Môi trường

Phục hồi đa dạng sinh học, Quảng Nam tái tạo nguồn lợi thủy sản

VIỆT NGUYỄN - ĐỖ HUẤN 04/04/2024 09:18

Thả con giống để tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản là hoạt động thiết thực góp phần phục hồi, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

da-dang-2.jpg
Sở NN&PTNT thả tôm giống và các loại cá nước lợ ở vùng ven biển Cửa Lở (xã Tam Hải, Núi Thành). Ảnh: Q.VIỆT

Tái tạo, phát triển nguồn lợi

Hưởng ứng kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm làng cá và Ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam (1/4/1959 - 1/4/2024), mới đây Sở NN&PTNT tổ chức thả hơn 350.000 con tôm sú giống và hơn 7.000 con cá nước lợ các loại ra môi trường tự nhiên ở vùng ven biển Cửa Lở (xã Tam Hải, Núi Thành). Đây là hoạt động thiết thực nhằm tái tạo, phát triển nguồn lợi để tạo sinh kế cho cộng đồng cư dân ven biển.

Thả giống các loại thủy, hải sản được ngành nông nghiệp tổ chức thực hiện hằng năm và luôn nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của ngành chuyên môn, chính quyền địa phương và người dân.

Bà Nguyễn Thị Lời (thôn Xuân Mỹ, xã Tam Hải) có mặt từ rất sớm để tham gia hoạt động này. Bà cho biết, nhiều loại cá đặc sản ở vùng ven biển Cửa Lở gần đây không thấy xuất hiện.

“Tôi rất vui khi ngành chức năng thả các loại giống thủy hải sản ở khu vực rừng dừa Cửa Lở, giúp sinh kế bàn con thuận lợi hơn và quan trọng là góp phần phục hồi đa dạng sinh học” - bà Lời nói.

Tại rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An), Phòng Kinh tế TP.Hội An vừa tổ chức buổi thả giống thủy sản với 30 vạn con tôm thẻ chân trắng (tôm sú giống).

Thực tế, lâu nay hoạt động thả các loại giống cá, tôm vào khu vực sông, hồ trên địa bàn thành phố được ngành thủy sản và chính quyền các cấp thường xuyên chú trọng, duy trì. Nhờ vậy, nguồn lợi thủy sản tại khu vực rừng dừa nước ngập mặn xã Cẩm Thanh được tái tạo.

Là người từng sống và gắn bó lâu năm với vùng rừng dừa Bảy Mẫu, ông Đặng Thành Tâm cho biết: “Tôi thấy mấy năm qua người dân Hội An đã hiểu được chuyện nên họ hạn chế tình trạng châm điện.

Tôm ở rừng dừa Bảy Mẫu nhờ vậy sinh trưởng rất nhiều bởi họ không khai thác những con tôm còn nhỏ nhỏ nữa mà chỉ bắt những tôm lớn. Vì thế, tôi rất hoan nghênh và luôn ủng hộ hoạt động này này”.

Nâng cao ý thức bảo tồn

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, các nguồn tài nguyên, sinh vật biển trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nguy cơ suy giảm, cạn kiệt do phải chịu nhiều tác động của con người, nhất là mất cân đối giữa cường lực khai thác và khả năng tái tạo nguồn lợi. Trước thực trạng trên, Quảng Nam đang cấu trúc lại ngành thủy sản theo hướng phát triển bền vững.

da-dang.jpg
Thả con giống thủy sản góp phần phục hồi đa dạng sinh học. Ảnh: Q.VIỆT

Hướng đi là tìm cách cân bằng giữa khai thác, nuôi trồng, bảo tồn dựa trên nguyên tắc tiếp cận, xây dựng hệ sinh thái. Quảng Nam chú trọng bảo vệ các khu vực bãi đẻ, không khai thác cá non, cá chưa trưởng thành, bảo vệ đa dạng sinh thái để tăng lượng tái sinh, giảm tỷ lệ chết tự nhiên, nhất là cắt giảm cường lực khai thác để không khai thác quá mức.

“Rất mong cộng đồng cư dân ven biển cùng chung tay bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Người dân cần khai thác có chọn lọc, không sử dụng chất độc, chất nổ, xung điện, ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, nói không với các nghề cấm.

Cùng với đó thả bổ sung các loài thủy sản vào các thủy vực tự nhiên, góp phần khôi phục, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản vì sinh kế bền vững” - ông Tích nói.

Bằng cách thả giống bổ sung hằng năm và được tổ chức thường xuyên, khu thủy vực tự nhiên ở rừng dừa Bảy Mẫu có điều kiện để phát triển các loài thủy sản bản địa mang giá trị kinh tế cao nhưng đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt.

Vì vậy, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản là yếu tố quan trọng giúp lập lại cân bằng sinh thái.

Theo Ths.Lê Ngọc Thảo – Trưởng ban Thư ký Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, đối với người dân Cẩm Thanh, cuộc sống và công việc hằng ngày của họ luôn gắn liền với rừng dừa.

Rừng dừa ngoài việc bảo vệ cộng đồng cư dân của địa phương trước thiên tai, thì về góc độ sinh học còn là nơi để con cá, con tôm và các loài thủy hải sản thực hiện chức năng, thiên chức sinh sản, bảo tồn thế hệ cho hôm nay và mai sau.

VIỆT NGUYỄN - ĐỖ HUẤN