Điểm đến rẻ nhất
Phố cổ Hội An vừa được công ty tài chính hàng đầu tại Anh - Post Office chỉ ra là điểm đến đường dài có chi phí rẻ nhất thế giới trong năm 2024.
Tin tức này những ngày qua thu hút sự chú ý của nhiều người, gắn liền với đó là các tranh luận về việc liệu đây có phải là điều đáng mừng.
Xếp hạng các điểm đến được Post Office tổng hợp dựa trên mức giá trung bình của 8 mặt hàng du lịch phổ biến tại 40 thành phố du lịch trên toàn thế giới.
Theo đó, trung bình mua sắm của mỗi du khách khi đến Hội An với các mặt hàng phổ biến khoảng 51,18 bảng Anh. Trong khi đó, khách du lịch sẽ phải bỏ ra 158 bảng cho các món đồ tương tự ở thị trấn Tamarindo (Costa Rica).
Hội An thời gian qua đã được bình chọn, công nhận khá nhiều danh hiệu, từ tốp 9 thành phố “tuyệt vời nhất thế giới”, tốp 15 thành phố được yêu thích nhất châu Á năm 2023, tốp 10 điểm đến yên bình nhất châu Á, tốp 25 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới,… và nay được bình chọn “điểm đến rẻ nhất thế giới” dành cho du khách Anh.
Nghe có vẻ hơi “ngược đời”, cái gì điểm đến du lịch này cũng nhất hoặc nằm trong tốp đầu của khu vực và thế giới, nhưng thay vì đáng ra giá phải cao thì lại rẻ, mà còn rẻ nhất!
Với một địa phương du lịch, được bầu chọn “điểm đến rẻ nhất” bởi một đơn vị uy tín như Post Office sẽ giúp nâng cao vị thế trên bản đồ du lịch quốc tế, trước hết là đáng mừng vì có thể thu hút sự chú ý của du khách từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là những người có ngân sách hạn hẹp. Đây cũng là “cơ hội vàng” để Quảng Nam thúc đẩy ngành du lịch tỉnh đang trong nỗ lực phục hồi.
Tuy nhiên, không thể gạt qua các mối lo.
Thứ nhất, khi được bình chọn là điểm đến rẻ nhất, Hội An sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các điểm đến khác trong khu vực có mức giá tương tự. Việc tập trung vào giá rẻ có thể dẫn đến nguy cơ giảm chất lượng dịch vụ, ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách và làm tổn hại đến hình ảnh của Hội An.
Kế đến, nhu cầu du lịch tăng cao có thể dẫn đến tình trạng quá tải, gây áp lực lên môi trường và các nguồn tài nguyên địa phương. Ví dụ rõ nhất là ở thời điểm năm 2019 về trước, Hội An đã phải giới hạn lượng khách ra Cù Lao Chàm ở mức 3.000 người/ngày; thành phố giảm tần suất tổ chức các sự kiện ở khu phố cổ; và cách đây chưa lâu là chính quyền thành phố đưa ra quyết định gây nhiều tranh cãi với phương án thu phí người vào phố cổ để hạn chế sự quá tải, ô nhiễm...
Nguy cơ đáng lo nhất là du lịch giá rẻ có thể sẽ tập trung thu hút du khách “bụi”, những người có xu hướng chi tiêu ít và thường không đi du lịch vì nhu cầu tìm hiểu vùng đất mới nên thiếu sự tôn trọng văn hóa địa phương.
Với người dân ở các địa phương khác của Quảng Nam thì sao? Điểm đến Hội An tuy giá rẻ nhưng lại quá quen thuộc, nên đa số chỉ chọn đến Hội An khi có sự kiện hay lễ hội. Còn các điểm đến ở những tỉnh thành khác trong nước, qua khảo sát cho thấy giá tour cao hơn cả đi du lịch ngoài nước, do đó chỉ những gia đình thực sự có điều kiện mới được thụ hưởng các kỳ nghỉ đúng nghĩa. Đây cũng là thiệt thòi cho một bộ phận người dân Quảng Nam.
Việc Hội An được bình chọn điểm đến rẻ nhất thế giới là cơ hội lớn phát triển du lịch địa phương, tuy nhiên cần có những giải pháp phù hợp để đảm bảo phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Hội An phải giữ gìn bản sắc riêng của mình, không chỉ là điểm đến giá rẻ để du khách quốc tế lựa chọn mà còn thu hút người dân các địa phương khác trong tỉnh được hưởng thụ dịch vụ du lịch chất lượng ngay tại quê hương với sự đa dạng, phong phú về sản phẩm. Hội An cần luôn tự làm mới mình để mỗi lần khách đến là một lần khác.
Hội An có thể là “điểm đến rẻ nhất” vì người làm du lịch chỉ thu về “mức lợi nhuận thấp nhất” chứ không vì cung cấp “dịch vụ chất lượng thấp nhất”.