Môi trường

Thiết lập khu bảo tồn biển Tam Hải: Nhận diện vùng tài nguyên ven bờ

HÀ QUANG 26/03/2024 07:45

Kết quả đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất thiết lập khu bảo tồn biển khu vực xã Tam Hải, Núi Thành” là “dữ liệu” quan trọng để Quảng Nam xúc tiến công tác bảo tồn kịp thời, hiệu quả đối với vùng tài nguyên phong phú cửa sông ven biển này.

z5273840027180_f82b28b30a147aa268c053d344092f8b.jpg
Rạn đá Bàn Than. Ảnh: PV

Đa dạng sinh học ven bờ

Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất thiết lập khu bảo tồn biển khu vực xã Tam Hải, Núi Thành” do Ths.Phạm Bá Trung (Viện Hải dương học - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) chủ trì, bắt đầu triển khai từ năm 2019 tại vùng biển xung quanh xã Tam Hải và khu vực lân cận. Đây là đề tài nghiên cứu KH&CN cấp tỉnh, do Sở KH&CN Quảng Nam phối hợp với Viện Hải dương học tổ chức thực hiện.

Ông Nguyễn Phi Thạnh - Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, trong các hệ sinh thái tự nhiên của tỉnh phải kể đến hệ sinh thái biển và ven bờ.

Hệ sinh thái này đóng vai trò rất quan trọng về phương diện cung cấp nguồn lợi thực phẩm, nơi cư trú, bãi đẻ và ươn giống cho rất nhiều đối tượng sinh vật, duy trì cân bằng sinh thái. Trong đó, khu vực xã đảo Tam Hải là một trong những nơi có đa dạng sinh học cao của Quảng Nam.

Theo Ths.Phạm Bá Trung, dựa vào nhiều yếu tố địa chất, địa hình, hải văn…, các vùng đất ngập nước ở khu vực xã Tam Hải và lân cận được chia thành 3 nhóm: đất ngập nước ven biển, ven đảo; đất ngập nước nội địa; đất ngập nước nhân tạo.

Nhóm thực hiện đề tài đã khảo sát vùng đất ngập nước ven biển, ven đảo tại Tam Hải và khu vực lân cận. Đây là vùng biển ven bờ, ven vũng, vịnh và chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ hải văn, được giới hạn đến độ sâu 6m tính từ đường mép nước biển thấp nhất trong vùng nhiều năm, diện tích khoảng 1.741ha.

Về mặt hình thái, bề mặt này tương đối bằng phẳng và nghiêng thoải về phía biển, bãi dưới triều có bề mặt gần như nằm ngang, là nơi thường xuyên chịu tác động của sóng vỗ bờ...

Về thảm cỏ biển: bãi triều thấp có cỏ biển nằm thấp dưới mực nước trung bình. Cỏ biển phân bố tập trung ở ven bờ xã Tam Quang, Tam Giang, Cồn Si (Tam Hải)... với tổng diện tích khoảng 78,4ha. Rạn san hô tại khu vực biển Bàn Than thuộc kiểu rạn nền trên các bãi cạn trước cửa vịnh An Hòa và bãi Rạn Lớn.

Theo kết quả điều tra, khảo sát của Viện Hải dương học, vùng biển Tam Hải hiện có gần 78,4ha thảm cỏ biển, 196,7ha san hô và rừng ngập mặn có diện tích 110ha với 173 loài san hô cứng, 174 loài cá rạn san hô, 44 loài thuộc nhóm động vật không xương sống kích thước lớn và 66 loài rong biển; trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao và là nguồn kinh tế chính của cư dân xã đảo.

Các nhà khoa học cũng đã khảo sát các vùng bờ biển có vách đá; bãi vùng gian triều, bãi bùn sét, cát, sỏi, cuội, cồn cát; vùng nước cửa sông; rừng ngập mặn…

Kết quả đánh giá tài nguyên vùng đất ngập nước khu vực Tam Hải và các vùng lân cận rất phong phú, có vai trò quan trọng đối với đa dạng sinh học, hệ sinh thái cửa sông ven biển.

Cấp thiết bảo tồn

Hiện nay, các hoạt động kinh tế - xã hội cũng như việc khai thác, sử dụng tài nguyên đất ngập nước, vùng bờ khu vực Tam Hải và lân cận diễn ra rất sôi động. Chính những hoạt động này đang đe dọa đến vùng đất ngập nước, rừng ngập mặn, tiềm ẩn nhiều nguyên nhân gây suy giảm hệ sinh thái.

293559646_5392099824240607_3606809661460629069_n.jpg
Người dân khai thác rong mơ tại khu vực ven biển Tam Hải. Ảnh: CTV

Nhận định về thực trạng hệ sinh thái ven biển Tam Hải, ông Nguyễn Ngọc Thọ - Bí thư Chi bộ thôn Thuận An (xã Tam Hải) nói, rạn san hô hiện nay biến dạng do tác động của môi trường, nhất là rác thải. Ngoài ra ngư dân làm nghề lặn đã giẫm đạp, khiến rạn san hô ngã đổ và chết rất nhiều.

“Nghề lặn có cách đây gần 40 năm rồi, mạnh ai nấy làm, khai thác tận diệt, giẫm đạp lên san hô vô tội vạ. Từ chỗ san hô chết nhiều, dẫn đến ngọn sóng lớn tác động vào ghềnh đá mạnh hơn.

Cách đây khoảng 8 năm thì Hòn Đụn của Bàn Than còn nguyên, sau đó đổ ra thành 3 cụm, vì vậy chúng ta phải gấp rút bảo tồn. Phải hướng dẫn cho bà con khai thác như thế nào phù hợp lợi ích kinh tế và bảo tồn.

Nguyện vọng của nhân dân là mong muốn bảo tồn triệt để rạn san hô Hòn Mang - Hòn Dứa bởi ở đây có nhiều bãi cạn như bãi Chòi nổi lên khi nước cạn, thường bị người dân giẫm đạp...” - ông Thọ kiến nghị.

Nói về sự đồng thuận của người dân địa phương về thiết lập khu bảo tồn, bà Huỳnh Thị Hồng Kiều - Bí thư Đảng ủy xã Tam Hải cho rằng qua tham vấn nhân dân rất tha thiết mong muốn được bảo tồn, bởi nguồn lợi ven bờ cạn kiệt quá nhanh. Những năm gần đây tôm nhí gần như không có. Các loài cá đặc hữu ở khu vực rạn đá ít thấy xuất hiện. Tôm hùm tự nhiên rất hiếm gặp...

Bà Kiều nói: “Đã 20 năm nay chúng tôi mới nghe lại từ bảo tồn tại Tam Hải, nên rất vui mừng. Trước đây có một dự án nhỏ chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn. Địa phương sẽ cùng với các đơn vị thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để nhân dân đồng thuận. Chúng tôi sẽ quyết tâm giữ tài nguyên cho tương lai của con cháu...”.

Cần xác định tài nguyên mục tiêu

Ths.Lê Ngọc Thảo - Trưởng ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An cho rằng, khi thiết lập khu bảo tồn biển tại Tam Hải, điều thuận lợi là đã có sự đồng thuận của nhân dân nhưng phải lường trước được xung đột mà khi chưa phân vùng chúng ta chưa thấy.

Đề xuất thiết lập vùng bảo vệ nghiêm ngặt tại khu bảo tồn biển Tam Hải khoảng 560ha, nhiều chuyên gia dự báo sẽ gặp khó khăn trong quá trình kiểm soát. Ông Thảo chia sẻ, ông đang có cảm giác như quay trở lại câu chuyện của Cù Lao Chàm cách đây 20 năm, đặc biệt là chuyện phân vùng.

“Để phân vùng Cù Lao Chàm phải mất 6 năm và kinh phí từ 2 - 3 triệu USD, chưa tính những khoản viện trợ trang thiết bị. Lúc đó chúng tôi xác định phải bảo vệ nghiêm ngặt san hô, cứ thấy san hô chỗ nào là rào chỗ đó, vì vậy xung đột ngay với người dân, dù trước đó ai cũng nói đồng thuận.

Khi phân vùng, lúc họp thì nhất trí cao nhưng khi họ lặn xuống vùng bảo vệ nghiêm ngặt thì tư tưởng đấu tranh ngay, họ biết rằng đang ở vùng cấm nhưng phải khai thác vì kế mưu sinh...” - ông Thảo nói.

Một vấn đề quan trọng nữa khi thiết lập khu bảo tồn biển Tam Hải, theo các chuyên gia, cần xác định tài nguyên mục tiêu, ví dụ ở Cù Lam Chàm là san hô.

Theo ông Thảo, khi đã xác định được tài nguyên mục tiêu, xác định được những tác động thì mới đưa ra cơ chế bảo vệ, bảo tồn theo vòng đời của nó, rồi sau đó mới tính chuyện phân vùng và thực thi phân vùng như thế nào để tránh xung đột...

HÀ QUANG