Góc suy ngẫm

Mong dứt đeo cái nghèo

NGUYỄN ĐIỆN NAM 07/04/2024 07:45

Núi, đeo cái nghèo từng trải mấy đời người. Núi, đã rộn lên đâu đó nét tươi vui, nhưng vẫn còn trăn trở với giấc mơ thoát nghèo…

Vui như hội mừng khi đại biểu các dân tộc thiểu số ở Bắc Trà My về tề tựu trong kỳ đại hội lần thứ IV-2024. Đại hội điểm ở đây thắm đầy sắc màu Xê Đăng, Ca Dong, Mơ Nông, Mường, Thái, Tày, Nùng…, nơi có gần 48,5 nghìn người đồng bào dân tộc thiểu số.

Núi rừng Trà My, xưa ở nhiều nóc của đồng bào, mười nhà hết chín nhà đói ăn, thiếu bữa. Lại thêm hủ tục lạc hậu nên bao phận người bị “ma rừng” dồn đuổi cùng cực, có số phận chôn sống bi thương khi mẹ sinh “chết xấu”.

Vượt qua thời gian đủ lâu cho một thế hệ mới trưởng thành, vùng “cao sơn ngọc quế” giờ đã có nhiều đổi thay. Đường sá phong quang; trường học khang trang hơn; điện đã về; rừng quế cũng đã hồi sinh…

Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã biết làm kinh tế hộ để vươn lên thoát nghèo (trong 3 năm 2021 – 2023, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của Bắc Trà My giảm 7,94%, đạt so với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm từ 3,5%/năm theo Nghị quyết HĐND huyện).

Đặc biệt, ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa được quan tâm giữ gìn và phát huy với các lễ hội được phục dựng, cồng chiêng được truyền dạy, ẩm thực được chế biến, trưng bày cho du khách gần xa thưởng thức...

Đã đạt tới mức sống cao hơn, không còn đói cơm lạt muối nữa là mừng. Nhưng Trà My cũng như nhiều huyện miền núi Quảng Nam, để thoát nghèo và làm giàu là cả hành trình còn phải thao thức. Bởi tính đến cuối năm rồi, Bắc Trà My vẫn còn hơn 4 nghìn hộ nghèo (tỷ lệ 34,56%), phần lớn hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng một huyện, nhưng khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa vùng cao, vùng đồng bào dân tộc với các vùng trung và hạ du là rất rõ. Chưa nói kết quả giảm nghèo thiếu bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Như thế, để đạt mục tiêu huyện thoát nghèo vào năm 2025 đòi hỏi Bắc Trà My phải nỗ lực gấp nhiều lần so với giai đoạn qua.

Và Trà My không là cá biệt. Có thể kể Phước Sơn, mục tiêu phấn đấu cũng đặt mốc năm 2025 thoát khỏi huyện nghèo, nghĩa là phải giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 6 - 7%/năm.

Phước Sơn đã quyết liệt loại khỏi danh sách hộ nghèo đối với những trường hợp có đủ năng lực, điều kiện (lao động, đất đai...) nhưng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên cho đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở Phước Sơn vẫn còn 27,64% (1.933 hộ nghèo) và 863 hộ cận nghèo.

Để so chiếu thêm nữa, có thể dẫn ra trường hợp huyện Nam Giang, trong 3 năm 2021-2023 đã có 1.342 hộ thoát nghèo, tỷ lệ giảm nghèo bình quân 6,49%/năm; đạt mục tiêu nghị quyết HĐND huyện đề ra. Song Nam Giang vẫn còn 2.654 hộ nghèo (tỷ lệ 35,58%), phấn đấu đến năm 2025 giảm còn 1.963 hộ nghèo (25%).

Như vậy có thể nhận diện, chuyện còn đeo cái nghèo là điểm chung của nhiều huyện miền núi, và có lẽ trước khi nói đến những giấc mơ xa xôi thì phải làm sao dứt cái đeo ấy đã. Muốn làm được phải có nguồn lực đầu tư.

Được biết, trong giai đoạn 2021 - 2023, tổng vốn ngân sách nhà nước phân bổ thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững hơn 1.239 tỷ đồng.

Mục đích là 100% huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản.

Tuy vậy số tiền đầu tư từ Nhà nước chỉ là một phần, có hạng mục chỉ là “vốn mồi” còn quan trọng hơn là cả phía người dân sở tại nắm bắt cơ hội để vươn lên tìm sinh kế, thoát nghèo.

Dứt đeo cái nghèo có lẽ là mong đợi lớn nhất mà đại hội các dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi trong năm này lại xới lên trên diễn đàn.

NGUYỄN ĐIỆN NAM