Phố có căn tính
Một vùng cây di sản vừa trở thành niềm tự hào của người xứ Tam Kỳ. Ngày đi tới “đô thị sinh thái” có lẽ còn xa, nhưng một vùng xanh đặc biệt, có lẽ sẽ góp phần làm nên căn tính cho phố...
Một người dành quãng đời của mình rong ruổi ở rất nhiều quốc gia, khi được hỏi về những con phố thời AI - liệu có thể đủ sức để tải hết phần hồn phố thị hiện tại, ông nói: “Phố cần phải có căn tính của phố. Nhắc đến Paris phải có cái lãng đãng tình tứ của những cặp tình nhân đắm say trong tình yêu.
Nhắc đến Lisbon, phải gợi đến sự tò mò của tinh thần khám phá thế giới của những nhà thực dân Bồ Đào Nha nhiều thế kỷ trước... Đô thị phải mang hồn vía, cốt cách của riêng mình”.
Và đó không phải một nhận định mới. Con phố có bản sắc, cũng như cá tính đặc biệt được nhận diện cho một người trưởng thành. Vậy định danh của đô thị Tam Kỳ là gì? Trung điểm trên đường thiên lý? Phố ngã ba sông?
Sự phát triển của làng sinh thái Hương Trà cùng việc nhận diện để hình thành khu bảo tồn đất ngập nước Sông Đầm, may thay, đang dần định hình về một đô thị sinh thái cho Tam Kỳ. Có lẽ, bước đầu tiên hướng đến danh xưng này, với người Tam Kỳ, là trồng cây, giữ cây, giữ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất mình.
Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ nói, ngoài sự phân bố của quần thể cây giáng hương Ấn ở làng Hương Trà - với 9 cây được công nhận cây di sản đợt này, thì Tam Kỳ hướng đến xây dựng đô thị sinh thái theo hướng quy hoạch và thiết kế để có sự hài hòa giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên.
Ở góc nhìn từ “tư duy sinh thái”, các chuyên gia đô thị nhận diện được những tài nguyên dồi dào, đủ để Quảng Nam và riêng Tam Kỳ đi theo hướng đô thị sinh thái.
Ngay từ những năm 2010, ông Nguyễn Minh Nam nói, TP.Tam Kỳ đã chủ trương bảo tồn loài cây gắn với lịch sử giữ đất giữ làng, đồng thời nhân giống phát triển thành cây đô thị chủ yếu của Tam Kỳ. Định danh “thành phố hoa sưa vàng” cũng bắt đầu từ đây.
Gần 14 năm, TP.Tam Kỳ đã trồng và bảo tồn được hơn 2.000 cây sưa hoa vàng, chiếm hơn 10% trong tổng số cây xanh trên địa bàn. Và một con số đáng chú ý khác, chỉ giai đoạn 2020 - 2023, Tam Kỳ đã bố trí hơn 24 tỷ đồng từ ngân sách cho công tác trồng cây xanh.
Các chuyên gia đô thị ví von, sức khỏe của các đô thị trong mấy thập niên tới, phụ thuộc vào những gì con người gieo trồng trong hiện tại. Trồng cây, là nhiệm vụ dài hơn một đời người. Giữ những gốc cây, cũng là giữ lấy không gian sinh tồn, không chỉ cho một thế hệ.
Chưa đủ dày dặn để nói căn tính của Tam Kỳ là phố xanh. Nhưng chắc chắn, trên những con phố dọc trục thiên lý Bắc - Nam, đô thị trẻ Tam Kỳ đang từng ngày được đọc vị là “đô thị sinh thái”.