Đọc... những trang sử đời bi tráng
Tâm đắc lẫn miệt mài theo đề tài chiến tranh gắn với số phận con người ở vùng đất Quảng, “Cuộc tình vùng đất lửa” - tác phẩm vừa xuất bản của nhà văn Hồ Duy Lệ, tiếp tục mang đến cho bạn đọc những câu chuyện xúc động...
Ký sự về nhân chứng lịch sử
Chắt chiu qua nhiều năm tháng, nhà văn Hồ Duy Lệ đã gửi đến bạn đọc các bộ tác phẩm ấn tượng như “Cát xanh” (1994), “Trong lớp bụi thời gian” (2000), “Những người sót lại” (2002), “Chuyện kể ngày nào”, “Hoa xương rồng trên cát” (2004), “Mạ tôi” (2006), Mười Chấp và một thời” (2008), “Lửa Núi Thành” (2011), “Không gì trôi đi mất” (2012), “Dặm trường gian truân” (2015), “Đường về Đà Nẵng” (2018), “Trụ lại” (2019), “Nơi có cát bay, sóng vỗ”(2020).
Và mùa xuân này, ở tuổi 83, ông tiếp tục cho ra mắt tập bút ký “Cuộc tình vùng đất lửa” (NXB Đà Nẵng, tháng 3/2024).
“Vùng đất lửa”, vẫn là vùng đất Quảng thân yêu, nơi mà nhà văn Hồ Duy Lệ từng chứng dự về một thời đoạn với những trang bi tráng của chiến tranh, cách mạng, dầu dãi gian khổ, hy sinh.
Trong 420 trang sách, ông dồn nén 31 tác phẩm ký sự về nhân chứng lịch sử trải rộng trên không gian lớn từ rừng xuống biển, từ nông thôn đến đô thị, gắn bó một quãng đời hoạt động của hàng trăm nhà lãnh đạo, cán bộ cách mạng ở khu 5, Tỉnh ủy, các huyện ủy, thậm chí xuống đến các cơ sở, trạm đường dây...
Bạn đọc sẽ gặp lại đây hình ảnh những cán bộ lãnh đạo chủ chốt trung kiên, nổi tiếng một thời. Đó là Cố Chủ tịch nước Võ Chí Công, cùng các đồng chí Hồ Nghinh, Vũ Trọng Hoàng, Cao Sơn Pháo, Phạm Tứ (Mười Khôi), Trần Thận, Chu Huy Mân, Phạm Đức Nam, Võ Văn Đặng, Nguyễn Huy Chương, Nguyễn Chơn, Nguyễn Kim Khánh, Võ Ngọc Hải, Ngô Nghiên, Ngô Xuân Hạ, Huỳnh Hòa, Đỗ Thế Chấp (Mười Chấp), Nguyễn Hồng Thắng, Trần Anh Vũ, Năm Dừa, Đỗ Thế Vĩnh…
Và kể cả những người đưa thư, đưa đò, những mẹ chị trong đoàn quân đấu tranh chính trị, binh vận, y tá, dân công, cơ sở nội thành, anh em văn nghệ sĩ, báo chí… Tất cả họ làm thành trang sử của đất này đầy đau thương mà anh dũng.
Và những chuyện tình
Về những “cuộc tình”, cuốn sách truyền tải nhiều câu chuyện với nghĩa rộng của chữ tình.
Dù chiến tranh hay hòa bình luôn nhớ phải giữ gìn ngọn lửa - lòng tin trong lòng nhân dân.
trích Giữ lửa lòng tin!
Là tình đồng chí, đồng đội, đồng cảnh ngộ trên chiến trường hay lao tù…
Là yêu quê, yêu đất, yêu người, yêu lý tưởng…
Những cái tình ấy đã tạo ra bước ngoặt cho những trang đời dấn thân vào cuộc kháng chiến đầy gian khổ hy sinh.
Đặc biệt, tình yêu lứa đôi của thời thanh xuân bừng lên trong ánh hỏa châu lửa đạn ngút ngàn. Trong đó, có cả cuộc sang ngang qua khúc quanh số phận chia ly, buồn khổ, mất mát.
Bằng trái tim mẫn cảm, trải nghiệm sâu sắc với chiến tranh và nỗi đau con người, nhà văn Hồ Duy Lệ đã dùng ngôn ngữ ký họa nhiều chân dung để mang những cuộc tình đầy ám ảnh ấy đến với bạn đọc.
Là những anh hùng như Mười Chấp, Năm Dừa… vì đưa đẩy éo le từ hoàn cảnh lịch sử đất nước chia cắt, đã có lúc phải rơi nước mắt, xót xa trước những người vợ rất mực yêu thương mình.
Là những người tình của văn nghệ sĩ Chu Cẩm Phong, Thu Bồn, Tế Hanh còn vương “cơn bão lòng thổi mãi”. Là cuộc đi bước nữa dằng dặc niềm thương thân phận đàn bà ở những vùng đạn bom ác liệt, khổ đau vô bờ khi chờ đợi, rồi người thương mình mất mát, để mỗi đêm xuân họ lại bật khóc…
Dưới sự dẫn dắt của giọng điệu ký sự, nhà văn Hồ Duy Lệ đã mô tả lịch sử thời chiến của vùng đất và đời người bằng tâm thế cố gắng ghi lại cụ thể câu chuyện về các nhân chứng. Quy tắc ông luôn tuân thủ và theo đuổi trong mỗi bút ký của mình, rằng “lịch sử là lịch sử, nó diễn ra như bản chất của nó và không ai có thể lừa dối về nó”.
...gian khổ là gian khổ, nhưng thước đo nó lại là chính mỗi người.
trích Bên dòng sông Tranh
Do đó, từ ánh chiếu “người thật – việc thật” mang bao ký ức vùi trong tro tàn bỗng bừng dậy lay động sâu sắc tâm can người đọc.
Những cuộc đời bằng xương bằng thịt, những cuộc tình và phận đời đủ cung bậc ngọt ngào và đắng cay, thì văn học lúc này làm thêm việc tưởng dễ mà không dễ là khắc họa bề sâu tâm tưởng. Như văn hào Ernest Hemingway đã nói “trên đời này không có gì khó khăn hơn là viết những trang văn xuôi lương thiện, giản dị về con người”.
Trang văn lương thiện, có trang đẫm nước mắt trong “Cuộc tình vùng đất lửa” làm cho người nào từng trải qua chiến tranh sẽ xiết bao bồi hồi với dòng ký ức.
Trang văn lương thiện cũng khơi gợi sự háo hức cho bạn đọc trẻ tuổi hôm nay tìm hiểu về quê hương, về tình yêu đôi lứa một thời. Ở đó, phẩm chất người là thước đo cho mọi giá trị.
Và lửa trong tro vẫn âm ỉ réo rắt tiếng gọi cháy lòng: Hãy yêu thương con người!