Đà Nẵng khởi động chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn
(QNO) - Ngày 26/3, tại Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt - Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng chính thức khởi động chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn của TP.Đà Nẵng.
Năm 2024, Đà Nẵng tập trung đào tạo lực lượng giảng viên nguồn với sự phối hợp giảng dạy của VKU (Đại học Đà Nẵng), Viện Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) và sự đồng hành hỗ trợ của Công ty Synopsys Việt Nam với bản quyền phần mềm chính hãng.
Khóa đào tạo giảng viên nguồn đầu tiên khai giảng gồm 24 học viên là giảng viên tuyển chọn từ Đại học Đà Nẵng (Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật, VKU), Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học FPT.
Chương trình đào tạo trong 6 tháng, gồm 3 tháng học lý thuyết và 3 tháng học theo dự án với 4 mô đun về thiết kế vi mạch có mật độ tích hợp cao, thiết kế số và ngôn ngữ mô tả phần cứng, thực thi mạch tích hợp số cơ bản, thiết kế mạch tương tự cơ bản.
Đặc biệt, các giảng viên nguồn sẽ được tiếp cận toàn bộ thư viện, tài liệu giảng dạy của Tập đoàn Synopsys, Hoa Kỳ. Khi hoàn thành chương trình, giảng viên có thể xây dựng giáo trình giảng dạy thiết kế vi mạch phù hợp thực tiễn để truyền đạt cho sinh viên tại cơ sở giáo dục nhà trường.
Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, việc khởi động chương trình đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn là một dấu mốc cụ thể, bước đi quan trọng trong trong chiến lược đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của Đà Nẵng.
“Trên cơ sở kết quả khóa đào tạo này, thành phố sẽ tiếp tục tuyển chọn 10 giảng viên tham gia khóa đào tạo nâng cao dự kiến kết hợp ở trong nước và nước ngoài. Việc hợp tác quốc tế sẽ được mở rộng sang các đối tác uy tín ở các nước khác trong các khóa đào tạo tiếp theo” - ông Minh chia sẻ.
Trong ngày khai giảng khóa đào tạo, VKU khai trương Trung tâm Vi mạch bán dẫn và công nghệ thông minh (VKU - SSTH).
Trung tâm có chức năng đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới sáng tạo; được trang bị 30 máy tính và phần mềm thiết kế vi mạch (bản quyền của Synopsys) từ nguồn kinh phí 10 tỷ đồng trong khuôn khổ dự án ODA được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ cho VKU giai đoạn 2022 - 2027.