Chuyện đầu tuần

Đời người đời cây

PHAN HOÀNG 25/03/2024 06:47

Những ngày cuối tuần qua, trên truyền thông thấy rất nhiều hình ảnh ấn tượng về kỷ niệm Thảo Cầm Viên Sài Gòn tròn 160 năm.

sua2.jpg
Hoa sưa. Ảnh: DIỄM LỆ

Cũng nên nhắc đôi chút thông số ở đó để hiểu vì sao hình ảnh truyền đi gây xúc động về chứng nhân một vùng đất. Thảo Cầm Viên Sài Gòn là vườn thú, vườn bách thảo đầu tiên của Việt Nam - một trong các vườn thú lâu đời nhất thế giới.

Hệ thực vật tại Thảo Cầm Viên có hơn 2.500 cây thân gỗ lớn thuộc 380 loài, nhiều thực vật quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam và Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp.

Những cây cổ thụ cả trăm năm tuổi ở Thảo Cầm Viên, trong đó nhiều cây giáng hương gần 200 năm tuổi, hơn cả tuổi của Thảo Cầm Viên.

Nhờ quần thể thực vật phong phú này, hơn 2.100 cá thể động vật của 128 loài (kể cả các loài động vật nhập ngoại như hươu cao cổ, hà mã, ngựa vằn, sư tử, hổ Bengal) sinh trưởng phát triển tốt. Bao nhiêu thế hệ người Sài Gòn, đã giữ cho vùng đất vườn cổ thụ quý.

Cũng những ngày cuối tuần, khách về Vườn Cừa đông hơn khi hay tin quần thể 9 cây sưa ở làng Hương Trà (phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) được công nhận là cây di sản Việt Nam. Tin đi trùng với đợt sưa nở rộ khắp các ngả phố nên xóm nhỏ càng thêm chộn rộn.

Cũng như ở Thảo Cầm Viên, những cây giáng hương Ấn ở đây có tuổi đời từ 100 – 150 năm. Cây được gìn giữ bởi người làng. Cây trụ vững qua trăm mùa mưa lũ để làm nên hồn cốt và diện mạo của làng.

Người làng giữ cây như cách biết ơn chứng nhân của vùng đất. Lễ hội hoa sưa hằng năm như cho người của vùng đất ven sông, để hân hoan cùng hoa, để thêm đằm sâu nặng nợ với nơi này.

Người vùng khác, đến với hoa sẽ khó hơn một chút. Nhiều du khách đôi lần “canh me” để đến với lễ hội, nhưng lỡ nhịp, lúc muộn lúc sớm bởi đặc tính của hoa nở rộ trong vòng vài ngày, rất nhanh.

Nhân nói về cây, xin kể câu chuyện tôi đọc trên trang cộng đồng người Việt ở Mỹ về Stumpy. Stumpy là cây hoa anh đào nằm ở bờ nam hồ Tidal Basin tại Washington.

Quanh năm, rễ của Stumpy ngập trong nước lợ từ thủy triều của sông Potomac, thân cây bị ăn mòn gần như rỗng ruột. Thế nhưng, cây vẫn sống và nở hoa rất đẹp vào mỗi mùa xuân.

Stumpy được người dân và du khách khắp nơi đặc biệt thích thú vì như hiện thân của sự kiên cường và truyền cảm hứng về khả năng chống chọi với khắc nghiệt của thiên nhiên.

Tháng Ba mùa hoa đào nở và những ngày gần đây khi có thông tin chính quyền địa phương sẽ đốn hạ Stumpy cùng với khoảng 100 cây khác để xây dựng lại đoạn bờ kè bị ngập nước thủy triều, ai cũng tiếc nuối. Và có người đã đặt bó hoa hồng dưới gốc Stumpy như lời cảm ơn và tiễn biệt. Chuyện chỉ có vậy nhưng tôi khá xúc động về ứng xử của người với cây.

Từ cây mà nghĩ đến hữu hạn của đời người, đến những mỉa mai gần đây rộ lên khi bảng hiệu (thậm chí là cả bia đá khắc tên) trước những cây cổ thụ, bị dỡ bỏ. Người đời cười cợt vì ai kia khinh suất bởi “tuổi nào” mà vơ những cây cổ thụ như “của mình trồng”. Với cổ thụ, sao dám lấy đời người mà so đo với đời cây.

Đó là những cách ứng xử với cây mà ai cũng phải học.

Thời chúng tôi còn trẻ, ở lứa tuổi đoàn đội, sinh viên, bài hát thường được gõ nhịp nhiều nhất là bản Một đời người một rừng cây của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Thời say mê và đầy nhiệt huyết đó, làm bất cứ điều gì thấy tốt mà không cần đắn đo suy tính. Chúng tôi đã sống theo những gì mình hát.

…“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/Gian khổ sẽ dành phần ai”.

Bây giờ không còn trẻ nữa, khi biết nhìn đời cây, mọi thứ phải đọc kỹ nghĩ sâu mới dám làm. Với ly cà phê cuối tuần tôi uống ở Vườn Cừa, hương sưa chưa kịp vương nhưng năng lượng từ vườn cổ thụ ở đó, cũng đủ xanh lại giấc mơ tuổi trẻ. Đủ để lại gõ nhịp hoan ca:

…“Chân lý thuộc về mọi người
Không chịu sống đời nhỏ nhoi
Xin hát về bạn bè tôi
Những người sống vì mọi người”…

PHAN HOÀNG