Chi trả an sinh không dùng tiền mặt ở Quảng Nam
Các địa phương đang nỗ lực triển khai chủ trương chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.
Ghi nhận từ cơ sở
Ông Nguyễn Thành Đông - cán bộ phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội xã Quế Minh (huyện Quế Sơn) cho biết, thực hiện chủ trương chi trả an sinh xã hội (ASXH), đến nay toàn xã có hơn 350 trường hợp có tài khoản ngân hàng, chiếm hơn 50%.
Dự kiến đến tháng 5/2024 xã mới tổ chức chi trả không dùng tiền mặt cho người có công, bảo trợ xã hội. Hiện nay, địa phương tiếp tục rà soát, làm sạch dữ liệu, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân đồng thuận, ủng hộ chủ trương.
Ông Trần Thanh Ngọc (67 tuổi, ở thôn Đại Lộc, xã Quế Minh) là người có công cách mạng đang hưởng chế độ thương binh. Lâu nay, vào ngày 7 hàng tháng, ông tới bưu điện xã để nhận trợ cấp, nay địa phương thực hiện chi trả qua tài khoản ngân hàng, ông không khỏi băn khoăn.
“Tôi đã làm thẻ, mở tài khoản Ngân hàng NN&PTNT. Tới đây, xã tổ chức chi trả trợ cấp qua tài khoản thì tôi phải ra thị trấn Đông Phú mới rút được tiền. Chưa kể, đã lớn tuổi, mắt kém, chưa rành sử dụng, mỗi khi cần tiền có lẽ phải vào ngân hàng rút trực tiếp chứ khó có thể thực hiện ở máy ATM”.
Thời gian qua, tỷ lệ mở tài khoản và chi trả không dùng tiền mặt của Quảng Nam liên tục tăng. Nếu như đến tháng 2/2024, toàn tỉnh mới có 8.769/171.230 trường hợp được chi trả trợ cấp ASXH không dùng tiền mặt (đạt 5,12%), thì đến tháng 3 đã có 13.831 trường hợp được chi trả, đạt 8,28%. Các địa phương trong nhóm chi trả cao như Hội An 46,8%, TP.Tam Kỳ 27,1%, Đại Lộc 13,9%...
Quế Minh vẫn chưa thực hiện chi trả qua tài khoản vì đang tiếp tục rà soát, làm sạch dữ liệu, hướng dẫn người dân mở tài khoản. Qua theo dõi, số người dân mở tài khoản, đăng ký chi trả qua Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt là nhiều nhất.
Nhiều trường hợp ủy quyền nhận qua tài khoản người thân với các ngân hàng khác nhau. “Qua triển khai, nhiều trường hợp già cả, neo đơn bày tỏ lo lắng vì không có con cháu để ủy quyền; trong khi ở địa phương chưa có máy ATM rút tiền… Chúng tôi đang tiếp tục rà soát, nhất là những trường hợp không thể chi trả qua tài khoản để báo cáo cấp trên” - ông Đông chia sẻ.
Nhiều trở ngại
Sau một thời gian tổ chức thí điểm, hiện nay phần lớn địa phương trong tỉnh đã triển khai mở tài khoản và tổ chức chi trả ASXH không dùng tiền mặt. Mặc dù tỷ lệ tăng, tuy nhiên Quảng Nam vẫn thuộc nhóm các địa phương triển khai chi trả trợ cấp ASXH không dùng tiền mặt chậm.
Đến nay nhiều địa phương tỷ lệ chi trả vẫn ở mức 0% như Bắc Trà My, Nam Giang, Tây Giang; các huyện có tỷ lệ chi trả thấp như Nông Sơn, Đông Giang, Duy Xuyên, Phước Sơn…
Tại Hiệp Đức, ông Lương Văn Hào - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết, đến nay có 3.733/4.369 trường hợp người có công, bảo trợ xã hội trên địa bàn được mở tài khoản chi trả qua ngân hàng (đạt 85,4%).
Huyện dự kiến sẽ triển khai mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt trong tháng 4 này, phấn đấu đạt hơn 65% với khoảng 3.000 trường hợp được chi trả; trong tháng 5 sẽ thực hiện chi trả đạt 100% số trường hợp đã có tài khoản…
Ông Hào cho biết, việc triển khai chủ trương chi trả ASXH không dùng tiền mặt gặp một số khó khăn như số đối tượng thuộc diện giảm trừ nhiều do già yếu, không nơi nương tựa, không có người ủy quyền. Toàn huyện chỉ có 2 cây ATM, một số xã nằm xa trung tâm huyện nên người dân đi lại để rút tiền gặp khó…
Theo Sở LĐ-TB&XH, thời gian qua, UBND cấp xã tập trung rà soát, lập danh sách, nắm thông tin đối tượng đang hưởng trợ cấp; chủ động phối hợp với công an bổ sung, cập nhật, làm sạch dữ liệu để kết nối dữ liệu dân cư.
Phòng LĐ-TB&XH các địa phương đã phối hợp với UBND cấp xã, đơn vị dịch vụ chi trả (bưu điện), ngân hàng thương mại tổ chức các buổi gặp mặt và tuyên truyền về chủ trương, mục đích, yêu cầu thực hiện chi trả chính sách ASXH không dùng tiền mặt.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong triển khai chủ trương này trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, khó khăn. Trong đó, lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; chưa làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, vận động. Rất ít ngân hàng có chính sách hỗ trợ, miễn thu (100%) phí các dịch vụ liên quan đến thẻ/tài khoản nhận trợ cấp.
Theo bà Đoàn Thị Hoài Nhi - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, đối tượng bảo trợ xã hội là những người thuộc diện yếu thế, khó khăn nhất trong xã hội, cuộc sống chủ yếu nhờ vào khoản trợ cấp, nếu thực hiện thu phí dịch vụ sẽ không khuyến khích được người dân tham gia. Bên cạnh đó, hiện nay, tại mỗi huyện chỉ có 1-2 trụ ATM của ngân hàng đặt tại trung tâm, khiến người dân gặp khó khăn khi rút tiền, phát sinh chi phí đi lại...