Kết nối cụm động lực tăng trưởng phía bắc Quảng Nam
Theo quy hoạch tỉnh Quảng Nam đến năm 2050, các địa phương Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc sẽ trở thành cụm động lực tăng trưởng phía bắc của tỉnh, đồng thời kết nối với không gian kinh tế TP.Đà Nẵng. Trong đó, hệ thống hạ tầng giao thông được xác định đóng vai trò quyết định cho sự thành công này.
Tháo gỡ nút thắt giao thông
Cuối tháng 7/2020, dự án nạo vét sông Cổ Cò đoạn qua tỉnh Quảng Nam chính thức triển khai sau nhiều năm tạm dừng. Dự kiến, công trình hoàn thành, không chỉ giúp thoát lũ khẩn cấp, chống xâm nhập mặn mà còn tạo thêm các sản phẩm du lịch đường thủy hấp dẫn kết nối Hội An - Điện Bàn - Đà Nẵng, hình thành hệ thống đô thị nghỉ dưỡng ven sông, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thi công đến nay dự án vẫn chưa về đích.
Có thể khẳng định, hạ tầng giao thông luôn đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Dù vậy, đây cũng là nơi xuất hiện nhiều điểm nghẽn liên quan đến các yếu tố như nguồn lực đầu tư, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng… cần được nhanh chóng tháo gỡ.
Tại TP.Hội An, từ khi mở rộng thông tuyến đường Nguyễn Tất Thành với ĐT607 và Hùng Vương với ĐT608 qua thị xã Điện Bàn đã tạo điều kiện thuận lợi để các chuyến xe đưa du khách ra vào Hội An nhanh chóng, giảm áp lực kẹt xe, quá tải tại trung tâm thành phố do dồn ứ khách.
Trong quy hoạch Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2050, cụm Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc được xác định là cực tăng trưởng phía bắc của tỉnh và kết nối với không gian kinh tế TP.Đà Nẵng.
Từ đó, hình thành nên chuỗi đô thị ven sông, ven biển thông qua các tuyến đường bộ và hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn, Cổ Cò, đẩy mạnh phát triển hành lang du lịch dựa trên tuyến giao thông đường thủy.
Theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, với vai trò là cửa ngõ phía bắc của tỉnh liên kết phát triển cùng TP.Hội An và TP.Đà Nẵng, Điện Bàn xác định hạ tầng giao thông sẽ đóng vai trò quyết định. Điều này càng cấp thiết hơn khi địa phương đang hướng tới mục tiêu trở thành đô thị loại III vào năm 2030.
Do đó, ngoài việc đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các dự án phát triển đô thị nhà ở thương mại vùng Đông và dọc quốc lộ (QL) 1, nguồn lực đầu tư công cũng sẽ tập trung hoàn chỉnh một số công trình trọng điểm như đường vành đai phía bắc, cầu Văn Ly và đường dẫn kết nối ngã tư Cẩm Lý; đường dẫn kết nối ĐT609B, cầu Phong Thử, nạo vét và tôn tạo cảnh quan sông Cổ Cò, quảng trường trung tâm khu vực Gò Nổi, quảng trường lớn đô thị Phương An, hệ thống xử lý nước thải đô thị mới…
Thực tế, thời gian qua việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường như QL1 qua địa bàn thị xã hay nâng cấp ĐT608 kết nối TP.Hội An, ĐT607 kết nối TP.Đà Nẵng, ĐT609 kết nối huyện Đại Lộc… đã tạo xung lực mới thúc đẩy lưu thông, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thị xã mạnh mẽ.
Kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây
Nhìn trên bản đồ, mối liên kết giữa 3 địa phương Hội An - Điện Bàn - Đại Lộc và TP.Đà Nẵng theo hình tứ giác dựa trên mạng lưới giao thông chặt chẽ. Nếu như các tuyến đường ven biển và ĐT607 đóng vai trò kết nối du lịch giữa Đà Nẵng và Hội An thì QL14B được ví như trục ngang vận chuyển sản phẩm công nghiệp Đại Lộc xuống các cảng biển Đà Nẵng.
Theo ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, là địa phương nằm trong cụm động lực của tỉnh, là cực tăng trưởng phía bắc Quảng Nam, kết nối không gian kinh tế của TP.Đà Nẵng, các tỉnh Tây nguyên và các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, việc hoàn thiện hạ tầng khung, hạ tầng giao thông để thúc đẩy mục tiêu kết nối liên vùng luôn được địa phương đặt lên ưu tiên hàng đầu.
Những năm qua, từ nhiều nguồn lực hỗ trợ của tỉnh và trung ương, hệ thống hạ tầng giao thông nội huyện và liên vùng Đại Lộc không ngừng được đầu tư hoàn thiện.
Một số tuyến đường như ĐH3.ĐL nối ĐT609B đến QL14B (nay là tuyến đường ĐT609C) qua địa bàn các xã Đại An, Đại Cường, Đại Minh, Đại Phong đã được đầu tư nâng cấp. Cạnh đó, dự án cầu Tân Đợi và đường dẫn hoàn thành đưa vào sử dụng đã giúp khơi thông và kết nối tuyến ĐH12.ĐL với QL14B, tạo động lực phát triển kinh tế vùng phía tây của huyện.
Đặc biệt, nổi bật nhất là các công trình giao thông trọng điểm như cầu Giao Thủy và tuyến đường dẫn từ cầu Giao Thủy đến QL14B; đường nối từ QL14B đến ĐT609C (trong đó có cầu An Bình); đường nối từ ĐT609C đến QL14H… góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, kết nối Đại Lộc với các địa phương lân cận, tạo động lực bứt phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
“Đại Lộc luôn xác định để phát triển vùng, liên vùng và khu vực thì hạ tầng giao thông phải đi trước một bước. Thời gian đến, UBND huyện sẽ dành mọi nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, tiếp tục đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng giao thông theo quy hoạch được duyệt.
Đồng thời tập trung tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, tạo mọi điều kiện để hoàn thành các công trình, dự án theo kế hoạch đề ra” - ông Quang nói.
Nếu như Hội An đóng vai trò là đô thị sinh thái, văn hóa, du lịch, giao lưu quốc tế, Điện Bàn với đô thị phát triển công nghiệp, khoa học, đổi mới sáng tạo thì Đại Lộc được xem là cửa ngõ phát triển nông nghiệp, dịch vụ và công nghiệp kết nối liên vùng mang tính chiến lược.
Trong đó, hệ thống giao thông trở thành yếu tố mang tính quyết định trong quá trình kết nối nội vùng và liên vùng theo trục hành lang kinh tế Đông - Tây thông qua tuyến QL14B kết nối từ cửa khẩu quốc tế Nam Giang đến các cảng biển Đà Nẵng, góp phần làm sâu sắc hơn vai trò động lực của cụm tăng trưởng phía Bắc Quảng Nam như mục tiêu quy hoạch của tỉnh đã đề ra.