Y tế

Thách thức đào tạo nhân lực y tế ở Quảng Nam

LÊ QUÂN 29/03/2024 09:06

Thiếu bác sĩ chuyên khoa lẫn nhân lực y tế các tuyến, khó thu hút và giữ chân bác sĩ về các huyện miền núi... là những khó khăn về nhân lực mà ngành y tế Quảng Nam đang đối mặt.

z5292994241773_b8720bfbd4743d574708455f03912dd8(1).jpg
Nhân lực y tế tại các huyện miền núi đang đối mặt với nhiều khó khăn Ảnh: H.A.

Thiếu nhân lực chuyên sâu

Mới đây, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, khóa tập huấn “Cập nhật các phương pháp kết hợp xương điều trị gãy xương đùi vùng mấu chuyển” thu hút gân 100 bác sĩ ở các bệnh viện trong khu vực tham gia.

Các chuyên gia đầu ngành về chấn thương chỉnh hình tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược Huế trực tiếp đào tạo. Đây cũng là cách Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam đang thực hiện để nâng cao trình độ cán bộ y tế tại đơn vị.

Thực hiện Nghị quyết số 01/2021 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho viên chức sự nghiệp y tế công lập tỉnh, giai đoạn 2017 - 2021, Quảng Nam phê duyệt 38 chuyên ngành, tương đương 38 người; tuy nhiên, kết quả thực hiện chỉ có 22 người được đào tạo, đạt 54% so với kế hoạch.

Để đảm bảo đến năm 2025, mỗi bệnh viện tuyến huyện đạt ít nhất 0,2 bác sĩ/giường bệnh thì tổng bác sĩ phải có là 346 (hiện có 328 bác sĩ), trừ số nghỉ hưu, số lượng bác sĩ cần tuyển dụng thêm ít nhất là 40 bác sĩ.

Các chuyên ngành bệnh viện tuyến huyện cần đảm bảo tối thiểu là 5 chuyên ngành nội, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm; các chuyên ngành cơ bản khác đang thiếu hoặc chưa có là bác sĩ chuyên khoa về hồi sức - cấp cứu, gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, dược sĩ lâm sàng…

Đại diện Sở Y tế cho biết, các đơn vị đang sắp xếp và tiếp tục cử viên chức tham gia đào tạo. Tuy nhiên, tại một số đơn vị, vì đang thiếu nhân lực thực hiện công tác chuyên môn, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ, do vậy không thể cử viên chức đi học.

Trong khi đó, so với kế hoạch Nghị quyết 01 đặt ra về danh mục đào tạo ê kíp, dù Nghị quyết phê duyệt 36 ê kíp/147 người nhưng chỉ có 29 ê kíp với 123 người đã được đào tạo. Lý do các cơ sở y tế đưa ra, do viên chức cử đi đào tạo đã nghỉ việc, chuyển công tác và các đơn vị hiện tại không có đủ nhân lực làm việc.

z5292992777278_f786f8fdbed950b2a148d87555948095(1).jpg
Nhân lực y tế tại các huyện miền núi đang đối mặt với nhiều khó khăn Ảnh: H.A

Trong khi đó, Nghị quyết số 11/2023 của HĐND tỉnh quy định hỗ trợ và mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, trong đó, kinh phí đào tạo đối với viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư (Đơn vị tự chủ Nhóm II) là do đơn vị tự đảm bảo từ các nguồn tài chính của mình.

Hiện ngành y tế có 9 đơn vị sự nghiệp thuộc nhóm II nên viên chức các đơn vị này không được hưởng chính sách theo nghị quyết từ nguồn ngân sách nhà nước.

Đại diện Sở Y tế nhìn nhận, nhân lực bác sĩ hiện có tại một số đơn vị còn thiếu, đặc biệt là tại các cơ sở y tế miền núi và các đơn vị đặc thù.

Khó thu hút bác sĩ về miền núi

Được biết, viên chức ngành y tế công tác tại các huyện miền núi, vùng đặc biệt khó khăn đang được hưởng chính sách theo Nghị định số 76/2019 và Nghị định số 56/2011 của Chính phủ. Tuy nhiên, mức hỗ trợ vẫn chưa đủ sức thu hút, giữ chân lâu dài đội ngũ bác sĩ.

z5292992761014_55dc7db3f31afa08ee42992e9556fb03(1).jpg
Nhân lực y tế tại các huyện miền núi đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Tại Trung tâm Y tế huyện Đông Giang, tình trạng y bác sĩ trực xuyên ca diễn ra thường xuyên do thiếu người tại các trạm y tế. Bác sĩ Lê Thị Quyết - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Giang cho biết, nhiều trạm y tế hiện nay gặp tình trạng nhân viên xin chuyển về xuôi, dẫn đến khoảng trống khá lớn đối với tuyến này.

Đơn cử, tại Trạm Y tế xã Ba, đảm nhận việc khám, chữa bệnh cho hơn 600 hộ dân thuộc 2 xã Ba và Tư của huyện Đông Giang nhưng chỉ có 6 biên chế. Đầu năm nay, 2 nhân viên xin chuyển công tác về xuôi nên trạm chỉ còn 4 người.

Đây cũng là khó khăn chung tại các trung tâm y tế ở các huyện miền núi khi số y bác sĩ đủ thâm niên công tác hoặc có cơ hội thì chuyển về xuôi, dẫn đến khoảng trống nhân lực khá lớn.

Chưa kể, nhiều địa phương vùng cao nhưng lại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 76/2019 nên không được hưởng chế độ, chính sách theo quy định.

Cạnh đó, phụ cấp thu hút theo quy định tại nghị định này chỉ áp dụng với thời gian thực tế làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn không quá 5 năm (60 tháng). Do vậy, khó giữ chân đội ngũ viên chức đã hết thời gian hưởng phụ cấp thu hút gặp khó khăn.

Đại diện Sở Y tế cho rằng, cần một chủ trương để Sở Y tế xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo kỹ thuật chuyên sâu, ê kíp cho viên chức sự nghiệp y tế công lập của tỉnh.

Cạnh đó, ngoài chính sách theo quy định của Chính phủ, tỉnh cần xây dựng chế độ chính sách thu hút cho đối tượng là bác sĩ về công tác tại tất cả cơ sở y tế (tuyến huyện, xã) thuộc các huyện miền núi, vùng đặc biệt khó khăn và các đơn vị đặc thù thuộc các chuyên ngành: lao phổi, da liễu, tâm thần, pháp y…

LÊ QUÂN