Quy hoạch - Đầu tư

Thị trấn trên đường Trường Sơn

ALĂNG NGƯỚC 31/03/2024 10:52

Prao, Thạnh Mỹ, Khâm Đức… những thị trấn nằm doc theo tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, cũng là những nơi chốn được xem như không gian mở đầu cho hành trình đô thị ở núi.

5243a35de74f35116c5e.jpg
Một góc thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn). Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Cởi bỏ chiếc áo cũ chật chội, vóc dáng mới ở những “điểm dừng chân” này đang được nhiều du khách quan tâm, tìm về.

Dưới mái nhà Bh’noong

Phước Sơn đang định hình nên không gian thị trấn Khâm Đức bằng vóc dáng của một đô thị trẻ đầy tiềm năng phát triển về kinh tế, văn hóa và du lịch. Sự mở rộng về quy mô dần hiện rõ theo từng giai đoạn phát triển của địa phương, cụ thể là cả 2 hướng sân bay Khâm Đức và hồ Mùa Thu.

Ông Đỗ Hoài Xoan - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho hay, ngoài mở rộng không gian hành chính ngay Khâm Đức, mục tiêu đến năm 2030, địa phương sẽ hình thành 2 đô thị.

Điều này cũng góp phần tạo đầu mối kết nối giao thương giữa địa phương với các huyện vùng Tây lân cận và các tỉnh Tây Nguyên... Khâm Đức thành đô thị loại 4 và xã Phước Hiệp thành đô thị loại 5 chính là mong mỏi của người dân miền núi trong quy hoạch phát triển giai đoạn mới.

“Trước đây do vướng mắc nhiều công trình, đặc biệt là di tích lịch sử sân bay Khâm Đức nên việc mở rộng diện tích quy hoạch phát triển đô thị gặp rất nhiều khó khăn.

Từ nhu cầu phát triển của địa phương, qua đánh giá tiềm năng và lợi thế, những năm qua, bên cạnh đầu tư phát triển hạ tầng, chúng tôi nỗ lực mở rộng quy mô đô thị, nhất là không gian thị trấn Khâm Đức về hướng Đông Bắc của huyện, từng bước “nới rộng” không gian cũ, hướng đến hình thành đô thị trung tâm theo trục đường Hồ Chí Minh” - ông Xoan nói.

5eb4fb3fbd5612084b47.jpg
Vượt qua khó khăn, thị trấn Prao (Đông Giang) dần tạo nên hình dáng đô thị phát triển. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Năm 2023, Khâm Đức được chọn đăng cai tổ chức Ngày hội văn hóa - thể thao và du lịch các huyện miền núi Quảng Nam lần thứ 20. Trong câu chuyện bên lề, nhiều người cho rằng, đây chính là sự kiện Phước Sơn đang “thử nghiệm” vận hành không gian đô thị mới, sau thời gian mở rộng đầu tư.

Sân bay Khâm Đức được cải tạo thành sân vận động trung tâm có quy mô bậc nhất vùng Trường Sơn Đông. Hồ Mùa Thu với không gian làng truyền thống mang nét cổ xưa thuần túy, cùng cách bố trí, sắp xếp dân cư hợp lý theo dòng chảy hiện đại.

Rất nhiều hoạt động văn hóa diễn ra xuyên suốt ngày hội. Khu bảo tồn văn hóa Bh’noong trở thành điểm đến lý tưởng của đông đảo du khách cũng như người dân bản địa. Dưới mái nhà làng, những vỉa tầng văn hóa được khéo léo chọn lọc, trưng bày, tạo ấn tượng khó quên cho người thưởng lãm.

Dáng đứng giữa đại ngàn

Hôm nọ, chúng tôi dừng chân ở Prao - thị trấn “cây chò” của đồng bào Cơ Tu huyện Đông Giang. Sau nhiều năm loay hoay với bài toán nâng cấp, cuối năm 2023, địa phương quyết tâm mở rộng diện tích, tạo không gian mở, từ điểm nhìn về quy hoạch, bố trí dân cư.

Những ngọn đồi phía taluy dương dọc tuyến quốc lộ 14G được san ủi và một quỹ đất mới đầy tiềm năng cho diện mạo đô thị tương lai.
Trước đó, Đông Giang cũng mở rộng các tuyến đường về hướng nam, dọc theo bờ sông A Vương. Nhiều hạng mục công trình được đầu tư, nâng cấp, góp thêm vào diện mạo mới mang vóc dáng của thị trấn.

977a9497.jpg
Trên hành trình phát triển, Phước Sơn chọn điểm nhìn văn hóa để níu chân du khách ở lại Khâm Đức. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Tuy nhiên, so với tiêu chí đô thị loại 5, Prao vẫn còn là thị trấn “nghèo nàn” cả về cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, mật độ dân số, cũng như hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan đô thị…

Ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang cho biết, địa phương đang tập trung giải quyết những khó khăn liên quan đến việc hoàn thiện các tiêu chí theo quy định của đô thị loại 5 đối với thị trấn Prao.

Bên cạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, thu hút đầu tư phát triển dịch vụ - du lịch, địa phương ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông, điện chiếu sáng, mật độ cây xanh đô thị…

Đồng thời Đông Giang tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng (1/5.000), từng bước chỉnh trang đô thị Prao phù hợp theo định hướng phát triển đô thị loại 5 thời gian tới.

Ở ngọn núi phía tây của tỉnh, nơi có đường Hồ Chí Minh đi qua, những thị trấn lâu đời của đồng bào Cơ Tu, Bh’noong, Ve, Tà Riềng ngày càng hiện hữu cùng tiến trình phát triển chung của tỉnh.
Một Prao đang “lột xác” với những dự án quy hoạch đô thị thông minh; Khâm Đức gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cho đến Thạnh Mỹ (Nam Giang) định hướng tập trung phát triển hạ tầng thương mại…

Những thị trấn trên đường Trường Sơn huyền thoại cùng sự đổi thay nhưng vẫn nương theo bản sắc của mình, đang được kỳ vọng sẽ làm nên thành công cho chiến lược “đô thị ấm no” ở miền núi...

ALĂNG NGƯỚC