Giảm nghèo - An sinh

Phước Sơn đưa vốn chính sách đến với người hoàn lương

TRỌNG Ý - BÁ DUY 19/03/2024 16:08

(QNO) - Tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn ưu đãi làm ăn, ổn định cuộc sống là chủ trương, chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Tại huyện miền núi Phước Sơn, chính sách này đang được tích cực triển khai.

z5262744304934_94405b3fa1cb90d01a0323c1dbd0a887(1).jpg
Hướng dẫn gia đình chị Huỳnh Thị Tam Lê (thị trấn Khâm Đức) hiểu rõ chính sách cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù. Ảnh: Ý DUY

Trước đây, do cuộc sống khó khăn và chưa nhận thức đúng đắn chính sách pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng nên chồng chị Huỳnh Thị Tam Lê (thị trấn Khâm Đức) có hành vi xâm phạm đến rừng, và phải trả giá bằng 2 năm tù.

Nay được trở về địa phương, đối diện với cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, chồng chị Lê quyết tâm sửa chữa lỗi lầm, cùng vợ con xây dựng cuộc sống mới bằng công việc làm ăn chân chính.

Nắm thông tin từ Công an và Hội LHPN thị trấn Khâm Đức, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phước Sơn đã hỗ trợ gia đình chị Lê vay 100 triệu đồng thời hạn 5 năm, lãi suất chỉ 6,6%/năm, thấp bằng với lãi suất cho vay hộ nghèo.

“Được vay vốn lãi suất thấp, vợ chồng tôi rất mừng và bắt tay làm mô hình vườn đồi trên mảnh đất có sẵn của gia đình. Hiện nay, ngoài trồng cây lâm nghiệp và chăn nuôi bò, vợ chồng tôi còn làm thêm những công việc khác để có thêm thu nhập. Lấy ngắn nuôi dài, sau vài năm nữa chắc sẽ có thu nhập ổn định” - chị Huỳnh Thị Tam Lê chia sẻ.

z5262744424050_53efcd1508231960937c20748ad6b80e(1).jpg
Chị Huỳnh Thị Tam Lê nhận vốn vay tại điểm giao dịch thị trấn Khâm Đức. Ảnh: Ý DUY

Theo ông Lê Đình Trúc - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phước Sơn, để thực hiện Quyết định số 22/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù một cách hiệu quả, đưa chính sách nhân văn này đi vào cuộc sống, thời gian qua đơn vị phối hợp cơ quan liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác rà soát đối tượng, nhu cầu việc làm để có căn cứ cho vay vốn.

Cùng với đó, cán bộ tín dụng sẽ định hướng và theo dõi, hỗ trợ đối tượng được vay chấp hành đúng cam kết, sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và phát triển kinh tế ở địa phương.

“Thời gian tới, chúng tôi tạo điều kiện cho người hoàn lương được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để học nghề, tạo lập cuộc sống mới tốt hơn.

Đồng thời phối hợp các cơ quan liên quan, xã/thị trấn vận động doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù nhằm giúp họ có việc làm, thu nhập và đóng góp cho xã hội. Đó cũng là cách xóa đi sự kỳ thị để đón nhận và hỗ trợ người có quá khứ lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng” - ông Lê Đình Trúc chia sẻ.

TRỌNG Ý - BÁ DUY