Thần tượng độc hại
Người trẻ đang bị nội dung độc hại trên mạng xã hội gặm nhấm. Nếu không được can thiệp kịp thời, sẽ rất nguy.
Ngô Bá Khá (Khá Bảnh) đang thụ án 10 năm tù về tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc. Trước khi vào tù, Khá Bảnh nổi như cồn, được nhiều trẻ em, vị thành niên, thanh niên thần tượng với những màn ra oai một cách vô văn hóa.
Cái độc hại lớn nhất mà Khá Bảnh để lại là cổ xúy, dẫn dắt giới trẻ lệch chuẩn bằng những hành động vi phạm đạo đức và pháp luật.
Nhưng Khá Bảnh vào tù về tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc, không ai chịu trách nhiệm và đền bù cho hàng trăm ngàn trẻ em bị tổn thương văn hóa và méo mó nhân cách do mỗi ngày xem và thần tượng Ngô Bá Khá.
Cho đến khi kiều nữ Ngọc Trinh bị bắt và tuyên phạt do hành vi điều khiển xe gắn máy phân khối lớn, không mặc đồ bảo hộ, thực hiện các động tác lái xe nguy hiểm, di chuyển trên nhiều tuyến đường giao thông công cộng trên địa bàn TP. Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh), nhiều người mới thật sự nghiêm túc suy nghĩ đến việc “gây tác động xấu trong hành vi” là nguy hiểm như thế nào.
Ban đầu, ai cũng nghĩ rằng “cùng lắm là Trinh bị phạt về lỗi an toàn giao thông”. Nhưng không, Trinh phải chịu trách nhiệm về hành vi gây hại lớn hơn: biểu diễn trên mô tô phân khối lớn trong điều kiện thiếu an toàn.
Tác hại lớn ở đây, Trinh là thần tượng của nhiều bạn trẻ, việc Trinh quay clip biểu diễn mô tô sai luật như vậy và đăng lên mạng xã hội, sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu thanh thiếu niên. Các thanh thiếu niên sẽ dễ bị bắt chước hành động nguy hại của Trinh.
Tính đến năm 2021, Việt Nam có đến 68,72 triệu người (chiếm 70,3% dân số) sử dụng internet, đứng thứ 12 trên thế giới. Đặc biệt, người dùng mạng xã hội tại Việt Nam đang trẻ hóa rất nhanh. Hiện có đến 16,5% trẻ em đăng ký tài khoản mạng xã hội.
Chúng ta thử tưởng tượng, một thanh thiếu niên hay trẻ em vào mạng xã hội, say sưa xem Khá Bảnh, bà Nguyễn Phương Hằng, Ngọc Trinh biểu diễn mô tô và rất nhiều “idol” (thần tượng) của chúng, sẽ ảnh hưởng về mặt giáo dục, đạo đức, văn hóa như thế nào?
Cách đây chưa lâu, khi “Anna Bắc Giang” (Tina Dương) livestreams cảnh mình vừa rời trụ sở công an, sau chuỗi ngày lừa đảo và bị tố cáo, lập tức thu hút đến 16 ngàn lượt xem trực tiếp. Đáng sợ hơn khi nhìn vào các bình luận, thấy rất nhiều avatar (ảnh đại diện) trẻ măng tung hô cô như thể một người hùng.
Mấu chốt của việc lọc nội dung để xem là phải có nền tảng văn hóa. Người trưởng thành, nhờ vào “phông” văn hóa của mình, có thể lướt qua, tránh xa nội dung độc hại, phản cảm.
Nhưng với thanh thiếu niên và trẻ em, việc chắt lọc trên thực tế chỉ dừng ở lý thuyết. Ở một số gia đình, cha mẹ vô tình thấy con xem nội dung độc hại, liền cấm. Nhưng đa số thời gian con lên mạng đều không có cha mẹ ở đó. Và hầu như trẻ em được thoải mái xem nội dung mình muốn.
Trong khi gia đình, nhà trường và xã hội đang nỗ lực từng ngày giáo dục để bồi đắp nhân cách đẹp cho con, thì những nội dung độc hại từ các idol trên mạng xã hội dễ dàng cuốn và phá hỏng.
Ở góc độ pháp luật, dường như luật chưa theo kịp đời sống khi đang có quá ít chế tài xử lý các thần tượng độc hại.
Nguy hại ở chỗ, nội dung độc hại trên mạng đang âm thầm, len lỏi, âm ỉ phá hủy, làm méo mó nhân cách của thanh thiếu niên. Đến khi xảy ra hậu quả cụ thể, thì mọi thứ đã muộn.