Chính quyền - đoàn thể

Điểm sáng mô hình thôn thông minh ở Đại Đồng

H.ĐẠO - T.THẢO 17/03/2024 17:29

(QNO) - Chưa đầy nửa năm triển khai mô hình thôn thông minh, song người dân thôn Đại Đồng (xã Tam Lộc, Phú Ninh) đã hưởng được nhiều tiện lợi, nâng cao đời sống tinh thần, chủ động nắm bắt các chủ trương, chính sách từ cấp trên...

thon-thong-minh-4.jpg
Nhờ hệ thống wifi miễn phí, người dân có thêm nhiều thông tin hữu ích trên không gian mạng. Ảnh: Đ.T

Người dân hưởng lợi

Lúc rỗi, ông Nguyễn Đức Lợi (thôn Đại Đồng) lại đến nhà văn hóa thôn để trò chuyện cùng xóm giềng. Và ông không quên mang theo chiếc điện thoại thông minh để truy cập internet, mạng xã hội vì nay mạng wifi đã được lắp đặt miễn phí. Ông cùng mọi người cùng đọc, bàn luận các bài viết về các hoạt động của thôn, xã và tìm kiếm thông tin bổ ích về kỹ thuật nông nghiệp.

thon-thong-minh.00_12_59_03.still011.jpg
Hệ thống loa truyền thanh tự động đã được triển khai. Ảnh: Đ.T

“Nhà văn hóa giờ trang bị đèn chiếu sáng tự động, có ti vi thông minh và cả wifi nên đông vui lắm. Không chỉ người lớn mà các cháu thanh thiếu niên cũng đến đây khiến mọi người gần gũi nhau hơn. Nhất là việc có mạng wifi rất tiện để chúng tôi cùng tìm kiếm, chia sẻ các thông tin bổ ích” – ông Lợi nói.

[VIDEO] - Thôn Đại Đồng là điểm sáng về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và thôn thông minh:

Ông Nguyễn Thanh Diệu – Bí thư Chi bộ thôn Đại Đồng cho biết thêm, dù rất nhiều hộ gia đình có lặp đặt wifi riêng nhưng các hộ gia đình cao tuổi, còn khó khăn thì việc tự trang bị wifi hay mua gói dữ liệu di động chưa thể được vì tốn kém.

Vì vậy, việc lắp wifi miễn phí ở nhà văn hóa có ý nghĩa quan trọng giúp mọi người dễ dàng tiếp cận các thông tin trên không gian mạng. Ngoài ra, phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, hội họp của các hội, đoàn thể…

“Việc quản lý nhóm của các đoàn thể đều qua mạng xã hội hết. Ví dụ như trong cuộc họp cần tìm kiếm thông tin gì thì truy cập ngay hay sau khi họp xong thì gửi nội dung lên các nhóm của ban nhân dân, các hội, đoàn thể là người dân tiếp cận thông tin ngay” - ông Diệu nói.

thon-thong-minh-1.jpg
Một góc thôn Đại Đồng. Ảnh: Đ.T

Mô hình xây dựng mô hình thôn thông minh tại thôn Đại Đồng được thực hiện từ tháng 10/2023 với kinh phí gần 131 triệu đồng, tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ, thông minh để phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân.

Hiện nay trên địa bàn thôn đã được trang bị 1 camera tại tuyến đường ĐT615, tại nhà văn hóa thôn, một số tuyến đường trọng điểm và được kết nối với hệ thống camera của công an xã. Việc này đảm bảo theo dõi, nắm bắt về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Ngoài ta, tại nhà văn hóa thôn cũng đã đặt máy vi tính, máy in, tivi loa di động để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ trên địa bàn thôn.

Toàn thôn có 7/7 tuyến đường được lắp đặt hệ thống chiếu sáng. Ảnh: Đ.T
Toàn thôn có 7/7 tuyến đường được lắp đặt hệ thống chiếu sáng. Ảnh: Đ.T

Đáng chú ý là mô hình thôn thông minh đã được sự hưởng ứng rất lớn của người dân khi họ nhìn nhận sự hữu ích của mô hình này. Khi triển khai hệ thống chiếu sáng tự động bằng năng lượng mặt trời thì dự án này đã hoàn thành trong vòng 3 tháng. Người dân Đại Đồng không chỉ hỗ trợ công lao động mà đối ứng chi phí cùng Nhà nước gần 30 triệu đồng để thực hiện.

“Có đường điện thì các cháu đi học buổi tối không còn lo nguy hiểm, trộm cắp cũng giảm đi khi đèn đường được kết hợp với camera an ninh. Vì vậy chúng tôi tự nguyện đóng góp mỗi nhà từ 500 đến 700 ngàn đồng để làm hệ thống chiếu sáng và nhiều bà con xa quê cũng gửi tiền ủng hộ” - ông Nguyễn Quốc Thành nói.

Nhờ sự đồng lòng này, thôn Đại Đồng đã lắp đặt hệ thống đèn điện chiếu sáng với 6 đèn năng lượng mặt trời tại nhà văn hóa thôn và khu thể thao để phục vụ nhân dân. Đồng thời, các tuyến đường của 7 tổ đoàn kết đều có điện chiếu sáng với 100 trụ được lắp đặt.

[VIDEO] - Ông Nguyễn Đức Lợi nói về lợi ích của hệ thống chiếu sáng thông minh:

Năm 2024, thôn Đại Đồng sẽ tiếp tục lắp đặt đầy đủ các thông báo chỉ dẫn, gắn biển địa chỉ số đến từng hộ gia đình, khu di tích trên địa bàn thôn.

Cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của tổ công nghệ cộng đồng và lên kế hoạch xây dựng mô hình điểm về kinh tế áp dụng công nghệ cao, công nghệ xanh…

“Hạn chế là các thành viên trong tổ công nghệ đều lớn tuổi nên khả năng hiểu biết, thực hành công nghệ thông tin còn yếu. Vì vậy chúng tôi rất mong muốn được tập huấn để năm bắt kỹ năng và trang bị kiến thức nhiều hơn...”

Bí thư Chi bộ thôn Đại Đồng Nguyễn Thanh Diệu

thon-thong-minh-2.jpg
Nhà Văn hóa thôn khang trang, được trang bị nhiều tiện nghi như smart tivi, hệ thống âm thanh, máy chiếu... Ảnh: Đ.T

Bà Phạm Thị Kính - Chủ tịch UBND xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh cho biết theo kế hoạch vào cuối năm 2024 sẽ hoàn thành xong việc xây dựng thôn thông minh ở thôn Đại Đồng. Từ đó rút kinh nghiệm để có kế hoạch thực hiện tại các thôn Tam An và Tây Lộc trong năm 2025.

“Việc xây dựng nông thôn mới kết hợp với xây dựng thôn thông minh sẽ tác động lẫn nhau. Hướng tới việc người dân sẽ ứng dụng công nghệ để tiếp thu thông tin, còn đối với chính quyền thì dùng công nghệ số để đưa thông tin đến với người dân. Xây dựng thôn thông minh đã góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới nhanh hơn, hiệu quả và thiết thực” - bà Kính nói.

H.ĐẠO - T.THẢO