Nhớ vị sắn dây quê nhà
Thời tiết ở Nam Bộ dần trở nên oi nồng. Một ngày đi học về, con gái tôi sốt cao, rôm sảy mọc khắp người. Giữa quẩn quanh biết bao công việc không tên chưa biết xử trí ra sao, tôi chợt nhớ đến món bột sắn dây chị gái gởi từ quê nhà.
Món bột sắn dây mộc mạc nhưng lại là một vị thuốc hữu dụng. Uống xong, con gái tôi bớt sốt, da dẻ cũng dần trở nên mát mẻ hơn. Nhìn chén bột sắn dây, lòng tôi chợt nôn nao...
Sắn dây là loại cây được người dân quê tôi lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình. Theo lời lý giải của cha tôi, sắn dây không chỉ dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh mà còn không cần nhiều vốn liếng để đầu tư như một số loại cây trồng khác.
Cha tôi, khi còn sống, thường gọi đùa loại cây này là “tinh túy cô đọng của đất trời vào buổi giao mùa”. Tên gọi này, ngẫm ra cũng thật hợp lý. Bởi loài cây mọc sau vườn nhà, chẳng cần phải chăm chút kỹ lưỡng gì nhưng bộ phận nào của cây cũng có thể thu hái và sử dụng.
Mỗi khi đến mùa hoa sắn dây, mẹ tôi vẫn thường tranh thủ hái ít hoa về sao vàng và phơi khô. Mẹ là người có chút hiểu biết về y học nên bà biết công dụng của hoa và củ sắn dây là thanh nhiệt, giải độc, giải rượu rất tốt.
Ngoài ra, cây sắn dây còn dùng chữa cảm sốt, nhiệt miệng, nhức đầu, mụn nhọt, táo bón, phòng ngừa các loại rôm sảy do thời tiết quá nóng bức...
Chờ đến giữa mùa xuân, khi cánh đồng lúa đương dậy thì tươi tốt, công việc đồng ruộng của nhà nông trở nên nhàn nhã hơn, cũng là khoảng thời gian thích hợp để mỗi gia đình thu hoạch sắn dây.
Bao giờ cũng thế, mẹ tôi thường để dành những củ to cắt thành từng khúc nhỏ luộc chín cho chị em tôi thưởng thức trước. Luộc sắn dây thật ra rất đơn giản, vốn chẳng có “bí kíp”.
Theo kinh nghiệm của mẹ thì chỉ cần chọn những củ sắn dây đã già, cứng để có nhiều tinh bột và ngọt nước. Món sắn dây luộc gây ấn tượng vì cảm giác thuần khiết tự nhiên từ vị ngọt có sẵn và hương thơm đặc trưng.
Sắn dây thông thường phải ăn lúc nguội. Chỉ cần chậm rãi nhai kỹ sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngon, cực kỳ mịn và mềm như tan ra trong miệng.
Số sắn dây còn lại, mẹ tôi cho vào thùng để cha chở xuống huyện xay nhỏ về làm bột. Khi mang sắn dây về nhà, mẹ thường tranh thủ đổ nước mưa vào từng thùng bóp rời và lọc qua nhiều lần từ tấm vải thưa đến tấm vải kín.
Mẹ tôi vốn dĩ cẩn thận nên thùng nước bột sẽ được thay nước thêm 3 đến 4 lần vào mỗi buổi sáng, bột trắng và không bị chua, chất lượng bột sẽ tốt hơn. Khi bột lắng lại, mẹ cạo lớp bột trắng tinh hong phơi dưới nắng hanh hao sau nhà.
Đến khi bột khô, mẹ nhẹ nhàng cho vào từng hũ, gởi biếu một ít cho hai bên nội ngoại, phần còn lại để dành cho gia đình dùng quanh năm.
Lớn lên rồi đi xa gia đình, tôi vẫn hoài nhớ hương vị đặc biệt của món sắn dây quê nhà. Chỉ tiếc ba mẹ tôi đều đã lần lượt qua đời. Mỗi khi quay trở về quê, nhìn ngôi nhà cũ và vườn sắn chị gái tôi trồng, lòng không khỏi nôn nao...