Đời sống

Gỡ điểm nghẽn cho nhà ở xã hội Quảng Nam

P.V 30/03/2024 16:11

Quảng Nam hiện vẫn chưa có dự án nhà ở xã hội nào hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Trong khi nhu cầu nhà ở của công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp ngày càng tăng. Nhận diện nguyên nhân dẫn đến thực trạng này để tìm cách tháo gỡ điểm nghẽn... là những phần việc không chỉ của địa phương.

nha-o-xa-hoi-quang-nam-2-.png

Quảng Nam hiện vẫn chưa có dự án nhà ở xã hội nào hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Trong khi nhu cầu nhà ở của công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp ngày càng tăng. Nhận diện nguyên nhân dẫn đến thực trạng này để tìm cách tháo gỡ điểm nghẽn... là những phần việc không chỉ của địa phương.

Giấc mơ an cư còn xa

Không nhiều trong số những người được hỏi, là công nhân ở các khu công nghiệp tự tin nói sẽ sớm được an cư. Dù chốn họ sống vẫn đang chỉ là vùng ven đô thị. Bởi giấc mơ nhà ở vời xa với số đông, trong khi các chính sách về nhà ở xã hội vẫn chưa là một cam kết chặt chẽ trong quá trình thu hút lao động.

Nắng nóng hầm hập bốc lên trong căn nhà trọ chừng mươi mét vuông ở không xa Khu công nghiệp Tam Thăng (Tam Kỳ). Bây giờ, mới chỉ giữa tháng Ba, chưa phải mùa nóng đỉnh điểm, song không gian chật hẹp của nhà trọ đã bức bối đến khó chịu.

z5282957656827_f8cf9d362d3a81f075b2c0b19343357c.jpg
Nhiều công nhân chấp nhận thuê trọ trong những dãy nhà ẩm thấp, chật chội. Ảnh: C.Q

Mồ hôi chảy thành dòng trên khuôn mặt anh Đinh Văn Giúp. Ngày nghỉ cuối tuần, anh tranh thủ nhặt nhạnh những thân tre, cành cây khô trong sân vườn chủ trọ để làm một mảnh vườn nhỏ, trồng thêm rau sạch cho hai đứa con. Hai đứa nhỏ quẩn quanh cha, đứa nào cũng đẫm mồ hôi vì nóng.

Anh Giúp là công nhân của Công ty Draexlmaier tại Khu công nghiệp Tam Thăng từ vài năm nay. Trước đó, anh từng làm công nhân của nhiều công ty, kể từ những ngày đầu khu công nghiệp này bắt đầu tuyển dụng. Quê tận Gia Lai, đời công nhân của anh gắn liền với những khu trọ. Lấy vợ, sinh lần lượt hai đứa con, thay đổi lớn nhất của cuộc sống hai vợ chồng anh Giúp là chuyển từ phòng trọ cũ sang một phòng trọ mới rộng hơn, với mức thuê 1,3 triệu đồng/tháng.

z5282957649766_b1795cf6f2f12f1a4dfb16e385223ba3.jpg
Công nhân rất cần những khu ký túc xá, nhà ở giá rẻ thay cho phải thuê trọ. Ảnh: C.Q

“Đã 8 năm làm việc ở nơi này, cuộc sống vẫn còn nhiều chật vật. Trước đây, hai vợ chồng tôi ở trong một phòng trọ nhỏ chỉ chưa tới 15m2, đồ đạc tối giản nhưng cũng chật chội, nóng bức. Hơn một năm nay thì chuyển trọ xuống đây, có rộng hơn đôi chút, tiền thuê trọ cũng tăng lên. Hai vợ chồng làm cùng công ty, lương tháng khoảng hơn mười triệu đồng, tiền nhà, tiền điện nước, ăn uống rồi lo cho con đi học cũng đã ngốn gần hết thu nhập. Không để dành được mấy đồng, nên cứ đắp đổi qua ngày”, anh Giúp tâm sự.

Vừa mới sấp ngửa bước qua đại dịch, cuộc sống của vợ chồng anh Giúp chỉ mới tạm ổn định. Anh nói, ước mơ lớn nhất là có được một chỗ ở vừa đủ tiện nghi, giá rẻ, sinh hoạt bớt vất vả và có điều kiện lo cho con cái. Nhiều lần anh cũng đã kiến nghị với công đoàn, “hỏi thăm” về việc liệu có chủ trương xây dựng nhà ở cho công nhân thuê, nhưng những kiến nghị chỉ mới dừng lại ở việc được công đoàn tiếp nhận và hứa sẽ có ý kiến lên cấp trên để xem xét. Phía trước, vẫn là những ngày dài sống gửi trong căn phòng trọ.

Công nhân khó tiếp cận chính sách vay ưu đãi

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri công nhân năm 2023, cử tri Huỳnh Phù Dung - Công ty Panko Tam Thăng cho rằng, chính sách cho người lao động vay vốn với lãi suất ưu đãi để mua nhà ở xã hội của Nhà nước (thông qua gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng) là rất nhân văn nhưng thực tế công nhân lao động khó tiếp cận vì nhiều thủ tục, điều kiện rườm rà.

“Khi vay vốn thì yêu cầu mục đích vay vốn là để mua nhà ở xã hội, nhưng tại Khu công nghiệp Tam Thăng hiện không có nhà ở xã hội nên không đáp ứng được. Điều kiện tiếp theo là dùng để xây nhà, sửa chữa nhà, mà phần lớn công nhân đang ở trọ thì làm sao có đất để xây nhà hay sửa chữa…”, chị Dung dẫn chứng. (H.B)

z5267447198610_0805a82d50d9f61e90ae4841e211c5a8.jpg
Công nhân các KCN hiện đang có nhu cầu nhà ở rất lớn. Ảnh: T.A

Nhận diện điểm nghẽn các dự án nhà ở xã hội

Vướng mắc kéo dài do thủ tục đất đai còn phức tạp, chồng chéo, khó thu hút vốn đầu tư... là những nguyên nhân tạo ra điểm nghẽn về chương trình nhà ở xã hội tại Quảng Nam.

Nhiều vướng mắc

Dù mục tiêu đặt ra tới năm 2025 đạt đến 14.700 căn hộ nhà ở xã hội, nhưng đến nay chỉ mới đưa vào sử dụng 200 căn (giai đoạn 1) của khu nhà ở công nhân Công ty Panko Tam Thăng (Tam Kỳ). Trong số này, chỉ có khoảng 70 căn có người ở. Số lượng công nhân ở mỗi phòng cũng chỉ đạt một nửa so với số người tối đa.

Nhiều công nhân cho rằng, dù có nhiều tiện ích, ưu đãi về chi phí với chỉ 80 nghìn đồng/tháng/người, gần khu công nghiệp, chợ… nhưng quy định chỉ cho phép nữ công nhân chưa có gia đình vào ở khiến nhiều gia đình công nhân không đủ điều kiện.

Ngoài dự án này, Quảng Nam còn 3 dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp đang triển khai nhưng đều gặp khó.

Ông Nguyễn Mận, 46 tuổi, trú xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn có đơn xin nhà ở xã hội gửi đến UBND tỉnh Quảng Nam vào năm 2022.

Thời điểm làm đơn, ông Mận là hộ cận nghèo và ở cùng mẹ già ngoài 80 tuổi trong căn nhà cấp 4 xuống cấp. Hơn 2 năm gửi đơn kèm hồ sơ liên quan, mong muốn được chính quyền hỗ trợ để tiếp cận nhà ở xã hội nhưng vì Quảng Nam chưa có dự án nào đưa vào sử dụng, nguyện vọng của ông không thể thực hiện được.

z5267291302790_e626e50740e33c507fa6f4275216d12e.jpg
Khu ký túc xá nhân viên Panko hiện mới chỉ có 1/3 số phòng có người ở. Ảnh: T.A

Trong khi đó, theo UBND thị xã Điện Bàn, dự án Khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp do Công ty TNHH Bất động sản Châu Âu làm chủ đầu tư, gồm 469 căn nhà ở chung cư và nhà ở liền kề, đang chậm tiến độ. Lý do, doanh nghiệp này gặp khó trong công tác bồi thường, hỗ trợ và giải phóng mặt bằng. Cạnh đó, người dân không đồng ý nhận tiền theo phương án phê duyệt.

Cũng tại địa phương này, dự án nhà ở cho người thu nhập thấp do Công ty CP Tư vấn đầu tư nông nghiệp nông thôn và dịch vụ thể thao du lịch STO làm chủ đầu tư, với 6 block chung cư 1.176 căn.
Sau 14 năm triển khai, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam xác định, dự án này có nhiều sai phạm về việc chuyển nhượng dự án, hợp đồng góp vốn không đúng quy định, có lô bán trùng lặp 2 - 3 người, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Đối với dự án nhà ở công nhân xã Tam Hiệp (Núi Thành) do Công ty CP Danatol làm chủ đầu tư, diện tích khoảng 1,3ha, quy mô giai đoạn 1 gồm 600 căn, dự kiến quý I/2021 đưa vào khai thác dự án, nhưng hiện vẫn vướng mắc.

Cụ thể, nhà đầu tư mong muốn tỉnh cho phép điều chỉnh tăng mật độ xây dựng lên 1,5 lần (tương ứng từ 5 tầng lên 7 tầng) để tăng hiệu quả kinh doanh và sẽ giảm giá thành căn hộ.

Tuy nhiên, tháng 8/2023, UBND tỉnh đã có văn bản phản hồi: “Tầng cao xây dựng tối đa tại các lô đất thuộc dự án Khu nhà ở công nhân do Công ty CP Danatol làm chủ đầu tư là 5 tầng, cho phép điều chỉnh tăng mật độ xây dựng lên 1,5 lần (nhưng phải phù hợp với mật độ xây dựng quy định đối với đơn vị ở tại khu vực này). Vì vậy, đề nghị của chủ đầu tư là chưa phù hợp với chỉ đạo của UBND tỉnh”.

Nguồn cung ít ỏi

Đại diện Công đoàn các Khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh cho biết, Quảng Nam hiện có hơn 90 nghìn công nhân, lao động. Trong đó, có khoảng 1/3 công nhân ở địa phương khác đến làm việc và có nhu cầu thuê, ở trọ. Đồng nghĩa với nhu cầu sở hữu nhà ở xã hội rất lớn. Tuy nhiên, hiện các khu công nghiệp (KCN) lớn chưa có quy hoạch quỹ đất dành làm nhà ở công nhân.

Chị Trương Thị Hoàng Linh - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Fashion Garments, KCN Tam Thăng cho biết, công ty hiện có khoảng 2.300 người lao động. Đa số công nhân vẫn đang thuê nhà hoặc ở trọ xung quanh KCN Tam Thăng. Nguyện vọng của người lao động là công đoàn và cơ quan chức năng sớm tháo gỡ vướng mắc, đôn đốc chương trình nhà ở xã hội để giúp người lao động bớt chật vật hơn.

z5267315448942_c8269363ac888ae3f3d9d208c200f380.jpg
Một dự án nhà ở dang dở tại Quảng Nam. Ảnh: T.A

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho rằng, chương trình nhà ở xã hội dành cho người nghèo, người thu nhập thấp là chủ trương lớn, nhưng kết quả tại Quảng Nam hiện chưa đạt như mong muốn. Theo ông, khó khăn do quy trình, thủ tục đất đai chồng chéo, một số nội dung quy định không phù hợp với thực tiễn chính là nguyên nhân đầu tiên.

Ngoài ra, nguồn lực để đầu tư còn nhiều khó khăn vì doanh nghiệp không mặn mà trong đầu tư các dự án nhà ở xã hội vì vốn đầu tư bỏ ra lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận không cao, thủ tục rườm rà. Vướng mắc thứ ba là điều kiện thu nhập của người lao động hiện nay vẫn chưa đủ để sở hữu nhà ở xã hội, dù cho mức giá nhà ở xã hội thấp hơn so với những nơi khác.

Tôi nghĩ rằng các cấp, các ngành cần triển khai thực hiện tốt Luật Đất đai sửa đổi. Trong đó, phải nghiên cứu kỹ phần nội dung quy định liên quan đến dự án nhà ở thu nhập thấp. Có như vậy, chúng ta mới gỡ được nút thắt, giúp người thu nhập thấp có được nơi ở ổn định. Bên cạnh kiến nghị những vấn đề còn bất cập với các bộ, ngành Trung ương, Quảng Nam cũng đã bước đầu tháo gỡ một số vướng mắc của các dự án nhà ở xã hội. Trong bối cảnh pháp luật hiện hành, Tỉnh ủy sẽ tập trung chỉ đạo chính quyền khắc phục hạn chế, cải thiện môi trường đầu tư và tháo gỡ điểm nghẽn bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện tốt hơn chương trình này trong thời gian đến. Dù là tổ chức, cá nhân hay doanh nghiệp nào cũng không được làm trái với quy định của pháp luật.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng

Hiện nay, đầu tư cho nhà ở xã hội tại Quảng Nam vẫn thực hiện chủ yếu từ vốn của doanh nghiệp nhưng cũng gặp khó. “Có nhiều doanh nghiệp mong muốn được xây dựng nhà ở xã hội, như Tập đoàn Thaco Trường Hải muốn được xây dựng dự án nhà ở xã hội để phục vụ cho công nhân Thaco, tuy nhiên, về thủ tục đất đai vẫn còn ràng buộc nhiều thứ nên chưa triển khai thực hiện được” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nêu thực trạng.

Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều quy định mới sát với thực tiễn. Đây sẽ là cơ sở để gỡ vướng và thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội vướng mắc nhiều năm qua tại Quảng Nam.

nha-o-xh-becamex-2.jpg
Becamex IDC thuận lợi trong thực hiện dự án nhà ở xã hội nhờ được chính quyền tỉnh Bình Dương ủng hộ. Ảnh: Becamex IDC

Gỡ khó từ chính sách

Để đạt mục tiêu 1 triệu căn hộ cho công nhân, người có thu nhập thấp trong giai đoạn 2021 - 2030 thì sẽ phải tìm cách tháo gỡ khó khăn, từ chính sách cho đến nguồn vốn, thủ tục đất đai...

Nhà đầu tư cần cơ chế “dễ thở” hơn

Ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup cho biết, Vinhome đã khởi công 4 dự án nhà ở xã hội, 10 nghìn căn hộ. Điều khó khăn trong thực tế là việc số lượng thủ tục pháp lý phải thực hiện nhiều hơn so với nhà ở thương mại. Từ phát sinh thêm thủ tục đối tượng mua cho đến giá bán, dẫn đến tổng thời gian hoàn thành thủ tục thường kéo dài đến 2 năm.

“Chính sách hỗ trợ đối với việc đầu tư xây dựng hạ tầng, hạng mục tiện ích đi kèm cùng căn hộ chưa rõ ràng nên nhà đầu tư không thực hiện vì làm thì tăng vốn đầu tư. Tôi đề nghị cắt giảm, tối ưu các thủ tục khi làm dự án và xem xét lại lãi suất vay cho dự án nhà ở xã hội” - ông Quang đề nghị.

nha-o-xh-becamex-3.jpg
Các dự án nhà ở xã hội cần bổ sung rõ ràng các hạng mục, hạ tầng thiết yếu như nhà ở thương mại. Ảnh: Becamex IDC

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Cường (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, rất khó khăn khi có dự án nhà ở xã hội đã đóng 20 đến 30 con dấu trong bộ hồ sơ nhưng vẫn không triển khai được.

Chưa kể, cùng với lợi nhuận bị khống chế ở mức 10%, suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà ở xã hội lại được quy định thấp hơn vốn đầu tư xây dựng công trình chung cư nhà ở thương mại khoảng 25%. Do đó, chủ đầu tư phải giảm chi phí tối đa để phù hợp với suất vốn đầu tư theo quy định.

Sửa các điểm chưa phù hợp trong chính sách

Đại diện Ngân hàng Công thương Việt Nam cho biết, việc cấp tín dụng, giải ngân vốn cho chủ đầu tư còn khó vì rào cản pháp lý trong thực hiện hồ sơ thủ tục của dự án. Và lợi nhuận định mức quy định chỉ 10% nên nhà đầu tư không thấy hấp dẫn. “Suất đầu tư cho nhà ở xã hội thấp hơn nhà ở thương mại nên Chính phủ cần xem xét lãi suất cho vay thấp hơn và nới lỏng điều kiện cho các đối tượng áp dụng của chính sách nhà ở xã hội” - bà Lê Như Hoa, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam nói.

TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng chính sách nhà ở xã hội hiện nay còn nhiều “lấn cấn” trong thực tiễn. Ông cho rằng các ngân hàng là đối tượng “chuyển tải” chính sách chứ không nên xem họ là đối tượng phải “chịu” chính sách.

Vì vậy, chính phủ nên cấp bù lãi suất cho ngân hàng để họ không phải chịu thiệt. Lúc đó mới khuyến khích các ngân hàng thương mại tham gia chính sách mạnh mẽ hơn hiện tại. “Nên đơn giản là quy định lãi suất thấp ở con số cụ thể và thời gian vay của doanh nghiệp, người thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội phải dài” – ông Nghĩa nêu quan điểm.

nha-o-xh-phu-cuong.jpg
Dự án Chung cư Bộ Công an được thiết kế theo phong cách hiện đại, có nhiều không gian sinh hoạt công cộng. Ảnh: P.C.G.

Để Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, phấn đấu hoàn thành 130 ngàn căn nhà ở xã hội trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền. Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án nhà ở xã hội để tiết kiệm thời gian, khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua với thời gian 10 - 15 năm và lãi suất thấp hơn từ 3 - 5% so với cho vay thương mại. Nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120 ngàn tỷ đồng phù hợp. Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Quỹ Nhà ở xã hội để khuyến khích nhiều doanh nghiệp làm dự án nhà ở xã hội…

Thời gian tới, định hướng phát triển nhà ở xã hội của Quảng Nam sẽ tính toán bố trí quỹ đất và đề xuất danh mục thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp; dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị có nhà ở (ngoài quy định dành quỹ đất nhà ở xã hội theo quy định pháp luật; UBND tỉnh đã mở rộng thêm việc yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị tại các đô thị loại IV, loại V và cả khu vực được quy hoạch lên đô thị loại V vẫn phải dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, quy định tại Quyết định số 2299/QĐ-UBND ngày 11/8/2021 của UBND tỉnh. (L.Q)

Với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu cần đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn chủ đầu tư khác thực hiện.

ch1.jpg
Đà Nẵng kết hợp nhiều nguồn lực để thực hiện chương trình nhà ở xã hội. Ảnh: V.L

Giải quyết nhà ở xã hội - nhìn từ Đà Nẵng

Gần 20 năm qua, TP.Đà Nẵng đã giải quyết cho hàng chục nghìn đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được thuê, cấp nhà ở. Đây là địa phương đi đầu cả nước về triển khai thực hiện tốt chương trình nhà ở xã hội.

Đại diện Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho biết, năm 2023, sở này chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện xây dựng phương án xét duyệt, bố trí thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước đối với hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Kết quả, có 137 hộ đảm bảo tiêu chí, hội đồng xét duyệt đã bố trí 44 căn hộ (đáp ứng gần 30% nhu cầu). Đối với hộ nghèo có tên trong danh sách được địa phương công nhận, tại địa phương theo quy định sẽ được cho thuê.

Kết hợp nhiều nguồn lực

Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, Đà Nẵng được Chính phủ giao chỉ tiêu hoàn thành 12.800 căn hộ trong giai đoạn 2021-2030 (gồm 6.400 căn hộ trong giai đoạn 2021-2025 và 6.400 căn hộ trong giai đoạn 2026-2030). Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, việc kêu gọi xã hội hóa được địa phương này đẩy mạnh.

ch.jpg
Đà Nẵng là địa phương đi đầu thực hiện chương trình nhà ở xã hội trong cả nước. Ảnh: V.L

Thống kê cho thấy, từ năm 2009, Đà Nẵng đã triển khai 9 dự án với 7.511 căn hộ (đã hoàn thành 4.634 căn hộ, đang xây dựng 2.877 căn hộ) từ nguồn ngân sách ngoài nhà nước.

Ông Trần Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội, trong những năm đến, Đà Nẵng sẽ tập trung hoàn thành dự án chung cư nhà ở xã hội cho người có công với cách mạng tại đường Vũ Mộng Nguyên (hơn 200 căn hộ), chuyển đổi công năng 2 khu ký túc xá sinh viên sang nhà ở xã hội (hơn 600 căn hộ), triển khai Đề án bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước đang bố trí thuê (hơn 1.700 căn hộ).

Đà Nẵng tính toán di dời, giải tỏa 11 khu tập thể và 3 khu chung cư xuống cấp, đồng thời tập trung thu hồi nhà ở đối với các trường hợp không đảm bảo điều kiện thuê hoặc vi phạm quy chế quản lý sử dụng. Đà Nẵng đang đôn đốc hoàn thành 4 dự án nhà ở xã hội (hơn 2.500 căn hộ), tổ chức kêu gọi đầu tư mới 3 dự án từ nguồn vốn ngoài ngân sách để bán, cho thuê đối với các đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội theo quy định.

Báo cáo với Đoàn giám sát chuyên đề Ủy ban Pháp luật Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, vận hành, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và phát triển nhà ở xã hội, đại diện TP.Đà Nẵng cho biết vẫn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan. Theo đó, quy định bắt buộc bố trí quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội tại dự án nhà ở thương mại, khu đô thị còn mang tính cứng nhắc, chưa phù hợp với quy mô, tính chất từng dự án nhà ở thương mại, khu đô thị. Cạnh đó, các chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án ngoài ngân sách nhà nước chưa đủ hấp dẫn, thiếu thực chất, chưa khuyến khích nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm tham gia đầu tư nhà ở xã hội. (L.Q)

Nội dung: THÀNH CÔNG - HỒ QUÂN - TRƯỜNG AN - HOÀNG ĐẠO - VĨNH LỘC

Trình bày: MINH TẠO

P.V