Thành phố của những danh hiệu
Hội An, liệu có đang mang vác trên mình quá nhiều “danh hiệu”?
Xếp thứ 2 trong danh sách 25 điểm đến tuyệt nhất thế giới cho kỳ nghỉ trăng mật do Tripadvisor công bố vào tháng 1/2024 là “danh xưng” mới nhất của Hội An. Trước đó, rất nhiều danh hiệu khác cũng dành cho đô thị này, trong đó có việc gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2023.
Đòi hỏi phải sáng tạo
Sẽ dễ lạc trong một “ma trận” thông tin khi tìm kiếm bộ sưu tập danh xưng của Hội An. Quá nhiều những thành tích tầm quốc gia đến quốc tế.
Có thể điểm qua những danh hiệu gần nhất như đạt Giải thưởng Travelers’ Choice Best of the Best Destinations của Tripadvisor; top 9 thành phố “tuyệt vời nhất thế giới”; top 15 thành phố được yêu thích nhất châu Á năm 2023; top di sản UNESCO ấn tượng nhất Đông Nam Á; top 10 điểm đến yên bình nhất châu Á; top 25 điểm đến có xu hướng hấp dẫn nhất thế giới năm 2023...
Trong đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 mới được xây dựng gần đây, Hội An được khẳng định là “Thành phố văn hóa” tiêu biểu của cả nước và là “điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu thế giới” được vinh danh 4 năm: 2019, 2021, 2022, 2023 của Ban tổ chức giải thưởng du lịch thế giới - World Travel Awards (WTA).
Nhưng đáng chú ý nhất, vẫn là việc Hội An được điền tên vào mạng lưới “Thành phố sáng tạo” của UNESCO (UCCN) trong lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian. Ông Nguyễn Sự - Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An chia sẻ nhiều suy tư với “danh xưng” mới mẻ của thành phố. Ông Sự khẳng định: “Thành phố sáng tạo” không phải là danh hiệu!
Nhắc lại 7 lĩnh vực sáng tạo mà UCCN tập trung gồm Thiết kế, Văn học, Âm nhạc, Thủ công và Nghệ thuật dân gian, Ẩm thực, Điện ảnh và Nghệ thuật truyền thông, ông Sự cho hay, mục tiêu của việc gia nhập này là thúc đẩy cho cộng đồng xã hội lúc nào cũng phải sáng tạo.
“Chúng ta không thể dựa vào quá khứ, không thể chỉ “ăn” quá khứ. Là thành phố sáng tạo, không có nghĩa chỉ có Hội An, Đà Lạt hay Hà Nội là sáng tạo, mà cuộc sống bắt buộc phải sáng tạo liên tục, không sáng tạo là chết.
Phải khẳng định đó không phải là danh hiệu. Hội An gia nhập mạng lưới này, cũng giống như trước đây Hội An từng gia nhập thành phố học tập của UNESCO.
Nên nhìn nhận rằng đây là trách nhiệm, là thời cơ, cũng là thách thức. Hội An sẽ có điều kiện giao lưu để phát triển thành phố tốt hơn, học tập được kinh nghiệm sáng tạo từ các thành phố trong mạng lưới để bền vững hơn, phục vụ cuộc sống hiện nay, phục vụ cho con người”, ông Sự nói.
Phải giữ giá trị cốt lõi
Lấy ví dụ về nghề làm lồng đèn ở phố Hội, ông Sự cho rằng không phải đến bây giờ Hội An mới sáng tạo. Sự sáng tạo đã có từ lâu, tạo nên nhiều giá trị trong cộng đồng.
Nghề làm lồng đèn có nhiều nơi, không chỉ Hội An. Nhưng từ khi có đêm phố cổ, lồng đèn Hội An không chỉ xuất hiện ở Tết Trung thu, ở khu vực phố cổ. Nó đã vượt qua biên giới, mang lại việc làm cho hàng ngàn lao động.
Không phải lồng đèn Hội An đẹp hơn các vùng khác. Nhưng chính cái tên Hội An gắn trong chiếc lồng đèn hay nó xuất xứ từ Hội An, là điều du khách muốn sở hữu. Từ lồng đèn giấy, người Hội An chế tạo ra lồng đèn xếp. Họ sáng tạo ra mẫu mã, cách thức, sự tiện dụng và nó gắn liền với phố cổ.
Hay như nghề may ở phố cổ. Nghề may có ở bất kỳ đâu, bất kỳ quốc gia nào, vùng lãnh thổ nào, vì nó gắn với nhu cầu thiết thân của con người. Nhưng Hội An nghĩ ra việc “may nhanh”, chỉ trong vòng vài tiếng tham quan, du khách có thể trở lại tiệm may để nhận bộ đồ của mình.
Sự sáng tạo đó được tiếp nối ở rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực như nghề tre dừa, đêm phố cổ, bài chòi... Ông Sự nói, Hội An đã thực sự sáng tạo, có cách làm riêng để thu hút du khách. Sự bền vững được tạo nên, nhờ sáng tạo gắn chặt với yếu tố văn hóa.
Giữ lấy hồn cốt của thành phố, giữ lấy những giá trị văn hóa là hành trình dài đòi hỏi nhiều nỗ lực. Ông Nguyễn Sự chia sẻ, UNESCO luôn khuyến khích các thành phố sáng tạo dựa trên những tiêu chí của mình. Gia nhập mạng lưới, mở ra cơ hội kết nối và học tập, nhưng một lần nữa phải nhấn mạnh, rằng đó không phải là danh hiệu.
“Nhân dân Hội An đã nỗ lực suốt nhiều năm. Nhưng mỗi lần có một “danh hiệu”, áp lực rất lớn. Có rồi, thì phải xứng danh. Bản thân khi đã có danh, người ta hay nhìn vào. Một cái rục rịch, động đậy đều diễn ra trước hàng triệu đôi mắt” - ông Sự nói.
Chính vậy, nên thành phố lúc nào cũng có nguy cơ. Hội An được tôn vinh, là nỗ lực của người dân, của cả cộng đồng. Do đó, ông Sự cho rằng, chính quyền và cả cộng đồng, phải luôn luôn thấy có “vấn đề”.
“Nếu lúc nào cũng thỏa mãn, sẽ hỏng ngay. Ngay cả khi hưng thịnh nhất, cũng phải thấy được những vấn đề, phải luôn biết rằng mình đang cũ để làm mới. Giá trị cốt lõi thì phải giữ, nhưng hãy thay đổi cách biểu đạt, cách làm. Văn hóa rất mong manh, phải luôn luôn nâng niu gìn giữ”, ông Sự cho hay.
Mục tiêu số một và không thể thay đổi, vẫn là giữ gìn và bảo tồn các giá trị đang có, cho Hội An của ngày mai, ngày sau. Dĩ nhiên, còn một hành trình dài phía trước, với nhiều việc phải làm...