Tác phẩm, tác giả

Người "đa mang mắc nợ với thơ..."

BẢO ANH 31/03/2024 08:47

Tựa vào ký ức, sống trọn vẹn với những kỷ niệm cũ xưa ngọt ngào - nhà thơ Phạm Phú Hưng có một hành trình thơ đầy duyên nợ cho riêng mình. Dù rằng ngoài 50 tuổi, anh mới khởi sự làm thơ...

1.-nha-tho-pham-phu-hung.jpg
Nhà thơ Phạm Phú Hưng. Ảnh: BẢO ANH

Duyên nợ cùng thơ

Từng tập tành làm thơ, từng soạn đôi ba bài vè khi làm việc ở Ban Tuyên huấn khu ủy Khu V những năm 1968-1971; từng ước mơ viết được đôi câu đúng nghĩa là thơ như những người anh, người đồng đội Thu Bồn, Bùi Minh Quốc... Nhưng rồi mãi đến những năm đầu thế kỷ 21, khi đã bước qua tuổi 53, Phạm Phú Hưng mới chính thức khởi sự làm thơ.

Anh bảo, dường như thơ không hề có ý “chọn” anh mà do anh “đa mang” tìm đến với thơ. Có lẽ để tâm sự, giãi bày lòng mình: “Kiếp tằm nên hắn vương tơ/ Đa mang mắc nợ với thơ nặng tình” (Chân dung tự họa).

Năm 1964, khi vừa bước vào tuổi 17, chàng trai mới lớn của làng quê Kim Đới (Tam Thăng, Tam Kỳ) giác ngộ cách mạng và xung phong đi bộ đội. Vào chiến trường, Phạm Phú Hưng được cử đi học lớp đào tạo y tá ngắn hạn.

Nhà thơ Phạm Phú Hưng sinh năm 1947 tại làng Kim Đới, xã Tam Thăng, Tam Kỳ; hiện sinh sống tại xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành. Anh được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh Quảng Nam năm 2000 và đến nay đã xuất bản được 5 tập thơ riêng; có hàng chục bài thơ được giới thiệu trên các báo, tạp chí và được chọn in trong một số tập thơ in chung trong và ngoài tỉnh. Nhà thơ Phạm Phú Hưng được Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp VHNT Việt Nam năm 2023.

Trong một trận đánh lớn ở Quảng Ngãi, anh bị thương, được đưa về tuyến sau điều trị. Khi sức khỏe ổn định, anh quay lại chiến trường, công tác tại bộ phận điện ảnh của Ban Tuyên huấn và sau đó chuyển sang làm việc tại Ban Giao vận Khu V.

Sau ngày đất nước thống nhất, anh được phân công làm việc trong ngành giao thông vận tải của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, đến năm 1981 thì nghỉ mất sức.

Trong gia tài thơ trên dưới 200 bài của mình, “Nhớ nửa vầng trăng” có “câu chuyện” và “số phận” đặc biệt. Bài thơ chỉ gồm 20 câu, được anh viết và công bố năm 2000. Từ đó đến nay, hầu như năm nào anh cũng đem ra đọc lại và... sửa ít nhất một lần. Càng sửa, những câu thơ trong bài càng da diết: “Góc Trường Sơn nơi ấy - chỗ em nằm/ Nửa vầng trăng em đêm nào cũng khuyết/ Còn nửa trong anh soi tìm ký ức/ Cõi vĩnh hằng nơi đó có trăng không?”.

Vì sao phải sửa nhiều đến vậy? Nhà thơ Phạm Phú Hưng cho biết: “Đây là bài thơ tôi viết cho mối tình đầu. Cảm xúc về chuyện cũ, người cũ thì lúc nào cũng đầy ắp, nhưng ngôn từ thì đôi khi chưa nói hết được nỗi lòng của mình, vậy là phải sửa. Đó cũng là một cách để tôi được sống trọn vẹn hơn với kỷ niệm máu thịt của riêng mình...”.

Chuyện là, năm 1969, người yêu của nhà thơ Phạm Phú Hưng, một nữ giao liên, được đơn vị phân công đi cõng gạo. Khi bơi qua suối Nước Bui (Trà My), cô ấy chẳng may bị lũ về bất ngờ, cuốn trôi. Anh và đồng đội đã tìm xác rồi an táng cô bên gốc một cây gạo cạnh bờ suối.

Năm 1977, anh trở lại chốn cũ để tìm đưa hài cốt người yêu về quê, thì hỡi ôi, bờ suối cũ đã bị xói lở, cây gạo và nấm mộ không còn nữa... Từng câu thơ bật ra nhói buốt trong anh. “Hình hài em đâu? Anh thắc thỏm đi tìm/ Rừng lau lách cứa vào lòng rỉ máu/ Xưa em nằm dưới chân là con suối/ Cây gạo đâu rồi, vắng cánh hoa rơi!”.

Mãi mãi không thể nào tìm lại được hình hài - dẫu chỉ là trong một nắm đất nhỏ, thơ lại cất lên trong lòng người thơ, nhớ nhung, hao khuyết, rưng rưng... “Em nằm lại nơi chiến trường chống Mỹ/ Trăng trong anh chẳng có một đêm rằm”.

Phạm Phú Hưng bền bỉ thể nghiệm cảm xúc của mình ở nhiều thể thơ. Sau hành trình thơ dài hơn 20 năm, nhà thơ Phạm Phú Hưng đã có được 5 tập thơ cho riêng mình. Anh tâm sự: “Nghiệm lại, thấy đúng là việc làm thơ của tôi không hề muộn. Bây giờ tôi vẫn tiếp tục làm thơ, hăm hở y như những ngày đầu...”.

Nương câu thơ tìm về ký ức

Trong mắt nhiều người, Phạm Phú Hưng là một người làm thơ hiền lành, thật thà. Và thơ anh cũng vậy, hiền, mộc mạc, ít có đột phá về thi pháp. Nhưng bù lại, thơ anh có một dáng vẻ riêng: giọng điệu nhất quán, cảm xúc tinh khôi, dễ cảm, giàu sẻ chia...

4.-nha-tho-pham-phu-hung.jpg
Một số tác phẩm của nhà thơ Phạm Phú Hưng. Ảnh: BẢO ANH

Em và tôi sinh bên dòng sông quê cát/ Tiếng sóng thì thầm cùng mẹ hát lời ru/ Trường Giang nâng giọng hò khoan trong vắt/ Đất Quảng Nam say đắm rượu Hồng Đào” (Chuyện tình bên dòng Trường Giang).

Phần lớn thơ của Phạm Phú Hưng viết về ký ức, tìm về ký ức. Anh có nhiều bài thơ đầy tự hào về một thời tuổi trẻ hy sinh, cống hiến: “Tổ quốc trên vai những giờ ra trận/ Giằng với kẻ thù giữ lấy sắc xuân” (Tổ quốc).

Anh cũng có nhiều bài thơ đầy thao thức, đau đáu một thời kháng chiến nhiều gian khổ, mất mát, hy sinh nhưng tràn đầy niềm tin: “Đêm Trường Sơn mắc võng giữa rừng già/ Có đứa nhớ quê khóc thầm thút thít/ Có mối tình nở hoa khắng khít/ Hạnh phúc bất ngờ như suối reo ca” (Ngày ấy bây giờ).

Anh dành nhiều nhớ nghĩ, yêu thương về đồng đội, về những mất mát, rồi tự mình làm nên những cuộc “tìm về”: “Lặn lội tìm nỗi nhớ thuở xa xăm/ Đêm Chồi Sũng vầng trăng ướt đẫm/ Dòng ký ức hiện về sâu thẳm/ Đồng đội ngày xưa nằm lại chốn này” (Vùng ký ức).

Một mảng đề tài khác cũng rất đậm nét trong thơ Phạm Phú Hưng, là tình yêu quê hương - nơi mà trong anh “ký ức hóa tâm hồn”: “Sông mấy nhánh đời rẽ chia trăm ngả/ Chân lội bao miền thương đất mẹ Quảng Nam/ Cháy bỏng trong tôi nghe lòng hối hả/ Chuyện lưới câu ký ức hóa tâm hồn” (Ký ức Thu Bồn).

Anh gọi tên nỗi nhớ, tình yêu và niềm tự hào về quê hương, xứ sở bằng những câu thơ dung dị, chất phác, gắn với những hình ảnh, tên đất, tên làng gần gũi, thân quen. “...Nhớ hoài rừng móc Thăng Tân/ Hoa sim nở tím bước chân bồi hồi/ Thương về Kim Đới tôi ơi/ Chôn nhau cắt rốn cũng nơi chốn này” (Về lại Tam Thăng).

Đặc biệt, anh dành nhiều yêu thương, nhớ nhung sông Trường Giang - con sông của quê anh, nơi tâm hồn anh được đắp bồi, nơi anh được nuôi lớn nên người: “Chốn này anh với Trường Giang/ Thương câu hố hợi... hò khoan... quê nhà/ Chừng như mấy chục xuân qua/ Câu hát cũ, khúc dân ca trẻ hoài” (Khúc dân ca); nơi anh đã có một thời tuổi thơ ngụp lặn, nô đùa: “Đò xưa bến cũ đâu rồi/ Trường Giang cất giữ một thời tuổi thơ” (Nói với dòng sông)...

Nhà thơ Phạm Phú Hưng chia sẻ: “Khi bước qua tuổi 50 và nhất là những năm sau này, tôi hay nhớ nghĩ về những kỷ niệm cũ. Thơ tôi được sinh thành từ đó. Và cũng nhờ có thơ mà tôi tìm về được với những kỷ niệm tưởng chừng như đã bị vùi lấp, lãng quên...”.

Bây giờ, khi đã 77 tuổi, anh vẫn không thôi tìm về ký ức. Sống cùng vợ chồng người con trai út trong ngôi nhà khang trang ở Núi Thành, nhưng mọi sinh hoạt của anh chủ yếu lại diễn ra trong căn chòi lá được dựng lên trên khoảnh đất phía sau nhà. Đó là khoảng trời riêng, nơi anh trồng rau, nuôi cá vui vầy cùng cỏ cây - nơi anh nhớ cũ tìm xưa, đọc sách và lặng lẽ làm thơ...

BẢO ANH