Ngành kiểm sát Quảng Nam ứng dụng sơ đồ tư duy trong báo cáo án
Áp dụng sơ đồ tư duy trong báo cáo án được xem là một trong những đột phá của ngành kiểm sát Quảng Nam trong ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của ngành.
Tích lũy kinh nghiệm
Vòng chung kết cuộc thi báo cáo án bằng sơ đồ tư duy vừa được Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Quảng Nam tổ chức. Có 12 đội thi xuất sắc nhất sau vòng thi đầu tiên đã tranh tài bằng việc ứng dụng phần mềm Xmind để thực hành báo cáo án.
Kiểm tra viên Đặng Thị Thanh Ngân (VKSND TP.Tam Kỳ) cho hay, từ năm 2020, các kiểm sát viên đã biết đến việc báo cáo án bằng sơ đồ tư duy và bắt đầu ứng dụng mạnh mẽ trong các năm sau đó.
“Bình quân mỗi năm, VKSND TP.Tam Kỳ xây dựng khoảng 16 sơ đồ tư duy ở các vụ án trong lĩnh vực hình sự, dân sự. Từ đó, kiểm sát viên bắt đầu tích lũy kinh nghiệm, có thể xây dựng sơ đồ tư duy từ vụ án đơn giản đến phức tạp ở nhiều lĩnh vực, góp phần cụ thể hóa chỉ đạo của VKSND tối cao, VKSND tỉnh trong ứng dụng công nghệ thông tin.
Tham gia cuộc thi lần này là dịp để chúng tôi có thể học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, qua đó nâng cao khả năng tư duy, đánh giá toàn diện, khách quan các vụ án, tránh bỏ lọt chứng cứ trong từng vụ riêng biệt” - Thanh Ngân chia sẻ.
Cuộc thi báo cáo án bằng sơ đồ tư duy do VKSND Quảng Nam tổ chức với 24 đội thi vòng 1, chia thành 2 khối thi hình sự và dân sự, hành chính. Trong đó có 6 đội đến từ các đơn vị cấp phòng VKSND Quảng Nam và 18 đội đến từ 18 đơn vị VKSND cấp huyện.
Vòng 2 gồm 12 đội xuất sắc nhất vòng 1, tham gia thi vào ngày 29/3 vừa qua tại VKSND Quảng Nam. Kết quả, VKSND TP.Tam Kỳ đoạt giải Nhất khối hình sự và VKSND thị xã Điện Bàn đoạt giải nhất khối dân sự, hành chính.
Sử dụng sơ đồ tư duy để báo cáo trong vụ án N.M.H. và đồng phạm bị truy tố về hành vi “tàng trữ, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng” quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự, Thanh Ngân cùng hai đồng nghiệp trong đội thi đã sử dụng sơ đồ tư duy để hệ thống hóa vụ án.
Đây là vụ án hình sự có nhiều tình tiết phức tạp, với số lượng bị cáo nhiều. Việc xây dựng sơ đồ tư duy đối với vụ án một mặt giúp kiểm sát viên hệ thống hóa được toàn bộ nội dung vụ án và những người tham gia tố tụng một cách đầy đủ, khoa học.
Mặt khác, sơ đồ sẽ giúp lãnh đạo VKSND có cái nhìn trực quan sinh động về diễn biến vụ việc, dễ dàng nắm bắt được nội dung vụ án, vai trò, tính chất mức độ thực hiện hành vi phạm tội của từng bị cáo trong vụ án để có hướng chỉ đạo sâu sát, toàn diện.
Nhân rộng
Ông Trần Hoài Nam - Viện trưởng VKSND tỉnh cho hay, VKSND Quảng Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024 là đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại hai cấp kiểm sát. Toàn ngành sẽ tăng cường trách nhiệm trong việc thực hiện các đề án công nghệ thông tin, bảo đảm đầu tư đồng bộ, hiệu quả, có tính liên thông và ứng dụng cao trong hai cấp kiểm sát.
“Thời gian qua, đội ngũ kiểm sát viên toàn tỉnh đã khắc phục nhiều khó khăn về hạ tầng, kỹ năng sử dụng các phần mềm..., tích cực học hỏi để ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào hoạt động chuyên môn.
Chúng tôi tổ chức cuộc thi nhằm giúp công chức, kiểm sát viên trong ngành kiểm sát Quảng Nam nâng cao tính chủ động, sáng tạo và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn, trọng tâm là thực hành báo cáo án bằng sơ đồ tư duy.
Đây là một trong những giải pháp đột phá quan trọng mà Viện trưởng VKSND tối cao đã đề ra tại Chỉ thị số 01 ngày 18/12/2023 về công tác của ngành kiểm sát nhân dân năm 2024” - ông Trần Hoài Nam cho hay.
Đánh giá cao mục đích của cuộc thi và sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các đội thi, ông Hoàng Minh Tiến - Cục trưởng Cục 2 VKSND tối cao cho hay, chuyển đổi số đang là “từ khóa” trong rất nhiều diễn đàn và ngành kiểm sát không thể đứng ngoài cuộc.
“Cuộc thi do VKSND Quảng Nam tổ chức là một minh chứng sinh động cho việc ứng dụng công nghệ số để làm tốt hơn công việc mà ngành kiểm sát đang làm.
Không chỉ ứng dụng công nghệ số đơn thuần, việc sử dụng sơ đồ tư duy đòi hỏi kiểm sát viên còn phải tích lũy thêm kiến thức, nhận thức về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng trình bày, trả lời câu hỏi...
Thi là cách tuyên truyền, tập huấn hiệu quả nhất, để công chức, kiểm sát viên học hỏi và ứng dụng từ dễ đến khó, từ vụ án đơn giản đến phức tạp. Chúng tôi sẽ tham khảo cách thức của Quảng Nam để có thể tham mưu, đề xuất VKSND tối cao xây dựng một cuộc thi cấp ngành trong toàn quốc” - ông Hoàng Minh Tiến nói.