Chính quyền - đoàn thể

Thực hiện Đề án 06 và cải cách hành chính năm 2024 ở Phú Ninh: Thay đổi tư duy sang “hỗ trợ, hướng dẫn”

HÀN GIANG 26/03/2024 08:26

Qua 2 năm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, bên cạnh kết quả đạt được, UBND huyện Phú Ninh nhìn nhận nhiều mặt còn hạn chế và xác định nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số và cải cách hành chính.

anh-phu-ninh-2.3.2024.jpg
Phú Ninh trao giải cuộc thi "Ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, chuyển đổi số năm 2023" cho thành viên tổ công nghệ cộng đồng. Ảnh: N.Đ

Chuyển động

Tại Phú Ninh, công tác tổ chức triển khai thực hiện các nội dung trong Đề án 06 của Chính phủ được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn quan tâm, đẩy mạnh; đặc biệt đối với việc thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu.

Việc tiếp nhận giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính (TTHC) thông qua cổng dịch vụ công từng bước được nâng cao. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn công dân trong việc thực hiện hồ sơ dịch vụ công trực tuyến có sự chuyển biến.

Chuyển động rõ nét nhất là chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của Phú Ninh năm 2023 xếp vị trí thứ 4/18 địa phương, tăng 7 bậc so với năm 2022. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDIC) thuộc nhóm tốt, xếp thứ 8/18 địa phương.

Trung tá Trần Khắc Hảo - Đội trưởng Đội quản lý hành chính và trật tự xã hội, Công an huyện Phú Ninh - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 06 huyện cho hay, lực lượng Công an huyện không ngừng đẩy mạnh làm sạch cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua các hoạt động như cấp căn cước công dân, rà soát thông tin phục vụ tiêm chủng...

“Hiện nay, trên địa bàn 11/11 xã thị trấn của huyện thực hiện các TTHC liên thông: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí” - Trung tá Trần Khắc Hảo cho biết.

Về kết quả thực hiện 11 dịch vụ công thiết yếu của Bộ Công an, Ban Chỉ đạo Đề án 06 huyện Phú Ninh cho biết, đã tiếp nhận và giải quyết trực tuyến 7.366/12.250 hồ sơ (đạt 60,13% tổng số hồ sơ tiếp nhận).

Trong khi đó, việc thực hiện 14 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến các đơn vị, ban, ngành đã tiếp nhận trực tuyến 2.153/2.585 hồ sơ, đã giải quyết 2.153 hồ sơ đạt tỷ lệ 83,29% tổng số hồ sơ tiếp nhận.

Không “làm hộ, làm thay”

Trong các hạn chế được nhìn nhận, theo Ban Chỉ đạo Đề án 06 huyện Phú Ninh, hiện hồ sơ trực tuyến của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, thị chủ yếu thực hiện trên cổng dịch vụ công của tỉnh. Một số dịch vụ công trực tuyến có tỷ lệ đạt thấp dưới 50%…

Phân tích về hạn chế trong triển khai chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt, theo ông Lê Thanh Long - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Ninh, phòng đang quản lý, thực hiện chi trả cho 8.955 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội và người có công và theo Nghị quyết 43 của HĐND tỉnh.

Trong số này có 2.541 người có tài khoản tại các ngân hàng. Tại kỳ chi trả tháng 3/2024 qua tài khoản chỉ có 330 người, đạt tỷ lệ 13% trên tổng số người có thẻ, rất thấp.

“Ngoài trường hợp bất khả kháng, bưu điện phải chi trả tại nhà hoặc qua ủy quyền, thì các đối tượng được hưởng trợ cấp an sinh xã hội còn lại không có nguyện vọng chi tiền qua tài khoản.

Ngành sẽ tham mưu UBND huyện kế hoạch tuyên truyền, phấn đấu đạt tỷ lệ tối thiểu 30% đối tượng được chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt năm 2024” - ông Long nói.

Một vấn đề đáng qua tâm khác là từ đầu năm đến nay, chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công của Phú Ninh theo thời gian thực trên môi trường điện tử liên tục bị giảm điểm, thường xuyên nằm trong tốp cuối đối với cấp huyện.

Ông Ninh Quang Thạnh - Trưởng phòng Nội vụ huyện, cho hay: “Theo thống kê, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của Phú Ninh đạt 82,29%. Hồ sơ trễ hẹn còn nhiều, chủ yếu ở lĩnh vực đất đai.

Trong khi đó, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt từ 95% trở lên mới được xếp loại khá. Nếu không có giải pháp cải thiện những chỉ số hạn chế đã được nhìn nhận, thì chỉ số CCHC cuối năm của huyện sẽ bị tụt”.

Trong 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Đề án 06 và CCHC, ông Huỳnh Xuân Chính - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh yêu cầu các ngành, địa phương chỉ đạo, quán triệt cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa các cấp thực hiện nghiêm túc việc tra cứu, khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết TTHC. Thay đổi tư duy từ “làm thay, làm hộ” sang “hỗ trợ, hướng dẫn” để nâng cao kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp…

HÀN GIANG