Y tế

Ngành y tế Quảng Nam loay hoay phương án vận hành phòng khám đa khoa khu vực

TRUNG QUÂN 26/03/2024 08:00

Các phòng khám đa khoa tuyến tỉnh tại Quảng Nam vẫn đang loay hoay về phương án vận hành.

images.baoquangnam.vn-storage-newsportal-2023-8-16-146547-_tnb-57791-02-1(1).jpg
PKĐK Điện Nam - Điện Ngọc vẫn chưa có phương án quản lý. Ảnh: L.Q

Nhiều vướng mắc

Đến nay, Phòng khám Đa khoa (PKĐK) Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) vẫn đang dừng hoạt động. Trong khi đó, PKĐK khu vực vùng A thuộc Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc gặp nhiều vướng mắc với phương án chuyển giao thành cơ sở 3 của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Khu vực miền núi phía Bắc. Tại miền núi, PKĐK Chà Vàl (huyện Nam Giang) thì gặp khó do thiếu thốn trang thiết bị.

PKĐK Khu công nghiệp Điện Nam- Điện Ngọc được đầu tư xây dựng từ năm 2011 và đưa vào sử dụng từ năm 2014. Phòng khám này do BVĐK khu vực Quảng Nam (đóng tại phường Vĩnh Điện, Điện Bàn) quản lý vận hành từ năm 2015 đến nay.

Ông Nguyễn Tải - Giám đốc BVĐK khu vực Quảng Nam cho biết, trong suốt các năm vận hành, bệnh viện liên tục gặp khó khăn về nguồn thu.

UBND tỉnh đã có nhiều cuộc làm việc, yêu cầu Sở Y tế cũng như UBND thị xã Điện Bàn đề xuất các phương án tối ưu vận hành PKĐK Khu công nghiệp Điện Nam- Điện Ngọc.

Đại diện Sở Y tế cho biết, đơn vị đã đề nghị các cơ sở y tế công lập trong toàn ngành xem xét tiếp nhận PKĐK này làm cơ sở 2, tuy nhiên không có đơn vị nào tiếp nhận. Trong khi đó, một cơ sở y tế tư nhân là BVĐK Vĩnh Đức đã có văn bản đề nghị xin tiếp nhận PKĐK Khu công nghiệp Điện Nam- Điện Ngọc làm cơ sở 2 của bệnh viện.

z4674023706869-18d6ea1e07c874024dab5d6272baf89520230908111751(1).jpeg
Cơ sở vật chất tại PKĐK Điện Nam - Điện Ngọc vẫn còn tốt. Ảnh: V.Q

Tại PKĐK Khu vực vùng A Đại Lộc, người dân gặp khá nhiều khó khăn khi đơn vị này chuyển từ trực thuộc tuyến tỉnh sang tuyến huyện.

Đây là cơ sở y tế thực hiện khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho khoảng 50 nghìn dân các xã Đại Lãnh, Đại Sơn, Đại Hồng, Đại Hưng (huyện Đại Lộc) và xã Kà Dăng (huyện Đông Giang).

Trước đây, PKĐK khu vực vùng A Đại Lộc trực thuộc BVĐK khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, đầu năm 2019 được chuyển giao về Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc.

Từ đó đến nay, PKĐK khu vực vùng A Đại Lộc gặp nhiều khó khăn. Việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân chật vật bởi danh mục thuốc được cấp theo BHYT bị cắt giảm lượng lớn và không được phép điều trị nội trú.

Đại diện Sở Y tế cho biết, ngành chủ trương chuyển PKĐK khu vực vùng A thuộc Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc trở thành cơ sở 3 của Bệnh viện ĐKKV miền núi phía Bắc Quảng Nam nhưng đang gặp nhiều vướng mắc về quy định.

Chuyển hướng quản lý?

Ngày 1/1/2024, Luật Khám chữa bệnh chính thức có hiệu lực. Trong đó, Điều 104 quy định thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn kỹ thuật thành 3 cấp chuyên môn.

Trong đó, PKĐK khu vực thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, điều trị ngoại trú, chăm sóc sức khỏe ban đầu; quản lý bệnh tật, phục hồi chức năng tại cộng đồng.

thumb_660_90678870-1755-4ee7-a10b-b1b48d199102(1).jpeg
Phòng khám Đa khoa khu vực vùng A huyện Đại Lộc. Ảnh: S.T

Cũng tại khoản 2, Điều 77 luật này, quy định PKĐK khu vực được bố trí giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ, trừ trường hợp bất khả kháng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.

Như vậy, các PKĐK khu vực sẽ không thực hiện điều trị nội trú, mà chỉ thực hiện khám chữa bệnh ngoại trú và tổ chức giường lưu theo dõi người bệnh nhưng không quá 72 giờ.

Điều này gây khó khăn cho người dân, đặc biệt là đối với người dân tại các huyện miền núi. Bởi khi các PKĐK khu vực không được thực hiện chức năng điều trị nội trú, đồng nghĩa với việc người dân mắc bệnh sẽ phải đến bệnh viện tuyến huyện trở lên để điều trị.

Đây cũng là khó khăn nhiều năm mà người dân tại các xã vùng A của huyện Đại Lộc phản ảnh, khi PKĐK khu vực vùng A trực thuộc Trung tâm Y tế huyện không được phép điều trị nội trú.

Nhiều địa phương cho rằng, cần có giải pháp để PKĐK khu vực công lập, đặc biệt ở miền núi được phép điều trị nội trú bằng việc nâng cấp trở thành bệnh viện cơ sở thuộc BVĐK các huyện, hoặc là cơ sở của các bệnh viện tuyến tỉnh trên địa bàn.

Đây là điều BVĐK khu vực miền núi phía Bắc đã thực hiện đối với PKĐK khu vực vùng B khi nâng cấp lên thành cơ sở 2 của bệnh viện.

Cơ sở này cũng là mô hình cơ sở 2 đầu tiên của Quảng Nam. Tuy nhiên, cơ sở này được chuyển đổi trước khi có Thông tư 07/2021 của Bộ Y tế là PKĐK khu vực phải thuộc quản lý của trung tâm y tế huyện.

Do vậy, hiện phương án quản lý đối với PKĐK khu vực vùng A vẫn phải chờ các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ khám chữa bệnh tại PKĐK của Bộ Y tế và các ngành liên quan. Cũng như vậy, phương án hoạt động của PKĐK khu vực Điện Nam - Điện Ngọc vẫn phải đợi...

TRUNG QUÂN