An ninh trật tự

Quảng Nam kịp thời giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân

H.GIANG 04/04/2024 18:04

(QNO) – Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Quảng Nam (Ban Chỉ đạo 138) cho biết, trong năm 2023 và Quý I/2024 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 741 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân với 1.760 người tham gia.

yen-binh-lang-que.jpg
Kịp thời phát hiện, giải quyết dứt điểm mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân góp phần giữ vững cuộc sống bình yên ở làng quê (ảnh minh họa). Ảnh: N.Đ

Trong đó, 57 vụ phạm pháp hình sự; 125 vụ xử lý vi phạm hành chính liên quan đến mâu thuẫn.

Nguyên nhân của tình hình trên rất đa dạng, liên quan đến nhiều mặt, nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, như: mâu thuẫn trong sinh hoạt gia đình, quan hệ hàng xóm, vay mượn tiền, ghen tuông, mất kiểm soát hành vi do sử dụng trái phép ma túy, uống rượu, bia, mâu thuẫn bộc phát trong lời nói, cử chỉ, hành vi, va chạm giao thông...

Tình hình trên cũng cho thấy những hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý xã hội của chính quyền, các ngành, đoàn thể chức năng ở cơ sở; công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng của lực lượng chức năng còn hạn chế.

Để nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, góp phần kéo giảm tội phạm và vi phạm pháp luật, tạo chuyển biến tốt hơn về ANTT, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh xây dựng kế hoạch tăng cường công tác nắm tình hình, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

Trong đó, giao Công an tỉnh – Cơ quan thường trực tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tội phạm nói chung, tội phạm phát sinh từ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân nói riêng, chú trọng phòng ngừa xã hội, phòng ngừa từ gia đình, từ cơ sở.

Đề ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh nhấn mạnh, toàn tỉnh tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các hoạt động phòng ngừa xã hội, nhất là ở địa bàn cơ sở. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội thông qua các các tiện ích, giải pháp công nghệ như; ứng dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram, Instagram.

Đặc biệt là khai thác các tính năng của ứng dụng VneID… nhằm nâng cao ý thức của Nhân dân trong việc chấp hành pháp luật và chủ động phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

Tiếp tục phát huy vai trò của các tổ hòa giải, người có uy tín ở cộng đồng dân cư... trong việc phát hiện và xử lý kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân (tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình, khiếu kiện...) không để phát sinh các vụ phạm tội và vi phạm pháp luật, góp phần làm giảm các loại tội phạm do nguyên nhân xã hội ngay từ xa, từ sớm và từ cơ sở…

H.GIANG