Viết về chiến tranh cách mạng: Khó hay dễ?
Từ cả văn chương lẫn báo chí, đề tài chiến tranh cách mạng luôn gặp những thách thức nhất định. Nguồn tư liệu, cách khai thác tư liệu cho đến cách chuyển tải bằng ngôn ngữ văn chương, phải làm gì để mang đến cảm xúc thật cho người đọc?
Mới đây tại buổi ra mắt tập sách “Cuộc tình vùng đất lửa” của nhà văn Hồ Duy Lệ - nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, vấn đề đề tài chiến tranh cách mạng lại được bàn luận.
Mạch nguồn cảm xúc
Người viết trẻ quan tâm đến lịch sử ngầm hiểu như trách nhiệm công dân để tôn bồi những giá trị tiền nhân. Đó là cội nguồn quê hương, tổ tiên và lịch sử nước nhà.
Nhà văn Nguyễn Bá Thâm nói, đã có nhiều cuộc sưu tầm, khai thác các thông tin, tư liệu lịch sử. Ông mong muốn từ nguồn tư liệu của những cuộc sưu tầm trước đây, có thể hình thành nên những tác phẩm có giá trị.
Dù báo chí hay văn chương, mạch nguồn cảm xúc là điều làm nên giá trị tác phẩm. Người trẻ không trải qua những năm tháng chiến tranh nhưng vẫn có thể cảm được đau thương mất mát lẫn những khốc liệt của từng cuộc chiến mà dân tộc đã đi qua.
Ở góc nhìn hiện tại, vẫn còn đó nhân chứng là người mẹ Việt Nam anh hùng hay những đứa trẻ ở thế hệ thứ hai, thứ ba đang gánh chịu hậu quả của chiến tranh bởi chất độc màu da cam… Và đó chính là mạch nguồn cảm xúc cho người cầm bút.
Nhà văn Phạm Thông – một cây bút chuyên tâm và khá thành công mảng đề tài chiến tranh cách mạng với 10 đầu sách viết về đất và người Quảng Nam cho rằng, nguồn tư liệu và khai thác nguồn tư liệu là điều quan trọng nhất của tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng.
Một bài báo về đề tài này, yếu tố tiên quyết vẫn là sự thật. Một điều không thể khác hơn là người cầm bút cần tìm hiểu, tiếp xúc, khai thác tư liệu từ nhân vật. Viết về đề tài chiến tranh cách mạng đòi hỏi sự chịu khó và cái tâm của người cầm bút.
Chia sẻ điều này, không khó để nhận ra sự gặp gỡ trong suy nghĩ của nhà văn Phạm Thông và nhà văn Hồ Duy Lệ. Bởi, họ viết để trả nghĩa quê hương, trả nghĩa những người đã ngã xuống, trả nghĩa bạn bè, đồng đội và cả những người dân đất Quảng quê mình.
Đề tài dễ hay khó?
Thực tế, số người viết về đề tài chiến tranh cách mạng ở Quảng Nam dần thưa vắng. Ngoài một số cây bút đi qua chiến tranh như Hồ Duy Lệ, Phạm Thông, một vài nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử… thì không còn mấy những cây bút sinh ra trong hòa bình tham gia viết về đề tài này.
Với báo chí, đề tài chiến tranh cách mạng chẳng hề dễ dàng. Đây là nhìn nhận khá thẳng thắn và cũng là tâm sự của nhiều cây bút trẻ. Họ cho rằng, khó nhất của mảng này vẫn là độ chính xác của sự thật. Bởi viết về đề tài chiến tranh cách mạng - cũng tức là viết về lịch sử, dù đó là lịch sử thân phận một con người, gia đình, gia tộc hay một làng quê nào đó.
Nhà báo Nguyễn Hữu Đổng - Phó Tổng biên tập Báo Quảng Nam chia sẻ, những vấn đề về lịch sử khi báo Quảng Nam đăng tải đương nhiên trở thành cứ liệu lịch sử. Bởi vậy, nếu có sự thiếu chính xác trong bài viết nào đó sẽ gây ra những rắc rối khó lường. Trong khi đó, vấn đề minh định sự chính xác, chân thật, đúng đắn của những bài viết về đề tài chiến tranh cách mạng chẳng dễ dàng gì.
Non nửa thế kỷ từ ngày đất nước thống nhất, những người trẻ muốn xây dựng diễn ngôn của mình phải từ tư liệu và chứng nhân còn lại. Hoặc họ phải khuấy động, khai thác ký ức của những người đi qua chiến tranh. Điều này đòi hỏi người viết phải có những hiểu biết nhất định, kiến thức lịch sử, cẩn trọng và nhiều khi phải đối chiếu với sử liệu trong năm đó, sự kiện đó, vùng đất đó…
Lo lắng “đứt gãy”
Nhà văn Nguyễn Bá Thâm chia sẻ, Quảng Nam cần tiếp tục duy trì chủ trương viết về đề tài chiến tranh cách mạng. Thiển nghĩ, cùng với chủ trương này cũng cần có các cuộc thi về đề tài này để kích thích và cũng để khơi dậy sự sáng tạo, dấn thân của người viết.
Phải để họ biết, ngoài kia “những chân trời không có người bay” vẫn đang chờ đợi họ, đừng ngại ngùng né tránh nữa. Đương nhiên họ có quyền tiếp cận dưới góc nhìn mới của người trẻ.
Một đạo diễn phim tài liệu cũng là nhà báo người Quảng Nam đã nghỉ hưu tâm sự, ở nước ta nói chung hay ở Quảng Nam nói riêng, đề tài chiến tranh cách mạng viết mãi cũng không hết.
Trong chiến tranh, ai cũng là anh hùng và ai cũng có thể gặp bi kịch, nên những người đã trải thấy đó là điều bình thường. Soi rọi điều này với hôm nay, thì hẳn, đó là cuộc chiến ghê gớm, khốc liệt, là những giằng xé đau khổ, hay cam chịu đến khó hiểu…Và cần có góc nhìn nhân ái, nhân văn, khách quan, trung thực để có những trang viết, thước phim lưu lại cho đời.
Mọi giai đoạn lịch sử qua rồi cần được diễn giải từ điểm nhìn hiện tại. Điều quan trọng, tác phẩm đó phải vừa tôn trọng sự thật nhưng vẫn mới mẻ, nhân văn, có ích cho đời.