Nông nghiệp


Quảng Nam thúc đẩy hình thành các chủ thể mới trong sản xuất nông nghiệp

LÊ MUỘN 18/03/2024 12:17

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, từ lập đến thực hiện luôn có khoảng cách và những khó khăn. Trong đó, khó nhất là thực hiện quy hoạch ngành nông - lâm - thủy sản, bởi nó không chỉ đòi hỏi nguồn tài chính đầu tư như xây dựng kết cấu hạ tầng, mà còn cần năng lực tổ chức thực hiện của nhiều chủ thể liên quan đến chuỗi giá trị nông sản, khó nhất là hạn chế của những nông hộ sản xuất nhỏ lẻ.

hdnd-2.jpeg
Ảnh minh họa

Quy hoạch đã tập hợp, hệ thống hóa các định hướng, giải pháp chung và của từng tiểu ngành sản xuất nông - lâm - thủy sản khá đầy đủ. Tuy có những chỉ tiêu, định lượng quá cao, nhưng thời điểm này không phải là lúc thảo luận về những chỉ tiêu.

Mặt khác, cũng phù hợp logic phát triển bền vững, khi Quảng Nam trở thành một tỉnh phát triển khá của vùng, thì không thể tồn tại những vùng nông thôn nghèo khó. Vấn đề là phân bổ các nguồn lực hợp lý để thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Các giải pháp quy hoạch nêu ra đều cần thực hiện nhưng bắt đầu từ đâu để tháo gỡ điểm nghẽn, tạo bước đột phá trong thực hiện các nội dung quy hoạch ngành nông - lâm - thủy sản? Theo tôi, đó là thúc đẩy hình thành các chủ thể mới ở nông thôn.

Tích tụ, tập trung ruộng đất (TTTTRĐ) được Quảng Nam khởi động từ nhiều năm trước nhưng chững lại do thiếu các quy định của pháp luật.

Hiện nay, Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung năm 2024 đã quy định cụ thể hơn nội dung này. Tuy nhiên, khi triển khai TTTTRĐ, chắc chắn sẽ khó khăn hơn công tác dồn điền đổi thửa trước đây. Vì thế, tỉnh cần sớm khởi động lập đề án trình cấp thẩm quyền ban hành quy định về cơ chế hỗ trợ thực hiện TTTTRĐ để kịp tổ chức thực hiện khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành.

Kỳ vọng qua TTTTRĐ sẽ hình thành được bộ phận nông hộ có quy mô ruộng đất mỗi lao động đạt mức trên 5ha cây hàng năm, trên 10ha cây lâu năm hoặc cây lâm nghiệp.

Cạnh đó là một số doanh nghiệp có quy mô diện tích lớn hơn để làm nòng cốt trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và ứng dụng số hóa nông nghiệp; đồng thời là đầu mối hợp đồng liên kết chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất với các chủ thể sản xuất khác trong khu vực để mua lại nông sản đạt chuẩn, tạo sản phẩm nông sản đưa ra thị trường.

TTTTRĐ cần thời gian tập trung chỉ đạo ban đầu nhưng sau này sẽ đi vào nề nếp theo quy định và không kết thúc như dồn điền đổi thửa, mà sẽ diễn ra thường xuyên như mọi giao dịch khác về đất đai.

Bộ phận nông hộ có quy mô diện tích sản xuất nhỏ sẽ giảm dần nhưng vẫn chiếm tỷ lệ lớn, hợp tác là yêu cầu bắt buộc để giúp họ có đại diện tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; HTX là tổ chức ưu tiên. Là những nước được đánh giá cao về HTX nhưng Nhật Bản có các hiệp hội, Đài Loan có các nông hội hoạt động rất hiệu quả.

Vì thế, không nên máy móc, duy ý chí thúc đẩy hình thành những HTX hình thức, hoạt động kém hiệu quả. Cần tính đến các hình thức hỗ trợ, hợp tác thấp hơn như các hội, nhóm theo nghề nghiệp sản xuất, tiến dần lên tổ hợp tác rồi HTX để hợp tác thực sự hiệu quả.

Qua đó, hình thành những nông dân chuyên nghiệp là chủ trang trại, chủ thể OCOP, thành viên trong các tổ chức hợp tác, các HTX và doanh nghiệp, mới có thể tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

LÊ MUỘN