh nghiệp chung tay, đóng góp cho sự phát triển xanh nơi họ đầu tư, kinh doanh.
Đáng chú ý, dự án Thuận thiên sẽ không tách yếu tố con người ra khỏi bảo tồn đa dạng sinh học. Mục tiêu là khi con người hạnh phúc thì đa dạng sinh học sẽ được bảo vệ. Điều này khác với tư duy giữ rừng truyền thống là khoanh vùng bảo vệ. Tương lai, thay vì phải truy bắt người phá rừng, người săn bắt động vật rừng thì sẽ chuyển họ thành người giữ rừng và hưởng lợi từ chính cánh rừng họ sinh sống, bảo vệ.
Cùng với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng bền vững, Thuận thiên sẽ có rất nhiều chương trình hành động khác, chẳng hạn bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa, bảo tồn biển, biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo. Thời gian tới, nhiều hơn các đoàn làm việc của WWF đến với Quảng Nam để khảo sát, nắm bắt nhu cầu của địa phương. Trên cơ sở đó, WWF sẽ triển khai các chương trình hỗ trợ phù hợp, thiết thực, hiệu quả.
HỒ QUÂN (ghi)
BÀ LÊ THỦY TRINH - PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ TN-MT:
Bảo tồn, sử dụng bền vững tài nguyên vùng đất ngập nước sông Đầm
Sông Đầm (TP.Tam Kỳ) có diện tích toàn bộ lưu vực là 650ha, trong đó có gần 200ha mặt nước. Nơi này có hệ sinh thái nước ngọt đa dạng, phong phú đặc trưng của khu vực Nam Trung Bộ.
Các giá trị đa dạng sinh học của khu vực đất ngập nước quan trọng không chỉ đối với TP.Tam Kỳ mà còn là tài sản quý của tỉnh Quảng Nam. Hiện nay, Quảng Nam đang triển khai đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu đa dạng sinh học và đề xuất giải pháp quản lý, bảo tồn gắn với phát triển du lịch sinh thái khu vực hồ sông Đầm”. Với kết quả của đề tài này, Sở TN-MT sẽ phối hợp, hỗ trợ Tam Kỳ rà soát, tiếp tục tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các tổ chức liên quan để xác định hình thức và xây dựng mô hình bảo tồn thích hợp cho sông Đầm.
Việc bảo tồn và sử dụng vùng đất ngập nước sẽ được thực hiện trên nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái và đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường vai trò, sự tham gia của cộng đồng dân cư sinh sống xung quanh cũng như các bên liên quan trong bảo tồn, sử dụng bền vững tài nguyên vùng đất ngập nước. Đồng thời đảm bảo cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng, hợp lý về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên.
Hiện nay, tiến độ nghiên cứu đề tài khoa học công nghệ đang được đẩy nhanh. Bên cạnh đó, Sở TN-MT, chính quyền thành phố cùng các ngành liên quan đang phối hợp xây dựng, thẩm định, tham mưu quyết định công nhận vùng đất ngập nước quan trọng cấp tỉnh nếu đủ điều kiện, lập quy hoạch phân khu Khu sinh thái và đa dạng sinh học đất ngập nước sông Đầm. Dự kiến, một bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam tại khu vực hồ sông Đầm cũng sẽ được tham mưu đầu tư xây dựng.
Cơ quan chuyên môn cũng đang rà soát, đề xuất triển khai nghiêm túc các quy định về bảo tồn đa dạng sinh học như quan trắc môi trường, quan trắc đa dạng sinh học; bảo vệ môi trường, phát triển hệ sinh thái và tái tạo nguồn lợi động thực vật tại sông Đầm. Thời gian tới, các hoạt động hợp tác cùng với các tổ chức, chuyên gia sẽ được thúc đẩy nhằm phối hợp, hỗ trợ thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án bảo tồn, xây dựng các mô hình sinh kế bền vững dựa vào cộng đồng.
Đây là những cơ sở quan trọng, làm tiền đề cho việc định hướng phát triển vùng sông Đầm theo hướng bền vững, sinh thái, bảo tồn, phục hồi và phát huy các giá trị đa dạng sinh học của sông Đầm.
THÀNH CÔNG (ghi)
ÔNG LÊ NGỌC THẢO - TRƯỞNG BAN THƯ KÝ KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN CÙ LAO CHÀM - HỘI AN:
Cộng đồng tác động lớn đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học
Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An với các hoạt động bảo tồn đều lấy cộng đồng làm trung tâm. Quyền và trách nhiệm của cộng đồng thể hiện rất rõ trong quá trình vận hành khu bảo tồn biển, khu dự trữ sinh quyển. Nhà nước dần chuyển giao quyền quản lý và giám sát tài nguyên cho cộng đồng và các bên liên quan địa phương.
Hoạt động sinh sống, phát triển sinh kế cũng như kinh tế - xã hội của các địa phương trên lưu vực sông, biển sẽ có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự tồn tại và phát triển của các loài, sinh cảnh, hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học của tỉnh Quảng Nam.
Do vậy, cộng đồng và các bên liên quan sinh sống bên ngoài khu bảo tồn biển, khu sinh quyển cần nhận thức rằng tài nguyên ở khu bảo tồn biển như rạn san hô, cá, tôm không tồn tại độc lập mà chúng đang phụ thuộc và chịu tác động rất lớn từ thiên nhiên và từ chính con người.
Tại Cù Lao Chàm, cộng đồng làm bảo tồn hiệu quả nhất vì họ nhận thức: tài nguyên chính là nguồn sống của họ. Các nội dung quản lý, điều phối hoạt động diễn ra trong khu bảo tồn biển, khu sinh quyển đều lấy cộng đồng làm trọng tâm.
Ngoài ra, những tài nguyên mà cộng đồng bên ngoài khu bảo tồn sở hữu như nguồn lợi giống, các loài sinh vật sống tại vùng cửa sông, đầm lầy, ven biển đang phụ thuộc vào nguồn lợi bố mẹ của chúng tại vùng biển Cù Lao Chàm.
Đối với nguồn lợi cá chình trên các dòng suối thượng lưu cũng đang phụ thuộc vào hành vi ứng xử của cộng đồng sinh sống vùng núi cao cho đến trung du, hạ du và biển đảo nơi cá chình phải vượt từ đại dương, qua các dòng sông đến suối, khép kín vòng đời của mình.
Do đó, các hoạt động trên thượng nguồn (khai thác khoáng sản, khai thác cát, chặt phá, chuyển đổi công năng rừng, đập thủy điện…) sẽ theo dòng chảy tác động đến tài nguyên, nguồn lợi biển.
Hoạt động của các đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, dịch vụ vùng đồng bằng ven biển cũng sẽ tác động đến khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thông qua dòng hải lưu, thủy triều và sóng gió.
Cho nên, dù con người sinh sống ở những vùng địa lý khác nhau, dù trong hay ngoài khu bảo tồn thì hoạt động của mình đều có tác động đến tồn tại, phát triển của tài nguyên và nguồn lợi của khu bảo tồn biển, khu dự trữ sinh quyển.
Cộng đồng sinh sống vùng ven biển từ mũi An Hòa (Núi Thành) cho đến Cửa Đại (Hội An) đang sở hữu phức hợp cảnh quan sinh thái và tính đa dạng sinh học rất phong phú, tiềm năng dọc bờ biển và trên dòng Trường Giang. Do vậy, cộng đồng nơi đây có thể nhận thức về tính liên kết và ủng hộ chiến lược phát triển mạng lưới các khu bảo tồn đất ngập nước (Wetland Protected Areas Network) ven biển Quảng Nam.
Hiện nay, ngoài khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đang hoạt động hiệu quả, các khu bảo tồn, bảo vệ khác do các địa phương, cộng đồng quản lý như rạn san hô Tam Hải, rừng dừa nước Tịch Tây Tam Nghĩa, rạn Bà Đậu Tam Tiến (Núi Thành); rạn Kỳ Trân Bình Hải (Thăng Bình); cồn rong Duy Hải, bãi giống thủy sản Hồng Triều Duy Nghĩa, rừng dừa nước Trà Nhiêu Duy Vinh (Duy Xuyên); khu bảo vệ rừng dừa nước Cẩm Thanh, bãi giống thủy sản tại bãi bà Mau Cẩm Kim (Hội An); đặc biệt là khu bảo tồn đất ngập nước Sông Đầm (Tam Kỳ) và nhiều khu vực có tính đa dạng sinh học cao sẽ được quy hoạch, phấn đấu nâng tỷ lệ diện tích khu bảo tồn đạt 17% trong tổng diện tích khoảng 3.000 km2 vùng biển ven bờ tỉnh Quảng Nam. Đây cũng là chương trình trọng điểm của các địa phương và tỉnh nhằm mang đến thành công cho sự kiện “Năm quốc gia phục hồi đa dạng sinh học - Quảng Nam 2024.
VIỆT NGUYỄN (ghi)
ANH NGUYỄN TRẦN TUẤN (HUYỆN NAM TRÀ MY):
Trồng lại cây rừng
Khi công việc chế tác các gốc huỳnh đàn trở thành những vật phẩm phong thủy, lưu niệm có thị trường, tôi nhận thấy các gốc huỳnh đàn mục trong các rẫy của người dân cũng sẽ có lúc ít dần. Và tôi đi đến quyết định tìm lại cây huỳnh đàn gốc ở khu vực xã Trà Cang ngày trước để nhân giống.
Tôi trao cây huỳnh đàn giống cho bà con vùng cao quê mình. Tôi khuyến khích họ trồng lại cây trên mảnh đất đã khai thác, tạo sinh thái cho môi trường rừng và lớn hơn, khi phục hồi đa dạng sinh học từ rừng, cũng là để có một cuộc sống an ổn hơn...
Năm 2022, tôi mang khoảng 1.000 cây huỳnh đàn giống cho bà con có hoàn cảnh khó khăn ở xã Trà Cang. Năm 2023, tại thôn 3 (xã Trà Mai), tôi tiếp tục trao 1.500 cây cho người làng. Ngoài ra, mỗi lần đi khảo sát vùng nguyên liệu, nơi nào phù hợp tôi đều trao cây giống cho người dân địa phương trồng. Tính đến nay, đã có gần 5.000 cây huỳnh đàn giống cho bà con vùng cao Nam Trà My.
Mỗi khi thu mua huỳnh đàn trong vườn nhà dân, cứ thu mua 1 cây, sau khi thanh toán đầy đủ, tôi sẽ tặng thêm từ 5 cây huỳnh đàn giống cho hộ dân đó tiếp tục trồng. Thật ra, hành động này đầu tiên để phục vụ công việc của mình, bởi từ đây sẽ đảm bảo nguyên liệu cho công việc chế tác của tôi. Nhưng có lẽ tôi nghĩ việc trồng lại cây trên mảnh đất rừng mang một ý nghĩa cao hơn nữa. Trên nền đất vùng cao, cây sẽ tái sinh và những dải rừng sẽ từ từ thành hình.
Cho nên song song việc hỗ trợ cây giống cho các hộ dân mà tôi thu mua huỳnh đàn, tôi sẽ tiếp tục trao tặng cây giống sinh kế cho người dân. Để sẽ có những cánh rừng xanh ở vùng Nam Trà My quê mình...
AN NHIÊN (ghi)
Trình bày: MINH TẠO