Thể thao

Thể thao xứ Quảng chờ những bứt phá

ANH SẮC 27/03/2024 09:31

Tạo lập một số dấu ấn đáng kể trong thời gian qua, thể thao Quảng Nam đang chờ đợi có thêm những bứt phá mới, mạnh mẽ hơn, không chỉ ở thành tích tại các đấu trường lớn mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

dsc_7567(1).jpg
Khen thưởng hai nhà vô địch thế giới năm 2023 Huỳnh Đỗ Đạt (ngoài cùng bên trái) và Bùi Xuân Nhật (thứ hai từ trái sang). Ảnh: A.SẮC

Dấu ấn xứ Quảng

Tái lập tỉnh năm 1997, dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển, song thể thao Quảng Nam vẫn nhanh chóng thể hiện mình khi xác lập nên một số dấu ấn trên bản đồ thể thao cả nước. Nổi bật và dễ nhận thấy nhất, đó là thành tích của các vận động viên (VĐV).

Quy mô đào tạo của địa phương còn khiêm tốn, nên hàng năm Quảng Nam không có nhiều VĐV lên đội tuyển quốc gia. Nhưng điều rất ấn tượng là khi được mang trên mình màu cờ sắc áo Việt Nam, các gương mặt thể thao đến từ xứ Quảng đều xuất sắc lập công, góp phần làm rạng danh Tổ quốc.

Những người làm công tác thể thao xứ Quảng luôn tự hào khi trải qua các kỳ đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á kể từ năm 1997 đến nay, hầu hết đều có sự góp mặt của VĐV Quảng Nam và vinh quang mang về là những tấm huy chương vàng (HCV) lấp lánh.

Những cái tên đã đi vào lịch sử thể thao Việt Nam như Bùi Thị Triều (2 HCV SEA Games môn Karate), Phạm Thị Thu Hiền (dự 5 kỳ SEA Games liên tiếp và giành 3 HCV, 2 HCB cùng 1 huy chương đồng Asiad môn Taekwondo).

dsc_0406.jpg
Kỷ niệm ngày Thể thao Việt Nam là dịp để ngành VH-TT&DL ôn lại truyền thống và tuyên dương các cá nhân đạt thành tích xuất sắc. Ảnh: A.SẮC

Không dừng lại đấu trường khu vực, một số VĐV Quảng Nam còn vươn tầm khẳng định tài năng ở những giải đấu cấp cao hơn.

Năm 2023 rất đáng nhớ với thể thao Quảng Nam sau 26 năm tái lập tỉnh khi hai chàng trai trẻ Huỳnh Đỗ Đạt (môn Wushu) và Bùi Xuân Nhật (Vovinam) tỏa sáng mang về 2 tấm HCV ở giải vô địch thế giới.

Trước đó, cũng đã từng có những gương mặt làm rạng danh xứ Quảng khi đứng trên đỉnh thế giới là Đặng Thị Thúy (Pencak Silat) và Nguyễn Hồng Ninh (Võ cổ truyền).

Một trong những dấu ấn thời gian qua phải kể đến việc Quảng Nam kéo về được nhiều giải đấu cấp quốc gia có quy mô và sức lan tỏa lớn như bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup, vòng chung kết bóng chuyền nữ vô địch quốc gia, vô địch Wushu các đội mạnh quốc gia, bóng bàn các tay vợt xuất sắc toàn quốc...

Ngoài điều kiện cơ sở vật chất phục vụ tổ chức thi đấu đáp ứng yêu cầu, để có những sự kiện này phải kể đến nỗ lực của ngành VH-TT&DL tỉnh trong việc đăng cai tổ chức giải, vừa phục vụ công chúng, vừa góp phần quảng bá thương hiệu xứ Quảng.

Cùng với văn hóa, du lịch, những sự kiện thể thao tầm quốc gia diễn ra tại Quảng Nam đã để lại ấn tượng sâu đậm và được đánh giá cao từ các nhà chuyên lôn lẫn người xem.

Tạo sự bứt phá

Tại buổi làm việc với Sở VH-TT&DL mới đây, khi đề cập đến sự quan tâm đầu tư của tỉnh đối với ngành, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh quan điểm “văn hóa phải phát triển ngang hàng với kinh tế xã hội”. Đồng thời cho rằng, thế mạnh của Quảng Nam là văn hóa, thể thao, du lịch và tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết để phát triển.

dsc_8428.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết làm việc với Sở VH-TT&DL hôm 1/3. Ảnh: A.SẮC

Chia sẻ thêm, Bí thư Tỉnh ủy nói các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến Quảng Nam không chỉ làm việc mà họ còn có nhu cầu thư giãn qua các hoạt động văn hóa, thể thao, vì vậy, thời gian đến cần quan tâm nghiên cứu phát triển thêm.

Với điểm nhìn thể thao không chỉ là những tấm huy chương mang về mà còn là ngành giải trí, góp phần phát triển kinh tế xã hội, trong quy hoạch chung của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, thể thao giải trí, kinh doanh dịch vụ thể thao gắn với hoạt động văn hóa, du lịch được khuyến khích phát triển.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng thể thao cũng được đặt ra với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành quy hoạch chi tiết Khu liên hợp thể thao tỉnh (tại phường An Phú, TP.Tam Kỳ), triển khai xây dựng bể bơi thành tích cao và một số hạng mục công trình theo quy hoạch.

Cùng với đó là đầu tư bổ sung cơ sở vật chất phục vụ cho công tác huấn luyện, đào tạo phát triển thể thao thành tích cao tại khu trung tâm TD-TT tỉnh, gồm nâng cấp, sửa chữa nhà thi đấu TD-TT, sân Tam Kỳ, nhà tập luyện, ký túc xá. Ngoài ra còn đầu tư xây dựng mới ký túc xá cho VĐV năng khiếu, nhà tập luyện.

Từ một địa phương gần như “trắng ” về cơ sở hạ tầng và cả nguồn lực con người ở thời điểm tái lập tỉnh, giờ đây sau 27 năm thể thao Quảng Nam đã có những bước tiến đáng kể. Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, nguồn lực nội sinh của ngành, thể thao xứ Quảng tự tin tạo ra những bước bứt phá mới trong thời gian đến.

ANH SẮC