Chẳng qua là nhớ ba...
Phía trước ngôi chùa Giác Nguyên ở quê tôi có cây cầu ván gỗ ghép lắc lư bắc ngang bàu nước Hà Kiều. Khi thị trấn khấm khá hơn, cây cầu được xây lại bằng xi măng chắc chắn.
Mỗi chiều hè đi qua cầu, gió thổi mát rượi thoảng đưa hương sen thơm dịu từ bàu nước tỏa khắp không gian. Đi hết cây cầu, phía bên trái có bụi tre to xanh cả khoảng trời quê. Ngay dưới bóng tre là tiệm chè đậu của bà Hồng, địa điểm tụ tập ưa thích của bọn trẻ con quê nghèo ngày đó.
Chè đậu quán bà Hồng ngon nhất nhì thị trấn. Người ta nói bà cho thêm ống vani vào nồi chè, người khác lại khẳng định nhờ dầu chuối mà món chè mới thơm ngon đến thế.
Đám nhóc tụi tôi nào quan tâm chuyện đó, cứ cắn một góc đáy bịch chè rồi ăn ngấu nghiến. Chè thập cẩm thường có đầy đủ các loại đậu chín mềm bùi bùi như đậu ván, đậu đỏ, đậu xanh, đậu ngự và bắp nếp,… thêm nước cốt dừa béo ngậy thơm phức.
Khoái nhất trong món chè là những sợi đủ màu hình răng cưa dẻo ngọt nhai sừn sựt mà chúng tôi hay gọi đùa là “con sâu”. Sau này tụi tôi mới biết những “con sâu” này được làm từ bột củ bình tinh trồng đầy trong vườn quê.
Ngoài chè đậu, bà Hồng còn bán xu xoa, vài loại nước ngọt đóng chai, dăm gói thuốc lá. Trong tiệm lúc nào cũng có ấm chè xanh thơm nức để các ông bà già tạt vào quán uống chén nước nghỉ mát ráo mồ hôi trước khi đi qua bên kia đường vào chùa thắp nhang.
Không chỉ người trong thị trấn biết đến tiệm bà Hồng mà dân ở các xã khác đi lạy Phật cũng thành khách quen. Hồi đó, ba tôi thường ghé quán bà Hồng hỏi han đôi câu, bởi dưới mái tranh đơn sơ đó là bao chuyện cũ chuyện mới, chuyện người chuyện ta, chuyện xa chuyện gần.
Thuở ấy nhà còn nghèo, chỉ một bịch chè đậu thôi, đôi khi tôi phải xin mỏi miệng mới có. Nhưng hầu hết các lần, ngay cả khi tôi không nhõng nhèo đòi chè, ba cũng nhớ mà mua cho.
Mỗi bận ba đèo tôi trên chiếc xe đạp ra quán chè gần chùa, bà Hồng lại xoa đầu dặn tôi ráng học giỏi. Tôi mải mê ngắm hoa sen nở hồng rực bàu nước, chẳng hề biết ba phải vuốt phẳng những tờ tiền nhàu nhĩ để trả cho ly chè đậu. Trên đường về nhà, chiếc cầu cũ thủng lỗ chỗ như trì nặng từng vòng xe ba chở đứa con gái mỗi ngày một lớn.
Bẵng đi một thời gian dài rong ruổi những cung đường mới ở phố thị xa xôi, tôi không nhớ gì đến tiệm chè bà Hồng nữa. Ngày cây cầu xưa được xây mới to rộng, bề mặt tráng bằng phẳng, trang trí đèn chiếu lung linh, là lúc ba tôi đã theo mây gió về trời.
Ngôi chùa cũng được các phật tử góp tiền xây dựng lại, khách đến vãn cảnh cũng đông đúc hơn. Bao mùa hoa sen nở hồng bàu nước rồi tàn úa, mấy ai để ý sự vắng mặt của một, hai người.
Ngày nọ, trong cuộc điện thoại về nhà, má nói buổi chiều sẽ đi đưa tiễn bà Hồng bán chè. Là má đang thay ba nói lời tạm biệt một người quen năm cũ. Bỗng nhiên lòng tôi chợt chùng xuống. Không hẳn tôi buồn vì chuyện biến thiên tất yếu của cuộc đời. Chẳng qua là đứa con út này nhớ ba quá mà thôi. Những gì từng thân thuộc với ba ngày trước đã không ở đấy nữa...