Quy hoạch - Đầu tư

Quảng Nam và dấu ấn trong phát triển hành lang kinh tế Đông Tây

HỒ QUÂN 03/04/2024 10:09

Chiều 2/4, tại tỉnh Sê Kông (Lào) diễn ra Hội nghị cấp cao về hợp tác phát triển tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây. Đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh Quảng Nam do đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam làm trưởng đoàn tham dự hội nghị.

hoi-nghi-lao-3.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: H.Q

Tham dự hội nghị có ông Lếch-lây Sỉ-vi-lay - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư –Tỉnh trưởng Sê Kông (Lào), ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, ông Sôm-Boun-Mương-Vông-Sa – Phó Tỉnh trưởng Champasak (Lào), bà Sông-hắc Vo-ha-phai – Phó Tỉnh trưởng Ubon Ratchathani (Thái Lan).

Sê Kông là trung tâm tuyến hành lang

Ông Lếch-lây Sỉ-vi-lay - Bí thư - Tỉnh trưởng Sê Kông (Lào) cho biết, Chính phủ Lào nhìn thấy được tầm quan trọng và cần thiết trong việc nâng cấp mức độ phát triển Hành lang kinh tế Đông Tây để trở thành trục phát triển quan trọng, liên kết và hội nhập, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội giữa 5 tỉnh (3 nước). Trong đó, Sê Kông là vị trí trung tâm của sự hội nhập, kết nối giữa Việt Nam, Lào và Thái Lan.

Quãng đường từ cảng nước sâu Đà Nẵng đến Cửa khẩu quốc tế Đắc-tà-Ọoc - Nam Giang có chiều dài 260km và từ tỉnh Sê Kông đi Cửa khẩu quốc tế Văng-tàu, Xoòng-mếc và kết thúc tại Cảng nước sâu Lẻm-xạ-băng (Thái Lan) có chiều dài 877km.

Từ khi bắt đầu ý tưởng về liên kết hành lang kinh tế giữa 5 tỉnh (3 nước), Sê Kông đã nhanh chóng mở rộng các tuyến đường trong hành lang. Qua đó đem lại lợi ích cho khoảng 5 triệu người dân và có tiềm năng trong việc thu hút đầu tư, thương mại, du lịch và liên kết hội nhập.

Hiện nay tỉnh Sê Kông hướng đến việc trở thành vùng sản xuất điện năng của miền Nam, sản xuất nông nghiệp sạch gắn liền với công nghiệp chế biến. Một số dự án nổi bật, quy mô lớn như các dự án khai thác quặng, than đá, bô-xít, sắt; các dự án thủy điện Xê-kha-mản 3, Đạc-i-mun, Huội-lăm-phăn, đặc biệt là dự án điện gió.

hoi-nghi-lao-2.jpg
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết.

Những thành quả nói trên khẳng định Sê Kông sẵn sàng điều kiện về mọi mặt để tạo thuận lợi và ủng hộ các tỉnh trên tinh thần các bên cùng có lợi.

Hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm, thu hút đầu tư tại tỉnh Sê Kông của các tỉnh, doanh nghiệp để cùng giúp đỡ nhau phát triển, tạo mối liên kết hội nhập rộng rãi về mọi mặt, trở thành khu vực đáng sống và cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện” - ông Lếch-lây Sỉ-vi-lay nói.

Quảng Nam chủ động hợp tác

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, hiện Quảng Nam có quan hệ hợp tác hữu nghị với 4 tỉnh Nam Lào. Trong đó, quan hệ kết nghĩa, hợp tác toàn diện với tỉnh Sê Kông từ năm 1984; ký kết hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa và giáo dục với tỉnh Chămpasak từ năm 2007.

hoi-nghi-lao-1.jpg

Cạnh đó, Quảng Nam đã ký kết hợp tác về nông nghiệp, thương mại, đầu tư, du lịch, logistics với tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan) từ năm 2013.

Như vậy các mối quan hệ hợp tác với các tỉnh trên trục Hành lang kinh tế Đông Tây kết nối Đông Bắc Thái Lan với khu vực Nam Lào và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam đã được Quảng Nam chủ động triển khai từ lâu nay.

Mới đây, Quy hoạch tỉnh Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định mục tiêu đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá của tỉnh là nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy tiềm năng, vai trò có tính động lực, lợi thế cạnh tranh của Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Nam Giang.

Để thực hiện mục tiêu này, Quảng Nam xác định việc đẩy mạnh hợp tác toàn diện với các tỉnh Nam Lào và tập trung hợp tác về kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ và logistics với khu vực Đông Bắc Thái Lan là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung trong thời gian tới.

“Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng với các địa phương trong khu vực, nhất là đối với tỉnh Quảng Nam. Đây là cơ hội thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối thương mại, du lịch, dịch vụ giữa các bên; góp phần quan trọng trong việc sớm hình thành tuyến hành lang kinh tế Đông Tây kết nối với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang. Đáng chú ý là hợp tác trong các lĩnh vực lâm nghiệp, du lịch, giao thông, vận tải” – đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu.

Theo đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Quảng Nam sẽ tập trung kiến nghị Trung ương đầu tư mở rộng nâng cấp quốc lộ 14D có chiều dài 74km nối từ Cửa khẩu quốc tế Nam Giang về đường Hồ Chí Minh.

Đồng thời đề nghị các tỉnh trên tuyến hành lang tiếp tục trao đổi, thảo luận để đề xuất Trung ương hoàn chỉnh cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thông quan hàng hóa, xuất nhập cảnh tại cửa khẩu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư các bên hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh.

“Quảng Nam định hướng phát triển nhanh và bền vững, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, hài hòa với tự nhiên, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh, bắt kịp các xu hướng phát triển chung của khu vực.

Chúng tôi cam kết tham gia tích cực và trách nhiệm vào các nội dung tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và kết nối giữa 5 tỉnh 3 nước lần này” - đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.

HỒ QUÂN