Sóng gió xa bờ!
Tôi đọc bản tin về trường hợp một ngư dân nghề câu mực khơi ở Thăng Bình “tự bơi” 38 tiếng đồng hồ giữa biển lạnh để giành lại sự sống mà thương cảm, rồi chợt rùng mình về những mối hiểm nguy khôn lường của nghề khai thác xa bờ.
Ngồi đối diện tôi là một ngư dân mặt mũi non choẹt, sinh năm 1998, vóc dáng mảnh khảnh như một cậu học trò. Thế nhưng em kể về sự cố chìm thúng chai trong lúc câu mực và quá trình đối mặt với sóng gió suốt 38 tiếng đồng hồ mà không lộ vẻ sợ hãi.
Chỉ một chút buồn, thất vọng thoáng qua khi em kể đến khoảnh khắc mình bơi lại gần một chiếc tàu nào đó mà không được ứng cứu.
Và tổng cộng đã có 11 lần như vậy, “nó đã làm em kiệt sức và muốn thả mình trôi dạt”. Nhưng hành trình trôi dạt lạnh lẽo của em đã có đoạn kết thật ấm áp: một chiếc tàu câu cá ngừ đại dương đã tìm thấy và vớt em lên rồi nỗ lực sơ cứu trong trạng thái gần như đã chết lâm sàng.
Nghề câu mực khơi luôn đối diện với hiểm nguy bởi phương thức khai thác theo kiểu đơn độc trên một chiếc thúng giữa trùng trùng biển khơi. Đây là nghề thế mạnh của Quảng Nam về khai thác xa bờ, nhưng hiệu quả kinh tế vẫn còn bấp bênh.
Tuy nhiên, câu mực khơi được xem là nghề truyền thống, tại xã Tam Giang, Tam Quang, Tam Hải (Núi Thành) và Bình Minh (Thăng Bình) tập trung rất nhiều phương tiện, gắn bó với nghề này hàng chục năm nay.
Dù có năm được năm mất, sản phẩm phụ thuộc chủ yếu vào thị trường xuất khẩu, nguồn lợi đang trên đà cạn kiệt..., nhưng không nhiều ngư dân chuyển đổi sang nghề khác, bởi không dễ tìm được nghề nào cho hiệu quả kinh tế ổn định ở ngư trường khơi. Vì vậy, dù phải đối diện với những mối nguy khôn lường nhưng ngư dân câu mực khơi vẫn bám nghề.
Câu chuyện loay hoay chuyển đổi nghề để khai thác ở ngư trường xa bờ khiến việc triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân kém hiệu quả. Điển hình là chính sách hỗ trợ vốn vay để ngư dân đóng tàu công suất lớn, mà gần đây là đóng tàu vỏ thép, không đạt hiệu quả như mong muốn.
Nguyên nhân chính là nhiều ngư dân chưa tìm thấy nghề phù hợp và phương án vận hành hiệu quả với loại tàu vỏ thép vốn rất nặng nề, thiếu linh hoạt và chi phí bảo dưỡng lớn.
Trên địa bàn tỉnh, nhiều tàu vỏ thép đưa vào sử dụng chưa lâu đã phải nằm bờ, chủ tàu không kham nổi khoản trả nợ ngân hàng định kỳ.
Đến nay thì nhiều tàu đã được thanh lý, trong đó một ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã thanh lý đến 16 chiếc tàu và vốn thu hồi rất ít ỏi. Vì vậy, câu mực khơi hiện vẫn là nhóm nghề “truyền thống, thế mạnh” của ngư trường xa bờ!
Tuy nhiên, nỗi lo thường trực của ngư dân câu mực khơi bây giờ không phải là sóng gió mà nguồn lợi cạn kiệt. Cách đây khoảng mươi năm, nhiều ngư dân mô tả ở ngư trường xa bờ “mực xà không biết làm chi cho hết, trúng dằm là kéo mỏi tay” thì gần đây, không ít người than vãn “mực vắng quá, phải chắt chiu từng con”.
Trong khi đó, chi phí chuyến biển gia tăng... Cũng vì nguồn lợi cạn kiệt mà gần đây không ít tàu câu mực khơi bất chấp quy định, đưa tàu khai thác ở vùng biển nước ngoài.
Trong nỗ lực thực hiện các biện pháp để gỡ “thẻ vàng” thủy sản, UBND tỉnh vừa yêu cầu ngành chức năng và địa phương huy động tổng lực, quyết liệt triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định).
Một trong những biện pháp mạnh được đưa ra là đối với nhóm tàu tắt thiết bị giám sát hành trình, khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài sẽ xem xét không hỗ trợ chi phí nhiên liệu; thu hồi và không cấp lại giấy phép khai thác thủy sản...
Nỗ lực gỡ “thẻ vàng” thủy sản, đưa nghề cá phát triển theo hướng bền vững, trách nhiệm hơn của Quảng Nam đang gặp không ít khó khăn khi chính ngư dân vẫn chưa tìm ra bài toán khai thác hiệu quả trước khi thụ hưởng các chính sách hỗ trợ. Vì vậy, chuyện sóng gió xa bờ vẫn luôn tiềm ẩn..., ngay cả trên bờ!