Nước cho hòa bình
Đó là thông điệp ngày Nước thế giới (22/3) năm 2024 được Liên hợp quốc phát động, tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng. Quảng Nam hưởng ứng bằng các hoạt động thiết thực, nối tiếp chuỗi sự kiện Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia 2024.
Quản lý và khai thác bền vững
Gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế và nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao... khiến cho tài nguyên nước có nguy cơ cạn kiệt. Những áp lực này đã và đang tạo nên các yếu tố kém bền vững cho phát triển, đòi hỏi tài nguyên nước phải được quản lý một cách bền vững và được chia sẻ, khai thác một cách hiệu quả.
Để lan tỏa các thông điệp về quản lý, khai thác bền vững tài nguyên nước, mới đây, Sở TN-MT phối hợp với UBND huyện Nam Giang và Công ty Thủy điện Sông Bung tổ chức mít tinh hưởng ứng ngày Nước thế giới, ngày Khí tượng thế giới và trồng cây xanh, thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên khu vực nhà máy thủy điện Sông Bung 4.
Bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở TN-MT cho hay, nước đang được coi là một trong những nguồn tài nguyên chiến lược, cần được quản lý, khai thác, sử dụng phù hợp, hiệu quả để thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.
Hưởng ứng Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024, Sở TN-MT đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng như chương trình trồng 1 tỷ cây xanh; thả bổ sung loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học, loài thủy sản bản địa, loài thủy sản đặc hữu vào vùng nước tự nhiên tái tạo nguồn lợi thủy sản…
“Sở TN-MT sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến quán triệt quy định pháp luật liên quan đến công tác quản lý tài nguyên nước, đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là sớm triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Đồng thời, tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước, triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước. Các hoạt động khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất sẽ được quản lý chặt chẽ, đặc biệt là khu vực đồng bằng ven biển, miền núi cao khan hiếm nguồn nước trên địa bàn tỉnh” - bà Lê Thủy Trinh nói.
Tạo thêm sinh kế
Đã có 30 nghìn con cá giống được thả xuống lòng hồ thủy điện Sông Bung 4, là các loại cá bản địa, có giá trị kinh tế cao như cá mè, cá lăng, cá trắm cỏ...
Ông Nguyễn Minh Chiến - Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung cho hay, lòng hồ thủy điện Sông Bung 4 có diện tích mặt nước hơn 15,6km2, tạo ra tiềm năng rất lớn về nguồn lợi thủy sản.
“Các loại cá giống được thả là loài có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, thích ứng với môi trường nước và không gây tác động tiêu cực đến các loại cá tự nhiên hiện có.
Thông qua việc thả cá tái tạo nguồn lợi, chúng tôi mong muốn chung tay với chính quyền địa phương trong việc duy trì nguồn lợi thủy sản, cải thiện đời sống người dân quanh khu vực lòng hồ. Về lâu dài, hoạt động này sẽ được duy trì để tạo hiệu ứng tuyên truyền, hướng đến việc khai thác bền vững các tài nguyên” - ông Chiến chia sẻ.
Ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho hay, địa phương có 6 thủy điện đang hoạt động với diện tích mặt nước rất lớn, thuận lợi cho định hướng phát triển thủy sản, góp phần đa dạng sinh kế cho người dân địa phương. Từ năm 2020 đến nay, giá trị sản xuất thủy sản hàng năm tại địa phương đều tăng.
Năm 2023, giá trị sản xuất thủy sản đạt 4,2 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc khai thác đánh bắt thủy sản tự nhiên của người dân chưa có sự quản lý chặt chẽ, có nguy cơ làm giảm trữ lượng và chủng loại, gây mất cân bằng sinh thái.
Hai năm liên tiếp vừa qua, địa phương đã phối hợp với công ty thủy điện thả cá giống xuống lòng hồ, góp phần phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Đây cũng là hoạt động nhằm giúp cân bằng hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và tạo sinh kế phát triển bền vững cho người dân.
Thông qua hoạt động, UBND huyện Nam Giang kêu gọi người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, nguồn nước, tái tạo nguồn lợi thủy sản, hạn chế tác động tiêu cực đến thiên nhiên.