Phản biện xã hội dự thảo Phương án tuyển sinh lớp 10 tại Quảng Nam:Ủng hộ phương án thi kết hợp xét tuyển
Tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Phương án tuyển sinh vào lớp 10 của Sở GD-ĐT do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hôm qua 26/3, tất cả ý kiến đều đồng thuận với phương án thi kết hợp xét kết quả học tập và rèn luyện.
Đồng thuận
Cũng như hội thảo tư vấn, phản biện do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức vào tháng 11/2023, hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo phương án tuyển sinh vào lớp 10 do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức vào ngày hôm qua 26/3 đã ghi nhận tất cả ý kiến đều ủng hộ phương án của Sở GD-ĐT trình bày.
Đó là kết hợp thi tuyển 3 môn gồm Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, kết hợp với đánh giá kết quả hạnh kiểm và học tập trong 4 năm học ở cấp THCS của học sinh (HS).
Cạnh đó, HS được đăng ký 2 nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường THPT khác nhau để tăng cơ hội vào lớp 10 công lập. Nhà giáo ưu tú Hà Thị Thu Sương - nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT còn đề nghị “làm ngay, càng sớm càng tốt” chứ không phải chờ đến tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 - 2026.
Thầy Đinh Gia Thiện - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu (Tam Kỳ) nhìn nhận, xét tuyển lớp 10 thời gian qua để lại nhiều hệ lụy như ý thức học tập của HS kém, nhất là các em học lực trung bình, khá.
Nếu thi các em sẽ cố gắng học tập hơn, phụ huynh cũng sẽ quan tâm hơn. Với đội ngũ giáo viên, nhiều người tâm huyết nhưng vẫn có một số ít trường hợp dạy trên lớp không hết kiến thức để dành dạy thêm.
Cán bộ quản lý trường học cũng vậy, có chủ trương đánh giá HS nhẹ hơn để giúp học trò tăng sức cạnh tranh vào lớp 10. “Tôi ủng hộ phương án thi tuyển và rất mong sớm thực hiện” - thầy Thiện bày tỏ.
Dưới góc nhìn của phụ huynh, ông Dương Ngọc Tâm - phụ huynh Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (Thăng Bình) ủng hộ phương án thi kết hợp xét tuyển, cho rằng sẽ tạo điều kiện cho các em học tập loại trung bình có cơ hội vào lớp 10 công lập.
Điều quan tâm là các em không vào lớp 10 phải học nghề với HS mới 16 tuổi rất bất cập, nhất là nữ, không thể vào Tam Kỳ ăn học, không ai quản lý.
Ông Trần Khắc Thắng - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nói thi sẽ “không oan” đối với những em thi rớt vì năm sau vẫn còn có cơ hội thi lại vào lớp 10, còn xét tuyển không được; chưa kể có những em lớp 6, 7 học chưa tốt nhưng lên lớp 8, 9 học tốt hơn.
Băn khoăn
Là người có gần 30 năm công tác trong ngành giáo dục, ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho rằng, xét tuyển trước đây nhưng đến thời điểm hiện nay không còn phù hợp nữa vì liên quan đến chỉ tiêu tuyển sinh thấp, trường lớp, đội ngũ.
Cho biết quan điểm thống nhất theo phương án của Sở GD-ĐT, song ông Long bày tỏ băn khoăn số lượng HS không vào lớp 10 công lập tăng dần 25 - 30%.
“Các em mới 15 - 16 tuổi làm gì, đi đâu là bài toán và sẽ thành vấn đề xã hội, trong khi đa số là con nhà nghèo, thuộc đối tượng yếu thế của xã hội” - ông Long chia sẻ. Còn bà Huỳnh Thị Hường - nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh bày tỏ rất lo lắng tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, làm sao tổ chức kỳ thi công bằng, khách quan, không gây áp lực nặng nề đối với HS và phụ huynh.
Giải thích thêm về lý do thay đổi phương án tuyển sinh lớp 10, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Viết Tường nói ngành rất băn khoăn trước thực tế, quy mô giáo dục Quảng Nam trong tốp 15 cả nước, chất lượng mũi nhọn đứng tốp cao, năm 2024 xếp 15 về số lượng giải HS giỏi quốc gia, có giải quốc tế.
Thế nhưng, chất lượng đại trà rất thấp, thể hiện qua điểm bình quân tốt nghiệp THPT đứng 45, thấp hơn điểm bình quân chung cả nước.
Từ đó, ngành xây dựng phương án thay đổi phương thức tuyển sinh nhằm mục tiêu thay đổi chất lượng, với quan điểm đánh giá cả quá trình học tập từ lớp 6 đến lớp 12, nâng cao ý thức dạy và học trong toàn ngành.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca khẳng định, tuyển sinh lớp 10 liên quan đến rất nhiều phụ huynh, HS và toàn xã hội nên việc tổ chức hội nghị phản biện là rất cần thiết, làm cơ sở cho UBND tỉnh quyết định phương án tuyển sinh hợp lý.
Qua hội nghị cho thấy đa số ý kiến ủng hộ phương án của Sở GD-ĐT là kết hợp thi và xét tuyển; những băn khoăn về tỷ lệ tuyển sinh, phân luồng đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ được xem xét ở hội nghị khác.
Đề nghị Sở GD-ĐT (cơ quan soạn thảo) cân nhắc thêm một số biện pháp kỹ thuật như điểm số thi và xét để tạo ra sự hợp lý trong tuyển sinh.