Xây dựng Quảng Nam thành tỉnh phát triển khá: Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người
(QNO) - Kế hoạch số 397, ngày 26/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) thực hiện trong năm 2024, đặt trọng tâm vào việc xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Nam trong giai đoạn mới, nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.
Khắc phục tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm
Với nội dung trọng tâm “xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người góp phần xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030”, chuyên đề năm 2024 hướng đến mục tiêu đưa nội dung học tập và làm theo gương Bác trở thành công việc thường xuyên, tự giác, tạo sự thống nhất nhận thức, hành động, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Qua đó khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm; không làm đúng, không làm đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp khi triển khai thực hiện Chỉ thị 05 phải gắn với việc "làm rõ thực trạng, biểu hiện, nguyên nhân và giải pháp để nhận diện, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm".
Ở cấp tỉnh, trong tháng 4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến cho cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến cấp huyện, xã nghiên cứu, học tập chuyên đề năm 2024. Sau hội nghị, ngay trong Quý II, các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị trong tỉnh tập trung xây dựng kế hoạch, hướng dẫn tổ chức thực hiện chuyên đề nghiêm túc, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế.
Về cá nhân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh viết cam kết thực hiện chuyên đề năm 2024 gắn với liên hệ bản thân về việc đẩy lùi tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm.
Căn cứ chuyên đề năm 2024 của tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiên cứu tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, hội thi, hội diễn... để cụ thể hóa, vận dụng vào thực tiễn thành nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể.
Diễn đàn sôi động
Các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch đưa nội dung chuyên đề năm 2024 vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ, đảng bộ. Xác định nội dung học tập và làm theo cho từng tháng, từng quý sát với nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên; lựa chọn các vấn đề còn hạn chế của tập thể, cá nhân để thảo luận và tìm giải pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian đến.
Thông qua các cuộc sinh hoạt, cấp ủy tập trung chỉ đạo, chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đồng thời khuyến khích, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung.
Trong sinh hoạt định kỳ hằng tháng, tùy tình hình cụ thể của chi bộ, đảng bộ, cấp ủy lựa chọn nội dung phù hợp để liên hệ, thảo luận; đồng thời đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch học tập, làm theo và nêu gương của các cá nhân, trong đó biểu dương các trường hợp làm tốt, phê bình và đề ra các biện pháp khắc phục đối với cá nhân còn hạn chế, khuyết điểm.
Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng
Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhấn mạnh đến việc “xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên” và cho đây là “vấn đề cấp thiết, tạo cơ sở cho cán bộ, đảng viên phấn đấu, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng”. Đồng thời là căn cứ để các cấp ủy đánh giá cán bộ, đảng viên; góp phần trực tiếp vào cuộc đấu tranh phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên được xây dựng trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh là “Trung với nước, hiếu với dân”; yêu thương con người; sống có tình, có nghĩa; là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; là tinh thần đoàn kết. Những chuẩn mực chung đó, khi vận dụng xây dựng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tỉnh không tách rời những phẩm chất mang tính đặc thù của con người xứ Quảng.
Tất cả được dung hòa, vận dụng thành những quy chuẩn trong đạo đức công sở, trong các mối quan hệ xã hội, song hành với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ đánh giá kết quả”, chuẩn mực đạo đức cách mạng xoay quanh 5 mối quan hệ cơ bản: Đối với Đảng, Tổ quốc; đối với nhân dân; đối với công việc; đối với đồng nghiệp; đối với bản thân.Trong đó, tập trung vào các chuẩn mực: Tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của dân tộc và của Nhân dân; gương mẫu, đi đầu trong đấu tranh chống mọi biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đọc kỹ, nghĩ sâu, tham mưu hiệu quả; đạo đức cá nhân trong sáng, đạo đức công vụ nêu gương; đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể.
Thực hành từ nêu gương đến hành động
Học tập và làm theo Bác, mỗi người cần thể hiện rõ trách nhiệm nêu gương trong từng nội dung, phần việc. Trong đó, đề cao vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị.
Lãnh đạo chủ chốt các cấp phải thể hiện tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân; có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể; luôn giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, toàn diện.
Để “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” chuyên đề năm 2024 của tỉnh đạt kết quả, Ban Thường vụ tỉnh ủy yêu cầu các ban, ngành của tỉnh tổ chức nghiêm túc hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kết luận số 01 gắn với thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương. Qua đó, cảnh báo, phát hiện từ sớm, kịp thời ngăn chặn vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm cho việc học tập và làm theo gương Bác được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thực chất…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, chính quyền rà soát, bổ sung, xây dựng mới quy chế, quy định liên quan đến thực hiện trách nhiệm nêu gương; triển khai thực hiện “Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”, làm cơ sở để cán bộ, đảng viên đăng ký, phấn đấu, rèn luyện. Việc nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần gắn với việc thực hiện Quy định số 1224, ngày 6/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên, người đứng đầu các cấp.
Cụ thể hóa việc “làm theo” và nêu gương trong thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, cơ quan, đơn vị đăng ký xây dựng mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024 để triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Đặc biệt, mỗi cấp ủy lựa chọn ít nhất 1-2 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để triển khai thực hiện trong năm 2024; thường xuyên chỉ đạo nắm bắt, giải quyết kịp thời những vụ việc nổi cộm, bức xúc tại cơ quan, đơn vị, địa phương; trọng tâm là tình trạng cán bộ, công chức, viên chức đùn đẩy, né tránh, bệnh “sợ trách nhiệm”.