Dấu xưa Tỉnh ủy...
Vùng đất Điện Bàn từng 3 lần được Tỉnh ủy Quảng Nam lựa chọn để đứng chân, xây dựng căn cứ chỉ đạo, chuẩn bị lực lượng cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Ngày 28/3/1930, tại Cây Thông Một - nay thuộc khối phố Tân Thanh, phường Tân An, TP.Hội An, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam thành lập. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa lớn, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của phong trào cách mạng tỉnh nhà.
Hội nghị Tỉnh ủy đầu tiên
Sau khi thành lập, Cơ quan Tỉnh ủy chọn đứng chân tại Hội An để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức huấn luyện và vận động quần chúng cũng như xây dựng, củng cố các tổ chức Đảng.
Trong lúc phong trào cách mạng đang phát triển, mật thám Pháp phát hiện nơi đóng cơ quan Tỉnh ủy và tổ chức vây ráp, tịch thu tài liệu, lùng bắt cán bộ, đảng viên hết sức gắt gao.
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy quyết định chuyển cơ quan về làng Bất Nhị (nay thuộc xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn). Đây được nhận định là nơi có phong trào cách mạng phát triển sớm. Ngày 5/4/1930, Chi bộ Bất Nhị - Chi bộ Đảng đầu tiên phủ Điện Bàn, do đồng chí Nguyễn Thành làm Bí thư thành lập.
Sau khi chuyển cơ quan về làng Bất Nhị, tháng 8/1930, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị nhằm đánh giá lại tình hình và bàn nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển phong trào cách mạng ra vùng nông thôn, đồng bằng.
Sau hội nghị, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bên cạnh báo “Bẻ xiềng” của Xứ ủy Trung Kỳ được bí mật lưu hành, Tỉnh ủy cho in và phát hành báo “Lưỡi cày” do đồng chí Trần Đại Quả chủ trì việc biên tập và ấn loát.
Nội dung của báo có tác dụng giáo dục quần chúng ý thức chống thực dân Pháp, chống bọn phong kiến tay sai và nắm bắt những chủ trương của Đảng.
Tại đình làng Dưỡng Mông, xã Quế Xuân 1, cuối tháng 4/1945, Tỉnh ủy liên lạc được với Trung ương Đảng và nhận được một số tài liệu của Trung ương đưa vào.
Quan trọng nhất là bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra ngày 12/3/1945.
Nhờ những tài liệu đó, Tỉnh ủy Quảng Nam kịp thời nắm bắt diễn biến tình hình thế giới, trong nước và những chỉ đạo của Trung ương để đề ra chủ trương đấu tranh thích hợp.
Tình hình chuyển biến nhanh chóng, ngay trong tháng 5/1945, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng trên chiếc thuyền tại bến đò Ông Đốc (nay thuộc thôn Vân Ly, xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn) - khu vực giáp ranh với huyện Đại Lộc.
Sau hội nghị này, để nhanh chóng phát triển lực lượng và các hoạt động chuẩn bị khởi nghĩa, cơ quan Tỉnh ủy chuyển về đứng chân tại Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành).
Phát động khởi nghĩa
Những ngày đầu tháng 8/1945 bộ máy thống trị tay sai của Nhật từ phủ, huyện, đến cơ sở đã bị tê liệt, quần chúng được tập hợp dưới ngọn cờ hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh, sẵn sàng hưởng ứng khởi nghĩa.
Trước Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Tỉnh ủy chuyển trọng tâm sang bàn chủ trương khởi nghĩa và đi đến quyết định: Phát động toàn dân trong tỉnh nổi dậy giành chính quyền.
Hội nghị nhanh chóng kết thúc. Chiều ngày 14/8/1945, các đồng chí trong Ủy ban bạo động giành chính quyền tỉnh nhanh chóng về các địa phương triển khai kế hoạch khởi nghĩa.
Ngay tối ngày 14/8/1945 cơ quan Thường trực Tỉnh ủy chuyển từ khu vực Bà Rén ra làng Bích Trâm (nay thuộc xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn) để kịp thời chỉ đạo khởi nghĩa.
Lý do lựa chọn ngôi làng này, theo nhận định của các đồng chí trong Tỉnh ủy “làng Bích Trâm cận kề với làng Hà Thanh và La Thọ, nằm giữa đường tàu hỏa và quốc lộ 1A, cách đường xe lửa chừng 0,5km và quốc lộ 1A khoảng 2km; cách Vĩnh Điện 6km.
Hà Thanh - Bích Trâm tiếp giáp với huyện Hòa Vang (Đà Nẵng). Nơi đây quần chúng tốt, có tổ chức đảng từ năm 1930. La Thọ từng là nơi đặt trụ sở của Xứ ủy Trung Kỳ thời kỳ đồng chí Lê Chưởng làm Bí thư Xứ ủy.
Đặt trụ sở ở Bích Trâm, cơ quan lãnh đạo khởi nghĩa của tỉnh vừa thuận tiện trong việc chỉ đạo, nắm tình hình, vừa tương đối an toàn”.
Trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa, nhà ông Tú Vân sôi nổi, nhộn nhịp. Tại đây, liên lạc viên các phủ - huyện dồn dập đến đưa tin và nhận chỉ thị. Ở các gia đình chung quanh, có người lo đánh máy chữ, in truyền đơn, may cờ, in biểu ngữ để kịp phân phát cho nhân dân.
Và cũng tại nhà ông Tú Vân, Thường trực Ủy ban bạo động giành chính quyền tỉnh đã có một quyết định cũng rất quan trọng, có quan hệ mật thiết với thắng lợi nhanh chóng của cuộc khởi nghĩa.
Sáng ngày 18/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Hội An giành thắng lợi.
Quảng Nam trở thành một trong những tỉnh thành trong cả nước khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất. Đây trở thành dấu son trong lịch sử đấu tranh cách mạng tỉnh Quảng Nam.
Đặc biệt, sự nhạy bén, linh hoạt và vô cùng sáng tạo của Thường trực Ban bạo động tỉnh tại Bích Trâm có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám tại Quảng Nam.