“Cự thủy an dân” của vườn sưa làng Hương Trà
(QNO) - Cây sưa, loài cây gắn với buổi đầu cư dân phía Bắc mang theo trong hành trình Nam tiến đã không còn là truyền thuyết mà trở thành hiện thực gắn với đời sống và sự phát triển du lịch của làng Hương Trà (phường Hòa Hương, Tam Kỳ).
Theo lời của ông Trần Xuân Quang - người con của làng Hương Trà, người đã có thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử của làng, trong hành trình Nam tiến theo đường biển từ thế kỷ XVI, cư dân đất Bắc mang theo cây sưa, dùng để chống, neo đậu thuyền. Với đặc tính dễ sinh trưởng, chỉ cần từ một khúc cây cắm xuống đất là cây tự nứt rễ bám đất bền chặt. Sau khi định cư ở vùng ven sông Tam Kỳ ngày nay, cư dân đã đắp đường đê và trồng loài cây này dọc triền sông cũng là để giữ bờ đất, chống xói lở và bão lũ.
Từ đó, trở thành thông lệ, hằng năm dân làng đắp đê lớn dần, dài thêm ra và nối Hương Trà với những làng bên. Trong quá trình đắp đê, dân làng sử dụng các cành, nhánh cây sưa cắm phía dưới chân đê. Qua thời gian, cây sưa lớn dần lên, cành lá sum suê giữ chắc cho đường đê bình yên trước phong ba bão lũ.
Hằng năm, cứ độ từ tháng 9 trở đi, lúc tiết trời vào thu, người dân trong làng lại mé các nhánh cây sưa phòng gió bão và trồng các nhánh cây ấy trên đường làng và quanh nhà.
“Nói cây sưa đồng hành cùng tổ tiên vào đây khai cơ lập nghiệp là căn cứ vào những di tích còn để lại. Ví dụ như bộ ván sưa ở đình làng Hương Trà có khổ ván rộng, lớn. Bộ ván đó được khai thác từ cây sưa có từ vài ba trăm năm tuổi trở lên. Còn để có được quần thể cây sưa như hôm nay thì có lý do là bởi vì làng Hương Trà bản thân là những cồn bãi.
Khi thành lập, để ra vào làng thì người ta đi bằng đò, vào những mùa mưa lũ về thì nước lũ hủy hoại ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của cư dân nơi đây. Do vậy, người ta mới nghĩ ra phương thức đắp đê cự thủy. Và để giữ bờ đê thì người dân mỗi năm đều trồng sưa, trồng cừa dưới chân đê. Đây chính là công trình “cự thủy an dân” đầu tiên của tổ tiên khi đến đây lập làng Hương Trà” - ông Quang phân tích.
Qua thời gian, mặc cho sự đổi thay, biến chuyển của cuộc sống và làn sóng đô thị hóa, làng Hương Trà vẫn giữ nguyên sự bình yên, trong lành dưới tán sưa.
Làng Hương Trà có khoảng 200 hộ dân trồng sưa với hàng trăm cây sưa lớn nhỏ. Cây sưa ở Hương Trà còn có tên gọi là cây giáng hương, dân làng còn gọi là cửu lý hương (tức là hương bay xa chín dặm). Cây có đặc điểm rễ cắm sâu vào đất rất vững chắc, cành dẻo không bị gãy bởi gió bão. Mỗi năm hai lần vào trung tuần tháng 3 và hạ tuần tháng 4 âm lịch, những hàng sưa cổ thụ quanh năm tỏa bóng mát xuống dòng sông Tam Kỳ đồng loạt mãn khai.
Từ năm 2017 trở lại đây, thành phố tổ chức Lễ hội Tam Kỳ mùa hoa sưa ngay tại làng Hương Trà. Lễ hội được tổ chức thường niên vào tháng 3 âm lịch với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi, trong đó giới thiệu đến du khách không gian làng quê, thưởng thức ẩm thực đậm chất quê; biểu diễn các nghề truyền thống như nghề rèn, tráng mỳ, bánh tét, bánh chưng; tổ chức đua thuyền trên sông Tam Kỳ và đặc biệt đón hàng nghìn du khách gần xa đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa sưa và trải nghiệm không gian làng quê yên bình.
Năm 2022, ông Michael Chan – một nhà đầu tư người Mỹ trong chuyến đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại thành phố Tam Kỳ, ông đã tham dự chương trình Lễ hội Tam Kỳ mùa hoa sưa. Ông bảo, nơi này hoàn toàn khác biệt với lễ hội ở nước Mỹ vì có rất nhiều người dân địa phương đến tham dự. "Tôi nghĩa đây là một trong những loài hoa cổ và đẹp nhất ở Việt Nam nên sẽ có rất nhiều người thích đến với nơi này trong thời gian tới” - ông Michael Chan nói.
Không chỉ là loài cây đặc trưng của làng Hương Trà mà từ năm 2010, thành phố đã có chủ trương bảo tồn loài cây này gắn với lịch sử giữ đất giữ làng của Tam Kỳ, nhân giống phát triển thành cây đô thị chủ yếu trên địa bàn.
Đến nay, thành phố đã trồng và bảo tồn được hơn 2.000 cây sưa hoa vàng, chiếm hơn 10% trong tổng số cây xanh trên địa bàn. Trong đó, trên địa bàn phường Hòa Hương có 552 cây hoa sưa, riêng đường Hương Trà có 115 cây sưa hoa vàng trên 100 năm tuổi, trong đó quần thể 9 cây sưa vàng có tuổi đời từ 100 đến gần 150 tuổi vừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản.