Văn học - Nghệ thuật

Khoảng trống văn học thiếu nhi đất Quảng

LÊ TRÂM 07/04/2024 08:32

Sau thời gian dài ngắt quãng, đã đến lúc Quảng Nam cần đầu tư cho các hoạt động ươm mầm, phát triển khả năng sáng tác văn học cho lớp trẻ, để khỏa lấp khoảng trống thiếu vắng đội ngũ kế thừa hiện nay.

thieu-nhi-1.jpg
Một số tác phẩm viết cho thiếu nhi của các tác giả Quảng Nam.

Mười năm, câu chuyện dài

Đến nay, Quảng Nam tái lập tỉnh được 27 năm. Trong khoảng thời gian ấy, vào dịp hè, Tỉnh đoàn, Sở Văn hóa - Thông tin (nay Sở VH-TT&DL), Sở GD-ĐT, Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung phối hợp tổ chức được một số trại sáng tác văn học, mỹ thuật cho thiếu nhi các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Nam, sau đó chỉ mở riêng cho ngành mỹ thuật.

Năm 2013, Hội Văn học - Nghệ thuật (VH-NT) tỉnh đã chỉ đạo Chi hội Văn học phối hợp với ban chỉ đạo hoạt động hè huyện, thị, thành phố mở một đợt trại sáng khá quy mô. Trại quy tụ 21 cây bút nhí độ tuổi 11 - 17 đến từ 8 huyện, thành phố trong tỉnh.

Mỗi trại sinh muốn về dự trại phải qua các bước: trước hết phải có năng khiếu sáng tác, được nhà trường giới thiệu, được gia đình cho phép, được phòng GD-ĐT, phòng VH-TT và huyện đoàn - thành viên ban chỉ đạo hoạt động hè - cử người theo giám hộ suốt thời gian tham gia trại.

Các em đã được tham quan, đi thực tế những nơi cần đến: hồ Phú Ninh, Tượng đài chiến thắng Núi Thành, Biển Rạn, Khu tưởng niệm nhà văn Chu Cẩm Phong, khu di tích Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, bãi biển Cửa Đại, trại trẻ mồ côi, Làng Hòa Bình, thăm từ đường tộc Nguyễn Tường - nơi ra đời của các nhà văn họ Nguyễn Tường trong Tự Lực văn đoàn nổi tiếng đầu thế kỷ 20. Đồng thời được bồi dưỡng kỹ năng sáng tác, gặp gỡ và giao lưu với một số tác giả trong tỉnh.

Cuối đợt, hầu hết thành viên đều nộp sáng tác cho ban quản trại. Nhiều gương mặt được chú ý: Văn Trần Nhã Trúc, Lê Mai Nhật Uyên… Nhiều tác phẩm được viết rất chắc tay so với tuổi tác các em.

Mùa thu… Trời xanh trong, những đám mây xốp trắng lững lờ trôi nhè nhẹ, mặt nước không một gợn sóng, mùi hoa sữa nồng nàn, lá cây ngả màu vàng cuốn nhẹ theo làn gió… Gió. Cảm giác thật thân thuộc quá! Tôi đưa tay lên, gió luồn qua từng ngón tay, bất giác nắm tay lại, rồi nhìn vào lòng bàn tay… Không có gì cả… Luôn là vậy, không thể nhìn thấy, không thể nắm bắt, nhưng dễ dàng cảm nhận được, là gió!...” (Cổ tích hoàng tử gió - Văn Trần Nhã Trúc).

… Mồ hôi mẹ rơi xuống đất/ Như tưới cây Haroo/ Cho nên mỗi năm nào/ Haroo cũng tốt tươi…” (Giọt mồ hôi và nước mắt của mẹ - Bnướch Thị Nhung).

Sau trại sáng tác này, hoạt động hỗ trợ liên quan không được tổ chức và duy trì. Riêng mục “Văn học - Học văn” trên tạp chí Đất Quảng luôn rộng mở để đón nhận tác phẩm của các em. Các biên tập viên tìm hiểu, theo dõi, động viên các em tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tác.

Những năm đầu, Lê Mai Nhật Uyên, Khương Quỳnh, Huỳnh Diễm Diễm… thỉnh thoảng có gởi bài về đăng trên tạp chí Đất Quảng hay báo Quảng Nam. Gần đây, xuất hiện hai cây bút nữ văn xuôi gốc Quảng Nam, Nguyễn Thị Như Hiền (SN 1990) và Ny An (SN 1995). Cả hai đều ở xa và không phải là thành viên của trại sáng tác năm nào.

Chỗ dựa

Năm 2021, đại diện Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch và Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng đã tổ chức một buổi gặp mặt giữa NXB và các tác giả viết về thiếu nhi ở Quảng Nam.

thieu-nhi-3.jpg
Trại sáng tác văn học thiếu nhi hè 2013.

Cuộc gặp đã có sự tham dự của nhiều tác giả quen thuộc. Đó là Tiêu Đình, tác giả của truyện dài “Đội bóng nhí xóm Mới”; Nguyễn Tam Mỹ với tập truyện “Trong và ngoài rào gai”; Phan Chín với “Quê nhà cô Tấm”; Phan Văn Minh với “Mưa đầu mùa”; Nguyễn Bá Hòa với “Vạn dế than”, “Bình minh trên sông Hoài”, “Hân cổ tích”, “Người dưng thương nhau”; Lê Nguyên Khôi với “Tuổi thơ màu giấy kính”; Mạc Ly với “Trận thư hùng”; Lê Trâm với “Mơ về phía chân trời”, “Tý cô nương”, “Bức tranh gửi lại”; Lê Thị Điểm với “Sân cỏ tuổi thơ”, “Mưa qua miền tuổi thơ”…

Sau cuộc gặp gỡ, các tác giả tiếp tục có thêm nhiều tác phẩm mới viết về thiếu nhi với sự “đỡ tay” của NXB Kim Đồng. Các tác giả ấy cũng là những người đỡ đầu các em trong trại sáng tác văn học thiếu nhi năm nào.

Từ chỗ dựa ấy, nếu được tập trung hỗ trợ, bồi dưỡng chắc chắn sẽ phát hiện ra nhiều nhân tố mới. Kinh nghiệm từ TP.Đà Nẵng, nhờ duy trì thường xuyên việc tổ chức trại sáng tác nên luôn có một đội ngũ sáng tác văn học thiếu nhi bổ sung hàng năm.

Tháng 11/2023, NXB Kim Đồng dự định phối hợp tổ chức một buổi giao lưu giữa các tác giả và các em học sinh Trường THCS Nguyễn Chí Thanh tại xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên.

Dự kiến, buổi giao lưu ngoài các tác giả đến từ NXB Kim Đồng còn có sự góp mặt của hai nhà văn Nguyễn Bá Hòa, Mạc Ly và khởi động cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi. Tiếc rằng do mưa lũ nên cuộc giao lưu bị hủy bỏ.

Về tiềm năng sáng tác văn học của các em thiếu nhi tỉnh nhà, cô giáo Lê Thị Ngọc Trâm, giáo viên chủ nhiệm lớp Văn 11 - Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông cho biết vẫn có thể ít nhiều kỳ vọng. Như tại trường của cô, bên cạnh em Nguyễn Thị Thanh Hiền hai năm liền đoạt giải nhì học sinh giỏi cấp quốc gia môn Văn, có thêm nhiều em thực sự có năng khiếu sáng tác như: Mỹ Quyên, Từ Tuyết hay Bích Kiều…

Khi trao đổi về khả năng hỗ trợ các em tham gia trại sáng tác ngắn, cô Trâm chia sẻ rất khó vì cấn lịch học, có chăng là vào dịp hè. Câu trả lời như một sự gợi ý và hơn thế, như một đề nghị, rằng đã đến lúc phải ươm mầm văn chương để chờ đợi thế hệ kế cận cho làng văn xứ Quảng. Làm được điều này rất cần sự giúp đỡ của các đơn vị hữu quan như Tỉnh đoàn, Sở GD-ĐT, Sở VH-TT&DL và Hội VH-NT tỉnh cũng như các đơn vị tài trợ.

LÊ TRÂM