Quảng Nam đưa chính sách bảo hiểm y tế vào đời sống
Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38 ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”, chính sách bảo hiểm y tế của Quảng Nam đã nâng diện bao phủ và nâng chất lượng mọi mặt.
Hướng đến bảo hiểm y tế toàn dân
Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) ban hành ngày 7/9/2009, đến nay đã được 15 năm triển khai trong thực tiễn. Kết quả nhìn thấy rõ ràng nhất chính là tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân được nâng lên.
Năm 2009, số lượng tham gia BHYT của Quảng Nam là 779.358 người (đạt tỷ lệ bao phủ 56,15%), đến 31/12/2023 đã tăng lên thành 1.477.179 người (đạt tỷ lệ bao phủ 96,80% dân số toàn tỉnh).
Theo ông Nguyễn Thanh Danh - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, kết quả trên là sự nỗ lực không ngừng nghỉ với nhiều chỉ đạo, giải pháp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ngành, địa phương, đoàn thể đã cùng chung tay thực hiện.
Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38, công tác tuyên truyền về chính sách BHYT đã được tổ chức rộng khắp với nhiều hình thức, phù hợp từng nhóm đối tượng cụ thể. Luật BHYT đã từng bước đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn và nhân văn của chính sách BHYT.
BHXH tỉnh cho rằng, cần nâng mức hỗ trợ tham gia BHYT cho nhóm đối tượng hộ gia đình làm nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình và học sinh, sinh viên. Vì hiện nay mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho các nhóm này tham gia BHYT là 30%, thấp hơn so nhóm tham gia BHYT hộ gia đình có nhiều nhân khẩu (người thứ nhất đóng 100%; từ người thứ hai đến người thứ tư lần lượt đóng bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất).
Nhiều quy định về chính sách BHYT đã thay đổi cơ bản so với trước, quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng và nâng lên. Một số nhóm đối tượng từ loại hình tự nguyện chuyển sang bắt buộc tham gia BHYT theo lộ trình BHYT toàn dân và tùy theo từng đối tượng mà ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng BHYT.
“Hầu hết người thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi về BHYT được đơn vị rà soát để cấp thẻ BHYT. Mạng lưới đại lý thu được mở rộng tới các xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện cho người dân tham gia BHYT. Nhờ đó, số thu và số người tham gia BHYT của tỉnh tăng lên hàng năm” - ông Danh nói.
Không ngừng nâng lượng và chất
Dù có nhiều thuận lợi và kết quả khả quan, nhưng ông Danh cho rằng, việc phát triển đối tượng tham gia BHYT vẫn chưa ổn định, nhất là đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình, học sinh, sinh viên.
Theo quy định của Luật BHYT, từ năm 2010 học sinh, sinh viên là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Tuy nhiên, đến nay đối tượng này tham gia BHYT chưa đạt được yêu cầu đề ra (100%). Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 291.875 học sinh, sinh viên có thẻ BHYT (tỷ lệ 98,48%).
Việc sử dụng và cân đối quỹ khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Chi phí khám chữa bệnh BHYT toàn tỉnh tăng cao hàng năm, quỹ khám chữa bệnh BHYT một số năm bị mất cân đối so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao.
Bên cạnh đó, với xu hướng đẩy mạnh công tác ý tế, chăm sóc sức khỏe, do đó cơ chế khám chữa bệnh, y tế dự phòng hoặc cơ chế giám định BHYT có thể thay đổi để đáp ứng với yêu cầu thực tế.
Công tác quản lý về BHYT cần được quan tâm, có những giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình mới. Nhất là triển khai đầy đủ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Chỉ thị số 38.
Ông Danh cho biết, là cơ quan tham mưu thực hiện chính sách BHYT của tỉnh, ngành BHXH Quảng Nam tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện pháp luật về BHYT cho người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Phát huy vai trò của Tổ công tác giải quyết vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT do UBND tỉnh thành lập, nhằm kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Ngành Bảo hiểm xã hội không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống dữ liệu đáp ứng yêu cầu giám định BHYT; tiếp tục triển khai cài đặt VssID- BHXH số; triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ và của tỉnh về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh, xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia theo lộ trình và hướng dẫn của UBND tỉnh và Bảo hiểm xã hội Việt Nam...