Hy vọng về vắc xin ngừa ung thư phổi
(QNO) - Các nhà khoa học tại Anh đang phát triển vắc xin ngừa ung thư phổi đầu tiên trên thế giới.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford, Viện Francis Crick và Đại học College London sẽ nhận được tài trợ trị giá 1,7 riệu bảng Anh (khoảng 53 tỷ đồng) từ Viện Nghiên cứu ung thư Vương quốc Anh và Quỹ ung thư CRIS trong hai năm tới để thực hiện công việc trong phòng thí nghiệm và sản xuất 3.000 liều vắc xin LungVax.
LungVax là loại vắc xin kích hoạt hệ thống miễn dịch để tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn chặn ung thư phổi.
Theo các nhà nghiên cứu, công nghệ để phát triển vắc xin ngừa ung thử phổi LungVax tương tự như công nghệ của vắc xin Oxford/AstraZeneca chống lại COVID-19 do Đại học Oxford và Hãng dược AstraZeneca (Anh) phát triển và sản xuất.
Giáo sư Tim Elliott - Trưởng nhóm nghiên cứu dự án LungVax cho biết, ung thư là một căn bệnh của chính cơ thể chúng ta và hệ thống miễn dịch khó có thể phân biệt được đâu là tế bào bình thường và đâu là ung thư. Bởi vậy, làm cho hệ thống miễn dịch nhận biết và tấn công tế bào ung thư là một trong những thách thức lớn nhất trong nghiên cứu ung thư hiện nay.
"Nếu chúng ta có thể tái tạo thành công như đã thấy trong các thử nghiệm trong thời kỳ đại dịch, chúng ta có thể cứu sống hàng chục nghìn người mỗi năm chỉ riêng ở Anh" - Giáo sư Tim Elliott nói.
Nếu các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy vắc xin kích hoạt phản ứng miễn dịch, vắc xin sẽ chuyển sang thử nghiệm lâm sàng. Vắc xin ung thư hoạt động bằng cách huấn luyện hệ thống miễn dịch nhận biết các tế bào ung thư là bất thường để tiêu diệt tế bào đó.
LungVax cũng có thể đưa ra một lộ trình khả thi để ngăn ngừa một số bệnh ung thư được phát hiện ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, Giáo sư Jamal-Hanjani của Viện Francis Crick và Đại học College London nhấn mạnh giải pháp tối ưu để giảm nguy cơ mắc ung thư phổi là ngừng hút thuốc, nguyên nhân gây ra hơn 7/10 trường hợp.
Bà Michelle Mitchell - Giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu ung thư Vương quốc Anh cho hay: "Chúng tôi đang ở thời kỳ hoàng kim của nghiên cứu và đây là một trong nhiều dự án mà chúng tôi hy vọng sẽ thay đổi khả năng sống sót của bệnh ung thư phổi”.
Theo số liệu thống kê, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn thế giới.
Ước tính có khoảng 2,2 triệu ca ung thư phổi mới và 1,8 triệu ca tử vong liên quan đến ung thư phổi xảy ra vào năm 2020, chiếm khoảng 11,4% tổng số ca ung thư và 18,0% tổng số ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới.
Riêng tại châu Âu, theo số liệu từ Eurostat, ung thư phổi chiếm 4,5% tổng số ca tử vong ở châu Âu và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư tại lục địa.