UBND tỉnh Quảng Nam ủy quyền kiểm tra hoạt động đấu thầu
(QNO) - Ngày 8/4, Sở KH-ĐT Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định ủy quyền cho đơn vị kiểm tra hoạt động đấu thầu trên địa bàn tỉnh.
Thời gian thực hiện việc ủy quyền kể từ ngày 5/4/2024 cho đến hết ngày 31/12/2025.
Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu ngày 23/6/2023 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2024). Ngày 27/2/2024, Chính phủ ra Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, trong đó, duy định nội dung về công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu đã thay đổi so với Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định số 63, ngày 26/6/2014.
Theo ông Trần Văn Ẩn - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, luật mới ban hành, chưa có nghị định hướng dẫn đầy đủ. Theo luật thì việc kiểm tra, thanh tra do cấp thẩm quyền quyết định, nên phải có ý kiến của cấp thẩm quyền.
Việc ủy quyền của UBND tỉnh nhằm đảm bảo công tác kiểm tra hoạt động đấu thầu trên địa bàn Quảng Nam được thực hiện tuân thủ quy định của pháp luật. Cơ quan thừa hành chủ động thực hiện kiểm tra hoạt động đấu thầu theo quy định và thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đấu thầu trên địa bàn tỉnh.
Riêng về giám sát hoạt động đấu thầu thuộc người có thẩm quyền (người quyết định đầu tư) và giám sát thường xuyên hoạt động đấu thầu của cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu thuộc bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung chưa cụ thể, Sở KH-ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu Luật Đấu thầu, nghị định, thông tư liên quan, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các nội dung về giám sát hoạt động đấu thầu theo đúng quy định pháp luật.
Thời gian qua, các cuộc kiểm tra, giám sát về đấu thầu đã được thực hiện. Có đủ luật, không thiếu quy định, nhưng đụng đâu cũng thấy sai phạm trong hoạt động đấu thầu.
Biểu hiện rõ nhất là hồ sơ mời thầu không đúng các mẫu ban hành, gia tăng tiêu chí không phù hợp, quy mô gói thầu nhằm hạn chế nhà thầu tham gia dự thầu, thiếu công bằng, thiếu tính cạnh tranh. Chủ đầu tư khoán trắng cho nhà tư vấn mời thầu đăng tải hồ sơ sai lệch, lỗi font và việc đánh giá hồ sơ dự thầu, chọn thầu chủ quan, thiếu căn cứ,... dẫn đến lựa chọn những nhà thầu thiếu năng lực, hoặc lợi dụng kẽ hở pháp luật để thông thầu...
Tiết kiệm ngân sách thông qua đấu thầu là việc hợp lý, nhưng quan trọng hơn vẫn là chuyện chọn được nhà đầu tư chất lượng.
Làm thế nào để chấn chỉnh, siết chặt quản lý, tiết kiệm được ngân sách nhưng vẫn lựa chọn được những nhà thầu năng lực thi công chất lượng công trình; hay “an toàn” là chọn nhà thầu bỏ giá rẻ, nhưng gánh rắc rối về ì ạch tiến độ giải ngân? Đây vẫn là câu hỏi khó!