Giá trị pháp lý của chữ ký số, hồ sơ điện tử được quy định cụ thể, thống nhất
(QNO) - Theo Bộ Quốc phòng, giá trị pháp lý của chữ ký số, hồ sơ điện tử được quy định cụ thể, thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật và Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo để tổ chức thực hiện.
Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam do Văn phòng Chính phủ chuyển đến với nội dung: “Đề nghị chỉ đạo thống nhất về giá trị pháp lý của chữ ký số, hồ sơ điện tử (hiện nay, nhiều cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tín dụng chưa áp dụng thống nhất nội dung này và bắt buộc phải sử dụng chữ ký thông thường, hồ sơ giấy song song với chữ ký số, hồ sơ điện tử)”.
Bộ Quốc phòng có văn bản trả lời cử tri tỉnh Quảng Nam như sau:
I. Các quy định của pháp luật liên quan đến chữ ký số, văn bản điện tử
- Luật Giao dịch điện tử năm 2015
“Điều 24. Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử
1. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu chữ ký điện tử được sử dụng để ký thông điệp dữ liệu đó đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Phương pháp tạo chữ ký điện tử cho phép xác định được người ký và chứng tỏ được sự chấp thuận của người ký đối với những nội dung thông điệp dữ liệu.
b) Phương pháp đó là đủ tin cậy và phù hợp với mục đích mà theo đó thông điệp dữ liệu được tạo ra và gửi đi.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan, tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký điện tử của cơ quan tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 22 của luật này và chữ ký điện tử đó được chứng thực.
3. Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý và sử dụng chữ ký điện tử của cơ quan, tổ chức”.
- Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số
“Điều 8. Giá trị pháp lý của chữ ký số
1. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 nghị định này.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký số cơ quan, tổ chức và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 nghị định này.
3. Chữ ký số và chứng thực số nước ngoài được cấp giấy phép sử dụng tại Việt Nam theo quy định tại Chương V nghị định này có giá trị pháp lý và hiệu lực như chữ ký số và chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của Việt Nam cấp”.
- Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 23/1/2019 về việc tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp
Tại điểm c khoản 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các loại hình giao dịch điện tử phục vụ quản lý, điều hành, xử lý công việc và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; ưu tiên nguồn lực để triển khai công tác này.
Trường hợp cơ quan, đơn vị đang sử dụng chữ ký số công cộng phải có kế hoạch chuyển sang sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.
- Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư
“Điều 5. Giá trị pháp lý của văn bản điện tử
1. Văn bản điện tử được ký số bởi người có thẩm quyền và ký số của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật có giá trị pháp lý như văn bản gốc, văn bản giấy.
2. Chữ ký số trên văn bản điện tử phải đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật”.
- Nghị đinh số 165/2018/NĐ-CP ngày 24/12/2018 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính
“Điều 5. Giá trị pháp lý của chứng từ điện tử
1. Chứng từ điện tử phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản lý nhà nước, phù hợp với pháp luật chuyên ngành. Hình thức thể hiện, việc khởi tạo, gửi, nhận, lưu trữ và giá trị pháp lý của chứng từ điện tử được thực hiện theo Luật Giao dịch điện tử.
2. Chứng từ điện tử có giá trị là bản gốc khi được thực hiện một trong các biện pháp sau đây:
a) Chứng từ điện tử được ký số bởi cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi tạo chứng từ điện tử và cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm liên quan theo quy định của pháp luật chuyên ngành...”.
- Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước
“Điều 4. Giá trị pháp lý của văn bản điện tử
1. Văn bản điện tử đã ký số theo quy định của pháp luật được gửi, nhận qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành quy định tại quyết định này có giá trị pháp lý tương đương văn bản giấy và thay cho việc gửi, nhận văn bản giấy…”.
II. Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15 ngày 22/6/2023 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024
“Điều 23. Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử
1. Chữ ký điện tử không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì được thể hiện dưới dạng chữ ký điện tử.
2. Chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn hoặc chữ ký số có giá trị pháp lý tương đương chữ ký của cá nhân đó trong văn bản giấy.
3. Trường hợp pháp luật quy định văn bản phải được cơ quan, tổ chức xác nhận thì yêu cầu đó được xem là đáp ứng đối với một thông điệp dữ liệu nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn hoặc chữ ký số của cơ quan, tổ chức đó”.
Bộ Quốc phòng nêu rõ: Từ những cơ sở nêu trên, giá trị pháp lý của chữ ký số, hồ sơ điện tử đã được quy định cụ thể, thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật và Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo để tổ chức thực hiện.