Phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm ở Núi Thành:Thiếu nhân lực và kinh phí
Gần đây, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại huyện Núi Thành diễn biến khá phức tạp, nhất là dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò. Trong khi đó, công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn.
Đàn gia súc trên địa bàn huyện Núi Thành đang có chiều hướng gia tăng. Tổng đàn trâu hiện có 7.000 con, đàn heo 23.500 con, đàn gia cầm hơn 560.000 con.
Thời gian qua, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến các hộ chăn nuôi về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Trong năm nay, các địa phương trong huyện đã phun 126 lít hóa chất diệt côn trùng, 720 lít hóa chất tiêu độc khử trùng môi trường khu vực chăn nuôi.
Cùng với đó, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện đã tiêm 2.277 liều vắc xin ngừa bệnh lở mồm long móng cho đàn trâu, bò, 795 liều vắc xin ngừa dịch tả lợn. Đồng thời phối hợp với Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh, Phòng NN&PTNT huyện và các xã, thị trấn tổ chức lấy mẫu giám sát dịch bệnh tại các chợ có buôn bán gia súc, gia cầm.
Tuy có nhiều cố gắng, nhưng tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc gần đây diễn biến phức tạp, nhất là dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò và công tác phòng chống dịch hiện nay gặp rất nhiều khó khăn.
Từ ngày 20/2 trên địa bàn huyện Núi Thành xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò và đến nay đã có 13 hộ ở 6 thôn thuộc 5 xã, gồm Tam Anh Bắc, Tam Quang, Tam Sơn, Tam Trà, Tam Hòa xuất hiện dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò.
Tổng số trâu, bò mắc bệnh là 25 con, trong đó có 16 con được chữa khỏi triệu chứng lâm sàng, 9 con còn lại đang điều trị. Thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò ở Núi Thành tiếp tục diễn biến phức tạp.
Ông Đặng Văn Quang - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành cho biết, hiện nay công tác phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò gặp rất nhiều khó khăn.
Cùng một lúc, đơn vị phải thực hiện 3 nhiệm vụ chính trong thời gian có dịch viêm da nổi cục, đó là tổ chức tiêm phòng bắt buộc cho đàn gia súc đợt 1 năm 2024; tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 1 năm 2024 (từ 15/3 đến 14/4) và thực hiện phòng chống dịch viêm da nổi cục trên địa bàn 5 xã hiện nay.
Ông Quang chia sẻ thêm, hiện nay chỉ có 8/17 xã, thị trấn bố trí nhân viên thú ý xã đúng tiêu chuẩn, nhiệm vụ theo Quyết định số 2866/2022 của UBND tỉnh.
Còn lại 9 xã, gồm Tam Hải, Tam Quang, Tam Anh Bắc, Tam Xuân 1, Tam Giang, Tam Thạnh, Tam Trà, Tam Mỹ Đông, thị trấn Núi Thành chưa bố trí nhân viên thú y theo tiêu chuẩn, nhiệm vụ hoặc chưa bố trí nhân viên thú y xã.
Một hạn chế, khó khăn nữa là công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Núi Thành thời gian qua chưa được các cấp, ngành chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt là cấp xã, thị trấn nên việc tiêm ngừa dịch bệnh cho động vật nuôi hàng năm đạt tỷ lệ thấp và liên tục kéo dài trong nhiều năm, dẫn đến nguy cơ tái phát sinh dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
Cạnh đó, kinh phí dành cho công tác tiêm phòng đàn gia súc, gia cầm còn quá thấp, mỗi xã chỉ có từ 4 đến 6 triệu đồng/năm, trong khi đó, công tác phòng chống dịch lại phải chi cho rất nhiều khoản.
Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành đề nghị UBND huyện tăng kinh phí phòng chống dịch hằng năm cho mỗi xã từ 10 đến 15 triệu đồng; đồng thời đề nghị UBND huyện hỗ trợ kinh phí để mỗi xã trang bị 2 bình đựng vắc xin tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc.
Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, để phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm nói chung và bệnh viêm da nổi cục nói riêng, các ngành, địa phương cần chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ hơn trong thời gian đến.
Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi cần hiểu biết về tầm quan trọng của công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Phòng NN&PTNT, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện phát huy nội lực và các sở, ngành cấp tỉnh có những giải pháp cụ thể tháo gỡ những khó khăn trong công tác phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cho cơ sở.