Nhiều vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp tại Quảng Nam
Hoạt động giám định tư pháp tại Quảng Nam về cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nhưng vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần sớm có giải pháp để đạt kết quả tốt hơn…
Khó khăn trong thực tiễn
Thực hiện Quyết định số 250 ngày 28/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250)”, đến ngày 30/4/2023, Công an toàn tỉnh Quảng Nam đã ra 6.953 quyết định trưng cầu giám định.
Có 6.933 kết luận được sử dụng. Việc tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự, Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 tổ chức giám định tư pháp công lập là Trung tâm Pháp y tỉnh và Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh với 59 giám định viên tư pháp. Từ ngày 1/1/2018 đến hết ngày 31/12/2023, các tổ chức giám định tư pháp công lập đã thực hiện giám định 6.822 vụ việc (giám định pháp y 5.226 vụ việc, giám định kỹ thuật hình sự 1.596 vụ việc); các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh giám định 14 vụ việc.
Nhìn nhận về các hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án 250, theo Đại tá Nguyễn Hà Lai - Phó Giám đốc Công an tỉnh, công tác giám định tư pháp về giá (cơ quan thực hiện là Sở Tài chính) không thực hiện được nên công tác điều tra gặp nhiều khó khăn.
Nhất là trong giải quyết các văn bản, vụ việc về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu. Hiện nay, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh có 4 vụ việc, vụ án thời gian thực hiện kéo dài, theo quy định pháp luật về giám định tài chính thì thời hạn thực hiện tối đa 4 tháng (Thông tư số 40/2022 của Bộ Tài chính).
Tuy nhiên sau 5 tháng từ khi gửi Quyết định trưng cầu giám định, Sở Tài chính mới có văn bản từ chối giám định 3 quyết định trưng cầu và 1 quyết định chưa có kết luận. Điều này dẫn đến thời gian điều tra kéo dài, không giải quyết triệt để khiến vụ án, vụ việc phải tạm đình chỉ điều tra.
Trong khi đó, một số kết luận giám định về tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của bị hại, Cơ quan giám định (Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Nam) kết luận tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể tại thời điểm giám định ban đầu.
Tuy nhiên, trong bản kết luận giám định này yêu cầu cơ quan trưng cầu giám định tiếp tục đưa đối tượng giám định đến giám định lần sau (thông thường khoảng sau 1 tháng).
Sau khi có quyết định trưng cầu giám định bổ sung của Cơ quan điều tra thì Cơ quan giám định có kết luận phần trăm tổn thương cơ thể lần này cao hơn, hoặc thấp hơn tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể ban đầu, ảnh hưởng đến việc sử dụng kết quả giám định trong công tác điều tra, xử lý tội phạm…
Trên thực tiễn, các vụ việc liên quan đến giám định tử thi hầu hết do Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh) thực hiện. Trung tâm Pháp y tỉnh chủ yếu thực hiện giám định thương tích; các trường hợp giám định tử thi phức tạp, chết không rõ nguyên nhân theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Hiện nay, chưa có quy chế phối hợp giữa pháp y công an và pháp y y tế trên địa bàn tỉnh.
Chủ động đề xuất giải pháp tháo gỡ
Trước yêu cầu ngày càng cao của công cuộc cải cách tư pháp, đấu tranh phòng chống tội phạm, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường hoạt động quả lý nhà nước về giám định tư pháp thông qua kiểm tra.
Theo ông Bùi Xuân Hiếu - Phó Giám đốc Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 250 tỉnh, việc quản lý nhà nước đối với hoạt động giám định tư pháp chưa đạt hiệu quả cao do các đơn vị hoạt động theo mô hình ngành dọc, chức năng nhiệm vụ khác nhau, biên chế, tổ chức, nhiệm vụ do ngành chuyên môn quản lý trực tiếp.
Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp, chế độ phụ cấp đối với giám định viên tư pháp còn quá thấp so với hiện nay, chưa đủ bù đắp những nguy hiểm, độc hại trong quá trình thực hiện giám định của đội ngũ giám định viên, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao, chưa thu hút các chuyên gia, tổ chức có năng lực tham gia hoạt động giám định tư pháp cũng như đội ngũ bác sĩ về làm việc tại Trung tâm Pháp y tỉnh.
“Quảng Nam chưa có quy định cơ chế, chính sách thu hút, hỗ trợ cho đội ngũ làm công tác giám định kỹ thuật hình sự và pháp y trên địa bàn tỉnh cũng như đội ngũ giám định viên tư pháp, người giúp việc cho giám định viên tư pháp tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh... Do đó, làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ giám định và hoạt động tố tụng” - ông Hiếu nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh - Trưởng ban Chỉ đạo 250 tỉnh, giao Sở Tư pháp phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tư pháp đã được nhìn nhận.
Liên quan đến chế độ chính sách, Sở Tư pháp chủ động làm việc với các Ban của HĐND tỉnh để tham khảo ý kiến về nội dung, phạm vi của đề án có ảnh hưởng gì đến chủ trương về cải cách tiền lương không; trên cơ sở đó, xây dựng phù hợp. Đồng thời kiến nghị với cơ quan cấp trên sửa đổi, có cơ chế chính sách hỗ trợ cho lực lượng trực tiếp làm công tác giám định tư pháp.