Nông nghiệp

Tam Hòa gặp khó trong chuyển đổi đất bị nhiễm mặn

ĐÔNG YÊN - THANH THẢO 17/03/2024 12:15

(QNO) - Nhiều héc ta đất nông nghiệp ở xã Tam Hòa (Núi Thành) bị bỏ hoang hóa suốt thời gian dài bởi không thể canh tác hoặc sản xuất không hiệu quả. Nông dân rất cần hỗ trợ chuyển đổi mô hình sản xuất để cải thiện kinh tế.

dat-man-tam-hoa-1.jpg
Hơn 17ha đất sản xuất nông nghiệp ở thôn Xuân Tân bị bỏ hoang do canh tác kém hiệu quả vì nhiễm phèn, mặn. Ảnh: Đ.T

Bỏ đất hoang do nhiễm mặn, phèn

Thôn Xuân Tân, xã Tam Hòa có đến hơn 17ha đất lúa bị bỏ hoang hoặc sản xuất không hiệu quả. Đã hơn chục năm nay, ông Phạm Văn Hiệp gần như không đụng đến mảnh ruộng của mình vì nếu bỏ công sức trồng lúa thì lợi nhuận thu về cũng không đủ bù chi phí chăm sóc.

Theo ông Hiệp, trước đó vùng đất này trồng lúa một vụ nhờ nước trời, nhưng nay tình trạng nhiễm mặn, phèn diễn ra quá nhanh nên người dân đành bỏ hoang đất.

“Khu vực này ở vùng cuối kênh, sát sông nên dù cố gắng canh tác song cũng không ngăn được tình trạng đất bị xâm nhập mặn. Điều cần nhất là nhà nước định hướng, hỗ trợ cho chúng tôi cách cải tạo đất để không lãng phí đất đai và có thêm thu nhập” - ông Hiệp nói.

xam-nhap-man-tam-hoa.00_08_22_08.still005.jpg
Chỉ làm được một vụ đông xuân và phải phụ thuộc nước trời nên người nông dân không có thu nhập từ làm nông nghiệp. Ảnh: Đ.T

Tương tự, ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết, gia đình ông có hơn 1.000m2 đất ở cánh đồng Cồn Giữa. Nhưng diện tích này chỉ có thể làm 1 vụ lúa đông xuân, còn hè thu thì bỏ hoang vì không có nước tưới và phèn khiến cây lúa sống sót chỉ 40%.

“Nếu làm hiệu quả thì nhân dân đã cố gắng làm rồi nhưng thu không bù đủ chi vì các dịch vụ cày bừa, phân bón hiện nay khá cao. Vùng này chỉ có thể chuyển đổi như kết hợp nuôi thủy sản và trồng lúa dựa vào từng vụ mới may ra có thu nhập” - ông Mẫn nói.

[VIDEO] - Ông Nguyễn Minh Mẫn (thôn Xuân Tân, xã Tam Hòa):

Theo UBND xã Tam Hòa, địa phương này có 175ha đất lúa, riêng vụ hè thu chỉ trồng được khoảng 90% tổng diện tích, còn lại bỏ hoang. Những năm gần đây, xâm nhập mặn diễn ra nhanh chóng và thêm vấn đề nhiễm phèn cũng xảy ra.

Ông Dương cho biết thêm, trong khoảng 10 năm trở lại đây, tình trạng xâm nhập mặn và nhiễm phèn đã làm cho 25ha đất nông nghiệp không trồng được lúa.

Ở mỗi cánh đồng bình quân có khoảng 5 - 7ha đất bị nhiễm phèn, mặn. Vì vậy, đầu năm 2023, chính quyền địa phương đã tổ chức khảo sát để tìm hướng chuyển đổi sản xuất cho người dân.

“Đê bao sông Trường Giang đã quá cũ kỹ, xuống cấp nên không còn tác dụng ngăn mặn xâm nhập. Đồng thời, biến đổi khí hậu nên thủy triều dâng cao nên khi nước mặn tràn vào rồi thoát ra không kịp nên bị nhiễm mặn rồi lâu dài quá trình nhiễm phèn xuất hiện. Vùng trũng thấp ven sông như thôn Xuân Tân, Bình An, Phú Vinh, Đông Thạnh phải bỏ hoang đất hàng chục năm nay”.

Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hòa Bùi Văn Dương.

Đất bị xâm nhập mặn kết hợp nhiễm phèn khiến việc trồng lúa không hiệu quả ở xã Tam Hòa. Ảnh: Đ.T
Đất bị xâm nhập mặn kết hợp nhiễm phèn khiến việc trồng lúa không hiệu quả ở xã Tam Hòa. Ảnh: Đ.T

Chờ ngành chức năng hướng dẫn

Trước thực trạng này, UBND xã Tam Hòa đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất lúa bị bỏ hoang, kém năng suất giai đoạn 2024 - 2025 và định hướng đến 2030.

Việc này cũng nhằm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở các vùng trũng thấp, hình thành nên các vùng chuyên canh cây ăn quả, rau củ các loại phù hợp hơn để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

Theo chính quyền xã Tam Hòa, hai loại hình có thể chuyển đổi là trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản và trồng cây lâu năm trên diện tích gần 84ha, tạo vùng chuyên canh liên kết ở 6 khu vực của các thôn Xuân Tân, Phú Vinh, Bình An.

Đến nay, kế hoạch này đã trình HĐND xã và UBND huyện Núi Thành xem xét. Đồng thời, triển khai họp dân để công khai thông tin và vận động người dân đồng thuận, tham gia.

dat-man-tam-hoa-2.jpg
Đê bao sông Trường Giang xuống cấp mất tác dụng chống xâm nhập mặn và quá trình biến đổi khí hậu là 2 nguyên nhân chính khiến gần 84ha đất nông nghiệp ở Tam Hòa bỏ hoang. Ảnh: Đ.T

Trưởng thôn Xuân Tân Đặng Bá Trung cho biết, khi xã có chủ trương chuyển đổi 17ha đất nông nghiệp hoang hóa thì hầu hết người dân đều đồng thuận. Vì đây là cách ứng phó linh hoạt, bền vững với nhiễm mặn, phèn và giúp người dân có thể cải thiện kinh tế.

Ông Đặng Bá Trung nói: “Người dân ủng hộ nên tin tưởng chính quyền sẽ có chính sách đúng đắn, phù hợp thực tiễn nhất để chúng tôi ổn định sản xuất lâu dài”.

[VIDEO] - Trưởng thôn Xuân Tân Đặng Đặng Bá Trung:

Xã Tam Hòa đặt mục tiêu đến năm 2025, khoảng 50% vùng chuyển đổi sản xuất hiệu quả và đến 2030 là 100% diện tích chuyển đổi sẽ tạo nên hướng làm kinh tế có năng suất cao, bền vững.

Tuy nhiên, địa phương này đang gặp khó khăn trong việc xác lập hồ sơ địa chính, quá trình tích tụ ruộng đất diễn ra chậm chạp, nguồn vốn đầu tư hạ tầng sản xuất quá lớn vượt khả năng ngân sách địa phương…

“Chúng tôi rất mong Sở TN-MT có hướng dẫn chuyên môn cho xã về xác lập cơ sở dữ liệu để chuyển đổi, tránh các vướng mắc pháp lý về sau này. Và cấp trên hỗ trợ Tam Hòa xây dựng hạ tầng sản xuất như hệ thống điện, tưới tiêu, các bờ vùng, đê bao… đáp ứng được việc sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thông minh và tiết kiệm” - ông Bùi Văn Dương kiến nghị.

ĐÔNG YÊN - THANH THẢO