Bảo vệ sức khỏe trước các thách thức
(QNO) - Nhân ngày Sức khỏe thế giới (7/4) năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh đến những thách thức trong việc bảo vệ quyền được chăm sóc sức khỏe của mọi người trước tác động của biến đổi khí hậu và xung đột.
Theo WHO, 3,6 tỷ người trên thế giới đang sống ở những khu vực rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, điều này có thể khiến 14,5 triệu người tử vong mỗi năm vào năm 2050.
Các thảm họa thiên nhiên do khí hậu gây ra đang khiến hàng triệu người phải di dời chỗ ở mỗi năm, đối mặt an ninh lương thực cũng như khả năng tiếp cận nước sạch, chăm sóc sức khỏe.
Nhiệt độ tăng đang làm lây lan các bệnh do véc tơ truyền sang các khu vực mới và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm. Chất lượng không khí đang xấu đi, 124 trong số 134 quốc gia và vùng lãnh thổ vượt quá tiêu chuẩn của WHO về ô nhiễm bụi mịn.
WHO thống kê, ô nhiễm không khí, đất và nước hiện gây ra khoảng 9 triệu ca tử vong sớm hằng năm, 90% trong số đó xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Việc đốt nhiên liệu hóa thạch đồng thời gây ra khủng hoảng khí hậu và vi phạm quyền hít thở không khí trong lành của chúng ta.
Khủng hoảng khí hậu gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan đe dọa sức khỏe và hạnh phúc trên khắp hành tinh và gây khó khăn cho việc tiếp cận các dịch vụ nhằm đáp ứng các nhu cầu cơ bản.
WHO khẳng định, mọi người đều xứng đáng được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, kịp thời và phù hợp mà không bị phân biệt đối xử hoặc gặp khó khăn về tài chính.
Tuy nhiên, vào năm 2021, 4,5 tỷ người - hơn một nửa dân số thế giới không được cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu, khiến dễ mắc bệnh tật và thiên tai.
Ngay cả người tiếp cận dịch vụ chăm sóc cũng thường phải gánh chịu thiệt hại về mặt kinh tế. Khoảng 2 tỷ người phải đối mặt với khó khăn về tài chính do chi phí y tế, tình hình trở nên tồi tệ hơn trong hai thập kỷ qua.
Trong khi đó, trải qua xung đột đã ảnh hưởng đến mọi người theo nhiều cách. Xung đột không chỉ gây thương tích về thể chất hoặc tử vong mà việc sinh sống trong vùng xung đột còn có thể gây ra tổn thương về tinh thần và tâm lý.
Xung đột cũng khiến nhiều người mất nhà cửa, di dời đến nhiều nơi khác và có thể mất quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe.
Do đó, để giải quyết những thách thức đối với vấn đề sức khỏe hiện nay, WHO nêu bật chủ đề của ngày Sức khỏe thế giới 2024: "Sức khỏe của tôi, quyền của tôi".
Chủ đề nhằm nâng cao bảo vệ quyền của mọi người, ở mọi nơi được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin có chất lượng, nguồn nước uống an toàn, không khí sạch, dinh dưỡng tốt, nhà ở chất lượng, điều kiện môi trường và làm việc tốt, tự do thoát khỏi phân biệt đối xử.